Giúp giáo viên Vật lý sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học

Việc sử dụng thiết bị dạy học trong giảng dạy môn Vật lý tại trường THCS là không thể thiếu. Muốn nâng cao hiệu quả giờ lên lớp, giáo viên phải khai thác triệt để và sử dụng có hiệu quả các thiết bị dạy học.

Thực trạng sử dụng thiết bị dạy học Vật lý

Cô Hoàng Thị Hoa – Giáo viên Trường THCS Ninh An (Ninh Bình) – cho biết: Việc sử dụng thiết bị dạy học Vật lý trong các nhà trường hiện nay vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại.

Vẫn có những nhân viên phụ trách phòng thiết bị chưa thực sự nắm chắc chuyên môn của mình, tuy được đào tạo nhưng chưa nắm hết các danh mục thiết bị hiện có.

Các thiết bị dạy học thường được giáo viên sử dụng đưa trang thiết bị cho học sinh tự nghiên cứu lập phương án và tiến hành thí nghiệm.

Việc sử dụng thiết bị dạy học còn hạn chế rất nhiều, các thao tác thực hành của giáo viên chưa chuẩn xác kết quả thí nghiệm chưa có tính khoa học nên chưa có tính giáo dục cao.

Một số giáo viên còn ngại sử dụng thiết bị dạy học, trình độ thực hành ở một số giáo viên còn hạn chế. Giáo viên dạy Vật lý một số không sử dụng đồ dùng dạy học, vì đồ dùng cồng kềnh nên còn ngại không mang lên lớp.

Một số giáo viên khi lên lớp thiếu sự chuẩn bị, khi thấy đồ dùng hư hỏng nhẹ cũng không sửa lại để phục vụ giảng dạy. Việc sử dụng thiết bị dạy học trong môn Vật lý đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị bài thật chu đáo cẩn thận, phải chuẩn bị đầy đủ các thiết bị dạy học cần thiết, phải làm trước các thí nghiệm sao cho đạt kết quả mong muốn.

Nhiều giáo viên khi lên lớp chưa sử dụng được các phương tiện hiện đại một cách thường xuyên như đèn chiếu, băng hình. Một số giáo viên chưa được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn đồ dùng dạy học hoặc chưa được học tập nghiên cứu tốt các tài liệu hướng dẫn sử dụng ĐDDH cũng như các phương tiện nghe nhìn.

Cần bố trí phòng học bộ môn và phòng đựng thiết bị bộ môn

Theo cô Hoàng Thị Hoa, cần bố trí phòng học bộ môn đúng tiêu chuẩn quốc gia. Diện tích phòng học phải đảm bảo, hệ thống cấp thoát nước theo quy định hiện hành.

Bàn ghế nên kê hợp lý cho cả khi hoạt động nhóm và khi hoạt động cá nhân. Nên kê bàn ghế theo hàng ngang như lớp học bình thường nhưng bàn ghế phải rộng, dài, phẳng để tiện làm thí nghiệm và đủ cho một nhóm hoạt động.

Phòng học bộ môn phải liên thông với phòng đựng thiết bị dạy học. Các thiết bị được sắp xếp khoa học theo khối khoa học, theo từng phân môn.

Các thiết bị sắp xếp ngăn nắp trong từng ngăn tủ, mỗi ngăn chứa thiết bị của từng phân môn.

Giáo viên cần lên kế hoạch mượn đồ dùng dạy học

Với giáo viên, cô Hoàng Thị Hoa cho rằng, cần lên kế hoạch mượn đồ dùng dạy học theo học kỳ hoặc cả năm. Thực hiện tốt phiếu mượn và trả đồ dùng dạy học theo quy định của trường.

Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu tài liệu hướng dẫn thí nghiệm vật lý THCS, tùy theo bài nào, khối lớp nào để có cách bố trí chọn dụng cụ thí nghiệm cho phù hợp, nắm vững những điều cần chú ý trong thao tác thí nghiệm nhằm giúp cho học sinh thực hiện tốt thí nghiệm trong mỗi bài học.

Do đặc trưng môn học phải có sử dụng đồ dùng dạy học nên giáo viên phải khai thác tốt những đồ dùng dạy học hiện có trong bài; cùng với tổ chuyên môn để thường xuyên đề xuất những giải pháp sử dụng và bảo quản đồ dùng dạy học cho tổ; phối hợp với cán bộ thiết bị để soạn, bố trí thiết bị và thao tác thử đồ dùng dạy học trước khi lên lớp để phát hiện những hư hỏng hoặc cho kết quả chưa chính xác để kịp thời khắc phục; hướng dẫn và dặn dò học sinh có nghiên cứu trước các phương án tiến hành thí nghiệm và các ở nhà trong bài học mới sau mỗi tiết dạy.

Giáo viên cũng cần tăng cường hoạt động nhóm cho học sinh trong mỗi tiết dạy, để học sinh tự tay làm thí nghiệm và rút ra kết quả khách quan, sử dụng tốt các bảng phụ khi lên lớp để giảm bớt nội dung ghi chép không cần thiết trên bảng.

