Giám sát để hạn chế thất thoát, lãng phí

Thời gian qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCCĐ). Hiệu quả từ hoạt động này đã góp phần tích cực trong thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, nâng cao hiệu quả công trình, hạn chế thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng tại các địa phương.

Tạo điều kiện đầu tư nguồn lực cho các xã về đích nông thôn mới đúng kế hoạch.

Các Ban GSĐTCCĐ đã giám sát làm mới hơn 400 km đường giao thông, 117 công trình thủy lợi, 139 công trình văn hóa, 69 công trình thể thao, 135 điểm thu gom rác, 80 nghĩa trang theo quy hoạch. Hoạt động giám sát của cộng đồng đã góp phần nâng cao hiệu quả công trình, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng tại các địa phương.

Theo Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh Bắc Giang trên địa bàn tỉnh hiện có 230 Ban GSĐTCCĐ với hơn 1.900 thành viên. Các thành viên là những người trung thực, công tâm, có uy tín, có hiểu biết về chính sách pháp luật.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Ban GSĐTCCĐ, MTTQ tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lãnh đạo phụ trách và các thành viên Ban GSĐTCCĐ.

Qua việc tổ chức các lớp tập huấn đã trang bị thêm kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và thành viên Ban GSĐTCCĐ, từ đó giám sát có hiệu quả hơn đối với các dự án đầu tư để các dự án thực hiện theo đúng tiến độ, tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng công trình; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động đầu tư không đúng quy hoạch, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình và lợi ích cộng đồng.

Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bắc Giang Ngô Sách Thực cho biết, một trong những thuận lợi để hoạt động của các Ban GSĐTCCĐ đạt kết quả đó là việc các sở, ngành, UBND các cấp đã thực hiện công khai thông tin về quy hoạch, Ban GSĐTCCĐ và nhân dân được tiếp cận những thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giám sát các dự án đầu tư trên địa bàn. Hình thức công khai được đa dạng hóa như thông qua các hội nghị, dựng biển pa nô, niêm yết các bản vẽ quy hoạch chi tiết tại các nhà văn hóa thôn, trụ sở UBND xã, thị trấn.

Kết quả thống kê từ năm 2012 đến năm 2015, các Ban GSĐTCCĐ trên địa bàn đã giám sát được hơn 7.500 cuộc, phát hiện 507 vụ việc sai phạm, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý 436 vụ việc, thu hồi về cho nhà nước và nhân dân hơn 400 triệu đồng và hơn 3.500 m 2 đất. Việc giám sát, phát hiện, kiến nghị, xử lý sai phạm đã kịp thời ngăn chặn và xử lý các việc làm sai quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của nhà nước, xâm hại lợi ích của cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Đặc biệt, ngay từ khi tỉnh triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, MTTQ tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo MTTQ các cấp quan tâm thành lập, kiện toàn, củng cố nâng cao chất lượng của Ban GSĐTCCĐ, nhất là đối với 40 xã xây dựng nông thôn mới.

Kết quả đã tiến hành 846 cuộc giám sát, nội dung chủ yếu tập trung vào việc theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định về lập kế hoạch, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, việc tiếp nhận và sử dụng các nguồn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, vấn đề dồn điền đổi thửa, xây dựng cơ sở hạ tầng. Các Ban GSĐTCCĐ đã giám sát làm mới hơn 400 km đường giao thông, 117 công trình thủy lợi, 139 công trình văn hóa, 69 công trình thể thao, 135 điểm thu gom rác, 80 nghĩa trang theo quy hoạch. Hoạt động giám sát của cộng đồng đã góp phần nâng cao hiệu quả công trình, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng tại các địa phương.

Ông Ngô Sách Thực cũng cho biết, từ kết quả giám sát Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang kiến nghị Trung ương, nên thống nhất đưa vào Chương trình mục tiêu Quốc gia NTM các chương trình hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn phân bổ cho địa phương hằng năm.

Cùng với đó kiến nghị UBND tỉnh Bắc Giang cần chỉ đạo khắc phục các hạn chế, dành thêm nguồn lực đầu tư hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nhân rộng các cách làm sáng tạo, hiệu quả và có cơ chế hỗ trợ đặc thù phù hợp với từng địa phương.

“Đề nghị các huyện, thành phố cần chỉ đạo UBND các xã rà soát điều chỉnh quy hoạch, xây dựng quy chế để quản lý quy hoạch, phân bổ các nguồn lực đầu tư kịp thời, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất và phát triển ngành nghề nông thôn có hiệu quả, tạo điều kiện đầu tư nguồn lực cho các xã về đích nông thôn mới đúng kế hoạch”, ông Ngô Sách Thực khẳng định.

Trung Hiếu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-tac-mat-tran/giam-sat-de-han-che-that-thoat-lang-phi/87276