Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi

“Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” là tên tập bút ký của nhà văn Nguyễn Tuân, ra đời đúng vào những ngày tháng Hà Nội đỏ lửa, anh dũng chống trả những trận bom rải thảm từ pháo đài bay Mỹ. Nhiều người cùng thời với Nguyễn Tuân kể lại, lúc viết tập bút ký này, Nguyễn Tuân nhất định bám trụ Hà Nội không chịu đi sơ tán, đầu đội mũ phòng không, chiều chiều ung dung ngồi ở quán bia Cổ Tân như chưa hề có lũ cướp trời đang rình rập. Năm nay, nếu còn sống, cụ Nguyễn Tuân sẽ tròn 100 tuổi. Và thủ đô sắp ngàn năm tuổi mà ông yêu quý vẫn còn ghi dấu những trận chiến tưởng như “châu chấu đá xe” đó.

Thảm bại pháo đài bay 34 máy bay B-52 bị bắn rơi trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” ngày ấy, đóng góp gần một nửa trong tổng số B-52 bị bắn hạ ở chiến trường Việt Nam (88 chiếc), diệt và bắt sống hàng chục phi công Mỹ. Riêng quân và dân thủ đô Hà Nội đã chiến đấu oanh liệt, bắn rơi 23 chiếc B-52 và 2 chiếc F111. Cho đến tận ngày nay, Việt Nam vẫn là nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới bắn hạ pháo đài bay B-52. Đặc biệt, trong số B-52 rơi tại Hà Nội, có một chiếc đến nay vẫn “yên vị” kể từ khi lao xuống mảnh đất thiêng này. Đó là chiếc B-52 thuộc tốp 491, bị đơn vị D72, đoàn Nam Triệu, Sư đoàn phòng không Hải Phòng tăng cường bảo vệ Hà Nội bắn hạ. Chiếc B-52 chưa kịp cắt bom, bay tới ngay hồ Hữu Tiệp giữa làng hoa Ngọc Hà thì rơi xuống, chỉ cách Phủ Chủ tịch và trụ sở Chính phủ chưa đầy 1km! Gần 40 năm đã trôi qua, khung cảnh quanh hồ Hữu Tiệp có nhiều đổi thay, làng đã thành phố, nhưng hồ nhỏ vẫn còn đó với xác chiếc máy bay này. Nơi đây đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử. Đó thực sự là bài học truyền thống sống động dành cho các học sinh ở Trường Tiểu học Ngọc Hà ngay cạnh đó. Cách đó không xa, trên đường Đội Cấn là Bảo tàng Chiến thắng B-52. Thành lập ngày 22-12-1997, mỗi năm bảo tàng đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan. Những hiện vật quý trưng bày bên trong đã giới thiệu quá trình xây dựng, trưởng thành của các lực lượng vũ trang thủ đô qua các thời kỳ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt của thủ đô với chiến công của đoàn không quân “Sao đỏ”. Một phòng tham quan có diện tích khoảng 200m2 dành cho sa bàn tổng hợp diễn biến trận Điện Biên Phủ trên không, thể hiện bằng không gian ba chiều, tái hiện lại địa hình khu dân cư, các trận địa phòng không và điểm các máy bay B-52 rơi. Nhưng ấn tượng hơn cả là khu vực trưng bày ngoài trời, rộng khoảng 4.000m2, nơi cụ thể hóa sự đồ sộ và thảm bại của những “pháo đài bay” (dài 48,07m, sải cánh 56,42m) tưởng như bất khả chiến bại... “Khâm thiên, gương mặt cuộc đời” Trong phương ngữ của người Hà Nội, phố Khâm Thiên từng có nhiều tên gọi. Theo nhà văn Băng Sơn, ngày xưa cũ, phố có tên Nhiệt Đới hay Xích Đạo vì nằm thẳng một chiều Đông Tây, nắng từ sáng sớm đến tối nhọ mặt người, cho đến năm 1954 những rặng bàng mới xòe tán. Phố cũng từng được gọi là phố Cầm Ca, phố Cô Đầu, rồi Thợ May… và đến sau sự kiện thảm khốc năm 1972 thì được gọi là “phố B-52”. Nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ, nền căn nhà cũ của ông ngay gần tượng đài tưởng niệm nạn nhân phố Khâm Thiên trong đợt rải thảm bom B-52 những năm 70. Những “cây bàng mồ côi mùa đông” như một ám ảnh trong bài hát của ông hẳn là bàng ở phố Khâm Thiên chăng? Tượng đài tưởng niệm dựng trên nền cũ số nhà 49, với hai cây hoa đại chiết từ cây cổ thụ trong Văn Miếu và những khóm thài lài tía được đem về từ Chùa Hương. Trong ánh chiều tà phảng phất khói nhang mơ hồ, bức tượng người mẹ bế trên tay em bé bị bom Mỹ sát hại như chạm tới nỗi đau sâu thẳm trong trái tim con người. Vào cái đêm định mệnh 26-12-1972, bom Mỹ đã phá hủy 17 tổ dân phố, phá sập 534 căn nhà, 120 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng, cướp đi sinh mệnh của 283 người dân lương thiện, làm bị thương 262 người khác. Trong số những người may mắn qua khỏi cơn mưa bom đêm ấy có vợ chồng ông bà chủ hiệu sách Quốc Việt ở số nhà 274. Người chồng - nhà thơ, nhà báo, nhà viết kịch Giang Quân, người gần trọn cuộc đời mình gắn bó với Khâm Thiên đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Khâm Thiên, gương mặt cuộc đời” vào năm 1997. Cuốn sách của ông đã “ôm” trọn lịch sử con phố này, có thể coi như nén nhang thắp cho những người dân vô tội xấu số, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. Xác pháo đài bay B-52 và Đài tưởng niệm nạn nhân của bom Mỹ ở Khâm Thiên – hai di tích lịch sử quan trọng của Hà Nội – đã góp phần làm cho thế giới hiểu hơn về cuộc chiến tranh Việt Nam, giúp những thế hệ sau thấm thía rằng, chiến thắng hào hùng đã phải trả bằng biết bao máu và nước mắt của những người đi trước. Trong chặng đường 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, ấy là một cột mốc mãi mãi không thể nào quên. ANH THƯ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phongsudieutra/2010/4/223719/