Gần 20 năm “chở” chủ trương, chính sách của Đảng về với nhân dân

Bằng giọng đọc đầm ấm, truyền cảm, gần 20 năm qua, ông Nguyễn Đức Hồng, cán bộ truyền thanh xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, Phú Thọ vẫn âm thầm chuyền tải các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân nơi đây.

Trong gian phòng nhỏ, ông Nguyễn Đức Hồng đang thực hiện công việc truyền thanh hàng ngày

Là một cán bộ truyền thanh xã, công việc hàng ngày của ông Nguyễn Đức Hồng là tiếp, phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng thời trực tiếp biên tập và đọc phát thanh bản tin của xã mỗi tuần một chương trình với nhiều nội dung phong phú, hữu ích.

Với giọng đọc chuẩn và trầm, ấm, ngoài những nội dung thông tin về chính trị, kinh tế của địa phương, ông Hồng đã truyền tải nhiều thông tin về thời vụ, cách phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi và giống, phân bón, chăm sóc sức khỏe… đến toàn thể bà con trong xã. Chính vì vậy, trước nhiều kênh thông tin như hiện nay, Đài Truyền thanh của xã vẫn thường xuyên được bà con nhân dân chăm chú lắng nghe.

Sinh năm 1957 tại huyện Ba Vì (tỉnh Hà Tây cũ), từ nhỏ ông Hồng cùng cha mẹ đi xây dựng kinh tế mới ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn. 20 tuổi, ông Hồng tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự đóng quân ở Lào Cai, đến năm 1981, ông ra quân và về quê hương Văn Luông làm việc tại Hợp tác xã Nông nghiệp ở địa phương.

Sau khi Hợp tác xã Nông nghiệp giải thể, ông làm trồng trọt, chăn nuôi và sửa chữa đồ điện dân dụng tại nhà. Năm 2000, xã Văn Luông bắt đầu có Đài Truyền thanh, vì nhà ông Hồng ở cạnh UBND xã, bản thân ông còn có nghề sửa chữa đồ điện dân dụng, tiện cho quá trình hoạt động của Đài nên chính quyền xã đã mời ông Hồng tham gia vận hành máy phát. Ông vui vẻ nhận lời làm cán bộ Đài Truyền thanh xã Văn Luông với mức thu nhập 150.000 đồng/tháng.

Số tiền công ít ỏi chẳng đủ để hoạt động vì Đài Truyền thanh xã thường xuyên hỏng hóc do thiên tai, bão lũ. Hơn thế, địa bàn xã Văn Luông vừa dài, vừa rộng lại cách trở bởi nhiều sông suối. Gắn bó được 3 năm ông xin nghỉ bởi phụ trách Đài, ông không còn thời gian để làm việc, thu nhập lại chẳng đủ để trang trải cuộc sống khi mà hai đứa con còn phải ăn học. Từ năm 2002 - 2004, xã Văn Luông đã nhiều lần phải tìm người phụ trách Đài và phân công cả cán bộ xã kiêm nhiệm, nhưng “việc nhà đài” toàn những việc không tên nên đã nhiều người nhận làm rồi cũng nhiều người xin thôi.

Trước thực tế trên, các lãnh đạo xã Văn Luông đã bàn bạc và lại mời ông Hồng ra vận hành Đài Truyền thanh với mức phụ cấp bằng mức lương tối thiểu. Sau nhiều trăn trở, ông Hồng đã nhận lời và gắn bó đến nay.

Từ đó, Đài Truyền thanh xã Văn Luông đã hoạt động thường xuyên, liên tục và phát huy hiệu quả. Với hệ thống 3 máy phát FM, gồm 2 máy 450W và 1 máy 1000W, bao gồm 46 loa, 27.200m đường dây, phủ sóng được 16/17 khu dân cư. Hằng ngày, Đài Truyền thanh xã tiếp sóng chương trình Thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam từ 5 giờ 30 đến 6 giờ 30, buổi chiều từ 17 giờ 30 đến 18 giờ 30.

