Giải thích kết quả xét nghiệm sinh hóa và viêm gan

PNO - * Chồng tôi có làm một số xét nghiệm về sinh hóa và miễn dịch nhưng vì bận việc nên không khám lại sau khi nhận kết quả. Xin bác sĩ giải thích giúp tôi kết quả xét nghiệm sau:

1. Xét nghiệm sinh hóa: Creatinin: 1.2 Cholesterol: 236 HDL cholesterol: 45 LDL cholesterol: 152 Triglyceride: 196 GOT/ASAT: 24, GPT/ALAT: 16, GGT: 42. 2. Xét nghiệm miễn dịch HBsAg: o.oo, HBsAb: 850, HBeAg: 0.3. Mong bác sĩ cho biết tình trạng sức khỏe của chồng tôi có vấn đề gì đáng lo không? Xin nói thêm tôi bị viêm gan siêu vi B đã 7 năm nay nhưng ở tình trạng không hoạt động (GOT/ ASAT: 16, GPT/ALAT: 23 , GGT: 15). Tôi nhiều lần giục chồng đi chích ngừa HBsAg nhưng anh ấy cứ lần lữa mãi vì cho rằng nếu bị lây thì đã lây từ lâu rồi. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên. (Một bạn đọc) - Trả lời Với xét nghiệm như trên thì chồng chị không bị viêm gan siêu vi B và cũng không cần chích ngừa viêm gan B vì đã có kháng thể đủ mạnh để chống lại virus viêm gan B (HBsAb = 850, bình thường chỉ cần >100 là đủ) do có thể là đã được chích ngừa trước kia hoặc bị nhiễm từ chị và đã tạo ra kháng thể. Qua xét nghiệm máu sinh hóa thì chồng chị bị mỡ trong máu tương đối cao. Nếu chồng chị năm nay dưới 40, không hút thuốc và không có bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường… chỉ cần tập thể dục hàng ngày như đi bộ, chơi thể thao kết hợp ăn kiêng giảm mỡ, dầu thì sau vài tháng, mỡ trong máu sẽ trở lại bình thường và không cần điều trị. * Chào bác sĩ, cách đây một tuần tôi có làm xét nghiệm tại Bệnh viện Pasteur, và được chẩn đoán là nhiễm virus viêm gan B theo số liệu: Sinh hóa: SGOT 33.8, SGPT 33.5, GGT 21.7 Billirubin toàn phần 4.5.95 Bilirubin liên hợp 8.67 HBeAg (+) 195.2 Xin bác sĩ cho biết tình hình bệnh của tôi như thế nào và cho tôi lời khuyên để mau hồi phục.(hoangtu) - Trả lời: Xét nghiệm của bạn có HBeAg (+), đây là dấu hiệu nói lên rằng hiện tại, virus đang sinh sản bằng cách nhân đôi trong tế bào gan của bạn. Để khẳng định điều này, bạn cần làm thêm một xét nghiệm nữa là xác định HBV-DNA trong máu. Nếu HBV-DNA âm tính (-) thì chỉ theo dõi sau 3-6 tháng, trường hợp ngược lại khi HBV-DNA dương tính (+) (> 20.000 IU/mL hoặc 100.000 copies/mL) thì bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa về gan để được điều trị. Hiện tại, có thể nói là bạn đã bị nhiễm viêm gan siêu vi B. Nên khuyên những người trong gia đình đi kiểm tra viêm gan B, đặc biệt là chồng/vợ của bạn. BS Lê Thanh Toàn (Trung tâm Đào tạo Bác sĩ Gia đình - ĐH Y Dược TP.HCM)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/suckhoe-dinhduong/2009/Pages/Giai-thich-ket-qua-xet-nghiem-sinh-hoa-va-viem-gan.aspx