Giao trẻ cho CA: Mất cơm nghi đứa đói!

Chì vì định kiến với hoàn cảnh của học sinh mà người làm thầy đã nóng vội phán xét một cách thiếu suy nghĩ.

Lời xin lỗi của cô giáo khó chuộc lại lòng tự trọng đã bị mất của em Thẩm

Tuần qua, dư luận tỏ ra bất bình trước vụ việc nhà trường giao học sinh lớp 2 cho công an hỏi cung, chỉ vì nghi em lấy cắp tiền của giáo viên. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên những người thầy hành xử như vậy đối với chính học sinh do mình dạy dỗ.

Ngày 25/12, sau giờ chào cờ, cô giáo Trường tiểu học Trung Lập Thượng, Củ Chi, TP.HCM, phát hiện mất một triệu đồng trong túi, liền nghi em Lại Thị Thẩm, học sinh lớp 2, lấy cắp tiền. Nhà trường đã mời công an xã đến trường hỏi cung và sau đó đưa em học sinh này về trụ sở. Đến chiều em Thẩm mới được thả sau khi cô giáo phát hiện tiền vẫn còn trong túi của mình.

Lỗi tại nhà nghèo?!

Bạn đọc có địa chỉ thư: ziku…@gmail.com bức xúc: “ Không biết nói gì hơn về hành động của cô giáo và nhà trường. Vì một triệu đồng mà phải bàn giao cho công an. Tôi không giàu nhưng nếu có mất một triệu như cô giáo thì cũng không bao giờ nghĩ đến bàn giao em hoc sinh lớp 2 cho công an, hay do gia đình người ta nghéo quá thì đổ cho người ta. Nên xem xét lại bản thân, không phải nghèo là có tội!”

Dẫn lại định kiến trong dân gian: “Mất cơm nghi đứa đói”, bạn đọc nguyenloan…@gmail.com nhận định: “Càng nực cười trước ứng xử nóng vội khi mất một triệu đồng của những người thầy bao nhiêu lại càng xót xa cho em nhỏ! Chỉ vì nghèo mà mang tội ăn cắp, cái cốt lõi ở đây không phải chúng ta lên án bản thân cô giáo mà phải lên án cả hệ thống lãnh đạo quyết định đưa việc nghi ngờ em nhỏ lấy cắp một triệu ra cơ quan pháp luật. Nhưng nếu những người cầm cân nảy mực thật sự hiểu biết thì cũng không xử lý một sự việc đáng buồn như thế này, thử hỏi các bậc phụ huynh có yên tâm khi gửi gắm con em mình tới trường để đào tạo thành người tốt và hy vọng mọi thứ tốt nhất không?”

Sau khi sự việc xảy ra, học sinh trường Trung Lập Thượng đã quên góp tiền ủng hộ em Thẩm

Bạn đọc hoangphuong…@gmail.com góp ý: “Trong trường hợp như vậy, thay vì làm ầm lên, tại sao cô không bình tĩnh, thử ngồi suy nghĩ kỹ lại, nếu cần có thể hỏi khéo léo học sinh như là "Hôm nay các em có thấy một số tiền cô đánh rơi không ?", rồi giải thích rằng "số tiền đó không lớn, nhưng đó là số tiền cô để dành cho con cô đóng tiền học!". Những lời nói dối ngọt ngào, đôi khi mình được nhận nhiều điều tốt đẹp khác thì sao..”

Tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của người giáo viên, bạn đọc vancuong…@yahoo.com nói: “Mất đi một số tiền mà theo tiền lương giáo viên hiện nay thì cũng là tương đối lớn nên việc cô giáo nóng vội không làm chủ được bản thân thì hỏi lỗi này một phần đâu ra? Âu cũng vì lương giáo viên quá thấp mà thôi…”

Xin lỗi là chưa đủ…

Hai ngày sau sự việc diễn ra, cô giáo Nguyễn Thị Thu (người tưởng bị mất tiền) đã trực tiếp xin lỗi em Thẩm vì đã nghi em lấy cắp tiền.

