Góc khuất camera

Mới đây, dư luận vô cùng phẫn nộ khi đọc những chia sẻ đẫm nước mắt của một phụ nữ ở TP Đồng Hới...

Camera được gắn phía trước ngực, trên mũ của CSGT

Mới đây, dư luận vô cùng phẫn nộ khi đọc những chia sẻ đẫm nước mắt của một phụ nữ ở TP Đồng Hới, Quảng Bình về việc con trai 15 tháng tuổi của mình bị các cô giáo ở trường mầm non bạo hành. Chuyện rằng, chị này phát hiện cậu con trai mới 15 tháng tuổi đi học về có nhiều biểu hiện lạ như: Hay khóc, hoảng sợ khi thấy người lạ đến gần, cùng với đó là trên tay chân của con xuất hiện nhiều vết bầm tím… Qua camera, chị thấy một bảo mẫu kéo con vào góc lớp (có lẽ cô nghĩ góc này camera không tới được) lấy thìa inox đánh liên tục vào hai tay, hai má con. Khi chị cùng chồng đột ngột xông vào lớp để làm rõ sự việc thì tận mắt chứng kiến cảnh con trai mình đang bị trói chân tay, nhét giẻ vào miệng.

Cũng lại chuyện camera, báo chí mấy ngày nay đăng nhiều vụ giả danh nhà báo quay lại hình ảnh xử lý vi phạm giao thông của Cảnh sát giao thông (CSGT) để tống tiền. Mới đây, hai sinh viên tại Hà Nội đã bị Tòa án xử tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” sau khi bí mật ghi lại hình ảnh của một tổ công tác thuộc Đội CSGT số 6 đang làm nhiệm vụ rồi yêu cầu họ đưa 150 triệu đồng thì sẽ không phát tán đoạn phim trên lên mạng xã hội.

Khi hai “nhà quay phim dạo” này đang nhận số tiền 100 triệu đồng của đại diện Đội CSGT số 6 thì bị cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện, bắt giữ. Tuy nhiên, trước khi bị bắt, ít nhất một lần họ đã từng thành công với đoạn phim quay lén của mình. Ấy là vào cuối năm 2014, dùng hình ảnh quay lén đội CSGT làm việc trên đường Nguyễn Cảnh Di (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có biểu hiện vi phạm điều lệnh, hai sinh viên này đã ép các CSGT có mặt trong hình đưa 70 triệu đồng.

Đầu tháng 6, TAND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cũng đã xét xử sơ thẩm đối với Hoàng Thanh Hải, 44 tuổi, trú ở Hà Tĩnh về hành vi tương tự: Quay phim rồi tống tiền CSGT.

Chuyện lén quay CSGT đang làm nhiệm vụ để tống tiền hay quay các hành vi được cho là “không đúng mực” của CSGT để đăng lên mạng xã hội đang dấy lên một cuộc tranh luận về việc “ai có quyền ghi lại hình ảnh của CSGT khi làm nhiệm vụ?”.

Bởi lẽ theo Công văn 1042/C67-P3 ngày 26/4/2013 của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt: “Muốn quay phim, chụp hình CSGT đang làm nhiệm vụ thì phải được sự đồng ý của CSGT đó”. Tuy nhiên, ngay sau đó Công văn này đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” vì vi phạm pháp luật nên ngày 23/8/2013, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt đã ban hành Công văn 2315/C67-P6 để hủy bỏ Khoản 2 của Công văn 1042/C67-P3.

Hẳn nhiên chuyện có camera giám sát sẽ tăng tính minh bạch, khiến mọi người làm việc có trách nhiệm hơn. Nhưng vì sao có camera, có ghi hình mà vi phạm vẫn tái diễn? Ở câu chuyện đầu, các cô bảo mẫu dù không có nghiệp vụ nhưng cũng biết kéo cháu ra góc nhà (“điểm mù” của camera) để bạo hành. Hay chuyện những chiếc camera lắp trên mũ bảo hiểm của CSGT tại TP Hồ Chí Minh. Ai đảm bảo là những chiếc camera này không “nghếch lên trời” trong một số khoảnh khắc cụ thể?

Chắc hẳn không có loại camera thần thánh nào có thể giám sát hết những hành vi tiêu cực của cán bộ công chức hay người làm dịch vụ. Vì cứ có camera thì sẽ có cách né, cách chọn “điểm mù” để hoạt động. Và vấn đề không chỉ là mua nhiều camera hay huy động toàn bộ người dân “đi quay phim”.

Gốc của nó là làm thế nào để mỗi “người có chức vụ, quyền hạn” không thể hoặc không muốn thực hiện hành vi vi phạm. Lúc đó, mỗi chiếc camera chỉ như “lời nhắc” để những “đầy tớ của nhân dân” phải cẩn trọng hơn trong từng lời nói, từng hành vi.

Anh Tú

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/goc-khuat-camera-d123185.html