Giáo viên dạy bộ môn phải thực hiện đầy đủ các thí nghiệm trong một giờ dạy, tổ chức cho học sinh tiến hành các thí nghiệm không nguy hiểm từ khâu chọn dụng cụ, phương án bố trí và tiến hành thí nghiệm, theo dõi quan sát ghi lại kết quả của thí nghiệm.

Điều vô cùng quan trọng là phải thực hành đủ 100% các giờ học thực hành không được cắt xén các giờ thực hành biến thành bộ môn ôn tập hoặc chữa bài tập.

Giáo viên cần nắm vững, phân loại thí nghiệm và lưu ý phương pháp sử dụng đồ dùng dạy học đối với từng loại.

Thí nghiệm phải liên hệ hữu cơ với bài giảng

Nhấn mạnh điều này, cô Hoàng Thị Hoa cho biết, giáo viên cần đề xuất và giải quyết mâu thuẫn đã nảy sinh, hoặc minh họa, nhấn mạnh một vấn đề nào đó trong bài dạy, tránh làm thí nghiệm xuất hiện không đúng lúc, tùy tiện hoặc khái quát kết quả không tự nhiên.

Thí nghiệm biểu diễn phải thành công ngay, do thời gian quy định, đặc biệt là để học sinh tin tưởng vào kết quả thí nghiệm, tăng thêm uy tín của giáo viên, để đảm bảo yêu cầu nay giáo viên phải chuẩn bị thí nghiệm một cách chu đáo, phải làm thử nhiều lần trước khi lên lớp.

Thí nghiệm biểu diễn phải bố trí sao cho học sinh dễ quan sát, đủ sức thuyết phục học sinh, các hiện tượng thí nghiệm với số liệu thu được phải chính xác và việc khái quát để đi đến kết luận phải tự nhiên, không gượng ép, miễn cưỡng hoặc biến thành một trò “ảo thuật” đối với học sinh.

Thí nghiệm do học sinh tự làm là loại thí nghiệm được tiến hành thường xuyên trên lớp đối với bộ môn Vật lý.

Thí nghiệm học sinh liên hệ chặc chẽ với bài học, nghiên cứu hoặc kiểm chứng một hiện tượng vật lý nào đó trong bài học. Hoạt động học tập của học sinh được tiến hành theo nhóm và cùng một nhịp độ, liên tục có qui tắc tuân theo một chương trình thống nhất của cả lớp, với một thời gian qui định.

Giáo viên kiểm tra trực tiếp được quá trình làm việc của các nhóm học sinh trên lớp trong một tiết dạy. Học sinh thể hiện rõ nét tính tập thể hổ trợ, cộng tác, hợp tác nhau trong quá trình làm thí nghiệm nhóm.

Với loại thí nghiệm do học sinh làm, theo cô Hoa, giáo viên phải triệt để khai thác hoạt động nhóm và thường xuyên tạo cho học sinh có thói quen tự tìm tòi các phương án làm thí nghiệm đông thời tự tạo ra các dụng cụ thí nghiệm bằng các vật dụng trong đời sống hàng ngày.

Ví dụ: Khi dạy bài “Sự nở vì nhiệt của chất khí”, giáo viên nên cho học sinh dựa vào các kiến thức đã học về sự nở vì nhiệt của chất lỏng và chất rắn để yêu cầu học sinh chuẩn bị ở nhà các dụng cụ để nghiên cứu tìm hiểu về sự nở vì nhiệt của chất khí.

Học sinh đã tìm các dụng cụ thay thế như: Dùng vỏ cái chai nhựa đậy kín để đựng không khí khi nhúng vào nước ấm. hoặc dùng bóng để tìm hiểu về sự nở vì nhiệt của chất khí. Học sinh sẽ thấy hứng thú hơn và gần gũi hơn với môn học, đồng thời các em sẽ thấy tin tưởng hơn, dễ nhớ hơn các kết luận rút ra.

Với thí nghiệm thực hành, để tiến hành có hiệu quả thí nghiệm thực hành, giáo viên nên cho học sinh ôn tập trước phần lý thuyết có liên quan đến nội dung bài thí nghiệm, hướng dẫn trước những yêu cầu cần thiết ở bài thực hành.

Giáo viên phải thường xuyên sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, nội dung sinh hoạt phong phú, tập trung thảo luận phương pháp giảng dạy bộ môn việc tiến hành các thí nghiệm trên lớp.

Giáo viên cần cải tiến cách kiểm tra đánh giá kiến thức của học sinh, nội dung kiểm tra cần có bài tập thực nghiệm không yêu cầu học sinh tiến hành thí nghiệm mà học sinh chỉ ra được các dụng cụ cần dùng, phương án tiến hành đưa ra được những đại lượng xác định thông qua thực nghiệm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/giup-giao-vien-vat-ly-su-dung-hieu-qua-thiet-bi-day-hoc-1635654-v.html