Giao thông những ngày Tết: Bớt căng thằng, taxi 'đắt hàng'

Tình hình giao thông trên địa bàn Thủ đô những ngày cuối cùng của năm 2015 và đầu năm 2016 đã bớt căng thẳng. Nguyên nhân cơ bản là do đợt nghỉ Tết năm nay kéo dài nên một lượng lớn học sinh, sinh viên, người lao động đã rời Hà Nội từ đợt trước ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo).

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định là các cơ quan chức năng của TP đã kịp thời có những giải pháp đồng bộ, quyệt liệt như tăng cường lực lượng tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông tại tất cả các điểm nóng; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm nhằm kịp đưa vào khai thác phục vụ người dân đi lại được thuận tiện.

Riêng vào đêm giao thừa ngày 7-2 (29 Tết) hàng vạn người dân đã đổ về các điểm bắn pháo hoa đón năm mới trên địa bàn Thủ đô đã gây ra ra tình trạng kẹt cứng tại một số điểm bắn pháo hoa. Tuy nhiên do Công an Hà Nội đã có phương án phân làn, phân luồng, điều tiết giao thông cụ thể và bố trí, huy động lực lượng đảm bảo trật tự ATGT và trật tự công cộng nên tình hình giao thông tại các khu vực này nhanh chóng ổn định trở lại. Từ sáng ngày 8-2 (mùng 1 tết), tại hầu hết các tuyến phố mật độ phương tiện tham gia thấp, giao thông thông suốt, đường phố vắng lặng, yên bình...

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết, trong cả đợt nghỉ Tết vừa qua, lãnh đạo Sở đã giao Thanh tra Sở, phối hợp với Công an thành phố tổ chức chốt trực, hướng dẫn phân luồng giao tại 91 điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn; tăng cường công tác tuần tra, tuần đường, duy tu, duy trì, xử lý các hư hỏng nền, mặt đường, vá ổ gà; tăng cường công tác gác trực tại 20 vị trí đường ngang giao cắt với đường sắt, 28 hầm dành cho người đi bộ và 26 cầu vượt dành cho người đi bộ trên địa bàn TP…

Đặc biệt, ngay trong những ngày cuối cùng trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, một số công trình trọng điểm như cầu Ngọc Hồi, đường Lê Trọng Tấn, Ô Đông Mác-đê Nguyễn Khoái... đã được tập trung thi công để có thể tạm đưa vào khai thác, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Đối với hoạt động vận tai hành khách liên tỉnh và xe buýt, các cơ quan, doanh nghiệp vận tải đã bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu của UBND TP và Sở GT-VT Hà Nội. Thống kê cho thấy, đã có 16/60 doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định thực hiện giảm giá cước vận tải với mức giảm từ 3,7-9,7% và 35/80 doanh nghiệp taxi thực hiện kê khai giảm giá cước, kê khai lại giá cước với mức giảm từ 500 đến 1.000 đồng/km).

Riêng với hoạt động taxi, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới và qua phản ánh của người dân, trong những ngày Tết vừa qua, taxi luôn trong tình trạng “cháy” xe. Nhiều người cho biết đã phải gọi tới hàng chục hãng nhưng luôn được thông báo không thể phục vụ vì thiếu xe. Để có xe, hành khách chỉ còn cách bắt xe dọc đường. Tuy nhiên nếu quãng đường đi quá ngắn, lái xe taxi sẽ từ chối phục vụ hoặc đề nghị “lì xì” thêm.

Ngay cả loại hình taxi Uber dù luôn tự tin là sẵn sàng phục vụ hành khách mọi lúc, mọi nơi thì thời điểm Tết, phần mềm Uber cũng luôn thông báo tình trạng “đang tìm xe cho bạn”. Có những thời điểm, ngay cả khi hành khách chấp nhận thanh toán cước phí gấp 1,5 lần cho đến 2,1 lần nhằm tăng cơ hội có xe thì cũng không có xe.

64 người chết vì tai nạn giao thông trong 3 ngày nghỉ Tết Bính Thân

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 3 ngày 7, 8, 9/2/2016 (29, mùng 1, mùng 2 Tết Bính Thân 2016), cả nước xảy ra 104 vụ tai nạn giao thông, làm chết 64 người, bị thương 98 người.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/giao-thong/824580/giao-thong-nhung-ngay-tet-bot-cang-thang-taxi-dat-hang