Một người dân xóm Lũng, xã Văn Luông cho biết: “Khu chúng tôi có 6 cụm loa, ngày nào người dân cũng nghe đài xã để nắm bắt các thông tin về thời tiết, cách phát hiện và phun thuốc trừ sâu đúng cách, đặc biệt là cách phòng chống bệnh cho người, cho vật nuôi mỗi khi chuyển mùa. Vừa rồi, Đại hội Đảng bộ xã diễn ra, ngồi ở nhà nghe qua đài phát thanh của xã mà nắm bắt được thông tin như chính chúng tôi đang ngồi dự vậy”.

Có thể khẳng định, xã Văn Luông là một trong những địa phương khai thác và sử dụng hệ thống truyền thanh tốt nhất trên địa bàn huyện Tân Sơn từ nhiều năm nay. Để duy trì và phát huy được hiệu quả thường xuyên, liên tục như vậy là do chính quyền địa phương luôn quan tâm, đầu tư tu sửa kịp thời những hỏng hóc, sự cố do thiên tai gây ra. Mỗi năm xã đã phải cấp 10 triệu đồng tiền kinh phí hoạt động Đài theo đúng Nghị quyết HĐND tỉnh.

Ngoài ra, xã còn huy động nhân dân đóng góp 15.000 đồng/hộ để hỗ trợ cho việc duy tu, bảo dưỡng, thay thế kịp thời khi có sự cố do thiên tai, bão lũ và chi trả phụ cấp cho người trực tiếp vận hành hoạt động Đài. Nhờ hiệu quả của công tác truyền thanh mang lại nên những năm qua các hộ dân trong xã đều đồng tình đóng góp.

Bà Đỗ Thị Liên, nguyên Chủ tịch UBND xã Văn Luông 2 nhiệm kỳ vừa qua, hiện là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã khẳng định: “Chúng tôi luôn quan tâm đến những nội dung phát sóng của Đài Truyền thanh xã, nhất là chương trình do Đài xã tự biên tập. Phải khẳng định rằng công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở địa phương thông suốt phần nhiều nhờ vào hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống loa truyền thanh, trong đó có phần đóng góp không nhỏ và tâm huyết của ông Nguyễn Đức Hồng”.

Đó cũng chính là niềm vui, là động lực để ông Hồng gắn bó với “sự nghiệp truyền thanh” là “người “chở” chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân” địa phương.

Điều dễ nhận thấy là, song hành cùng phát triển kinh tế, Văn Luông còn đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng các thiết chế và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ngay từ cơ sở. Hiện nay, 100% khu dân cư ở Văn Luông đã có nhà văn hóa, khoảng 88% số khu dân cư và số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, điển hình như khu Luông - một khu dân cư có phong trào xây dựng đời sống văn hóa khá phát triển.

“Nói thật tôi làm mãi thành ra đam mê, mà phải thừa đam mê mới làm được vì việc này bận lắm. Vợ con nhiều khi cũng ái ngại vì tuổi cao, đi nhiều, nối dây trèo cột toàn làm một mình và rủi ro luôn kề cận. Nhưng cái hay là ngày nào mở Đài Truyền thanh tôi cũng được nghe thông tin từ sáng sớm, sau đó lại đọc báo để sàng lọc thông tin biên tập làm bản tin của xã. Hiện nay, nhiều kênh thông tin thuận tiện nhưng nghe đài vẫn tiện ích lắm vì các cháu nhỏ cũng có thể nghe đài, các cụ già không còn đọc báo xem ti vi cũng nghe đài, người nông dân trên đồi chè hay đang gặt lúa cũng vẫn nghe được đài… nên tôi thấy rất phấn khởi”, ông Hồng tâm sự thêm.

Mộc mạc, chân thành song cũng đầy trăn trở vì hiện nay mỗi tháng ông Hồng chỉ được hưởng phụ cấp bằng mức lương tối thiểu. Số tiền này chỉ đủ tiền xăng đi lại phục vụ cho việc duy tu, sửa chữa hệ thống truyền thanh. Song với niềm đam mê, ông vẫn cần mẫn với công việc mà mình đã lựa chọn.

Nam Dũng

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/gan-20-nam-cho-chu-truong-chinh-sach-cua-dang-ve-voi-nhan-dan_t114c1159n99510