Xin lỗi là chưa đủ, cần phải xử lý nghiêm túc vụ việc là ý kiến của đa phần độc giả gửi về. Bạn đọc bichnguyen…@yahoo.com.vn nói: “Không phải cứ sai phạm rồi xin lỗi là xong. Ở đây trước hết là sự phân biệt cũng như đã có cách nhìn phản cảm của cô giáo này với học sinh! Sự việc chưa chắc chắn mà đã báo với công an. Một học sinh lớp 2, mà lại được chính giáo viên và nhà trường giáo dục mà không tin tưởng và quan tâm cần thiết. Tôi đặt giả thuyết nếu gia đình em học sinh này yêu cầu luật sư làm đơn thưa kiện thì sao?”

Sự việc tương tự đã xảy ra với học sinh Huỳnh Thị Ngọc Trâm tại Đồng Tháp khiến em bị hoảng loạn tâm thần

Tương tự, một bạn đọc có địa chỉ doanminh…@gmail.com nhận định nếu chỉ nhấp nhận lời xin lỗi thì những vụ việc tương tự trước đây, bây giờ và sau này cũng xử lý như vậy sẽ càng làm ảnh hưởng tới cả một hệ thống giáo dục và niềm tin của các em sau này. Theo đó, bạn đọc này đề nghị, để “thấu tình đạt lý”, cần phải giải quyết như sau: Thứ nhất về tình, nhà trường và những đơn vị, cá nhân liên quan phải xin lỗi, bồi thường danh dự cho em Thẩm và gia đình em bằng mọi hình thức. Thứ hai, về lý: Cô giáo và những cá nhân liên quan nghỉ việc; kiểm điểm, kỷ luật hoặc bằng những hình thức khác tương tự những người lãnh đạo đã để xảy ra sự việc như vậy.

Th.S tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ĐH Sư phạm TP.HCM nhận định chưa cần nói chuyện đúng sai về mặt pháp luật, chỉ nói riêng về góc độ giáo dục, cả cô giáo lẫn ban giám hiệu nhà trường đã quá nóng vội khi dựa vào thành kiến để phán xét học sinh một cách thiếu suy nghĩ.

“Đáng nói ở đây, giáo dục là chức năng của nhà trường song ban giám hiệu lại chối bỏ chức năng của mình để giao cho cơ quan công an. Nhân cách của một đứa trẻ không phải là một cái áo, bẩn có thể giặt sach. Một khi đã bị vấy bẩn sẽ để lại dấu ấn cả đời. Đó là chưa kể tới lòng tự trọng của em cũng bị tổn thương khi bị công an giữ lại hỏi cung gần nửa ngày trời. Tất cả sẽ khiến em mất niềm tin vào cuộc sống và thiếu tự tin với bạn bè” Th.s Hiếu nói và khẳng định: “Giải quyết vấn đề không thể chỉ là lời xin lỗi bởi lời xin lỗi không thể chuộc lại lòng tự trọng đã mất của học sinh. Với một đứa trẻ, khi mới chỉ bị nghi ngờ mắc lỗi đã bị hành xử như vậy thì không lý do gì người lớn khi gây ra lỗi lại không phải chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào”.

Chỉ vì bị nghi lấy cắp tiền quỹ lớp, trong tháng 10/2012 đã xảy ra 2 trường hợp nữ sinh tự tử đau lòng: Trường hợp đầu tiên là nữ sinh tên T. học sinh lớp 9/6 trường THCS Trung Lập, xã Trung Lập Thượng huyện Củ Chi, TP.HCM đã uống thuốc diệt cỏ để tự tử. Sau đó vài ngày thì Nguyễn Thị L, lớp trưởng lớp 10A10, trường THPT Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) cũng chọn cách uống thuốc diệt cỏ tương tự để chứng minh cho sự trong sạch của mình vì lỡ làm mất 500.000 đồng.

Trước đó, năm 2007, nghi ngờ học sinh Huỳnh Thị Ngọc Trâm và Hồng Anh Thư (lớp 5) lấy trộm 47.800 đồng, hiệu trưởng trường tiểu học An Hiệp 2, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã chở 2 cháu đến giao cho công an xã lấy lời khai. Nửa tháng sau vụ việc, bé Trâm đã rơi vào hoảng loạn và không chịu đi học.

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/tin-nhanh/giao-tre-cho-ca-mat-com-nghi-dua-doi-c4a52805.html