Ga Hàng Cỏ - Nghe tiếng còi mà động lòng hồ hởi

KTĐT - Nhà văn Băng Sơn từng viết, tiếng còi tàu từ sân ga Hàng Cỏ sẽ còn ngân vang mãi trong lòng người Hà Nội. Bao nhiêu phố phường quanh cái vòng tròn mà nhà ga là trung tâm ấy, đêm đêm vẫn nghe tiếng còi âm vang. Ai trong những con người Hà Nội đó nghe tiếng còi mà động lòng hồ hởi, muốn khoác tay nải lên đường cho thỏa chí phiêu lưu.

Hơn 100 năm, ga Hàng Cỏ - Ga Hà Nội trở thành một nhân chứng lịch sử của thủ đô Hà Nội và luôn hiện hữu trong tâm thức nhiều người như một ký ức không thể nào quên. Người Hà Nội bây giờ không thể hình dung ra cái chợ Hàng Cỏ bên bãi đua ngựa năm xưa như thế nào. Theo sử sách, cuối thế kỷ thứ 19, vào khoảng năm 1895, người Pháp đã chọn khu chợ này để xây dựng nhà ga, xúc tiến mạnh mẽ kế hoạch của Toàn quyền Đông Dương lúc bây giờ, Pôn Đu Me. Ga Hàng Cỏ là trung tâm, từ đây tỏa đi các tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa và vũ khí phục vụ cho việc thống trị Đông Dương. Vào năm 1902, lần đầu tiên, người Hà Nội được nhìn thấy một nhà ga xây cao theo kiểu phương Tây, không có những anh lính lệ đội nón dấu của triều đình mà là những công nhân hỏa xa với chiếc mũ lưỡi trai thổi còi, đưa đón sức mạnh mới của đầu máy máy hơi nước. Ga Hàng Cỏ đã chứng kiến biết bao sự kiện trọng đại của Hà Nội những năm đầu của thế kỷ 20. Đó là những cuộc vây ráp, bắt bớ của thực dân Pháp nhằm tiêu diệt đường dây hoạt động bí mật của các chiến sỹ cách mạng tại nhà ga; là nơi biết bao người vợ lặng lẽ giấu nước mắt vào trong khi tiễn đưa chồng con “Nam tiến”. Đây cũng là nơi đón Bác Hồ trở về Thủ đô sau khi dự hội nghị Phontenloblo năm 1946. Chuyến tàu từ Hải Phòng về ga Hà Nội an toàn, đúng giờ đã khiến Người rất vui và có thư khen ngợi, dặn dò “Công việc hỏa xa là một công việc quan trọng trong sự kiến thiết nước nhà. Tôi mong anh em hỏa xa lúc nào cũng đoàn kết, cố gắng để làm tròn nhiệm vụ”. Với người Hà Nội thì có lẽ gương mặt ga Hàng Cỏ rực rỡ cờ, hoa ngày Thủ đô được Giải phóng 10/10/1954 sẽ là hình ảnh không bao giờ quên được. Bởi cũng từ ngày ấy, ga Hàng Cỏ chính thức được bàn giao cho người Hà Nội quản lý. Ông Vũ Công Xước, ngày đó 39 tuổi, được giao nhiệm vụ giữ trọng trách trưởng ga Hàng Cỏ đầu tiên kể lại: “Ga Hàng Cỏ năm ấy là một cái xác nhà trống rống. Người Pháp tháo chạy để lại những toa tàu què cụt long cửa, hỏng đáy, sân ga cỏ lút đầu người...” Những cán bộ đầu tiên như cụ Xước vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, bình ổn tâm lý hành khách, vừa phải cải tạo, hàn gắn lại đường tàu, toa tàu bị hỏng… Người Trưởng ga Hàng Cỏ năm xưa giờ đã 96 tuổi, không thể kể chuyện một cách rõ ràng, mạch lạc, nhưng sự xúc động thì vẫn vẹn nguyên trong giọng nói và ánh mắt. Ga Hàng Cỏ “những năm bom Mỹ trút trên mái nhà” là trọng tâm đánh phá của giặc Mỹ, bởi nơi đây là điểm xuất phát của biết bao chàng trai cô gái Hà Nội “xếp bút nghiên lên đường”. Họ chắc chắn không thể nào quên được sân ga ngày ấy với bao háo hức, bao rộn ràng dù vẫn biết đó là hình ảnh cuối cùng về Hà Nội... “12h đêm…Đêm âm u quá, cánh đồng vắng lặng, chỉ nghe tiếng gió, tiếng con tàu thở phì phì. Kia rồi là Hà Nội, là phố Nguyễn Du lấp lánh sau bức tường của ga Hàng Cỏ. Thôi, chào Hà Nội, 3 hoặc 4 tháng sau ta lại về, ta lại hành hương trên các đường phố vắng gắn bó cuộc đời ta” (Nguyễn Văn Thạc – Mãi mãi tuổi hai mươi”. Còn với những người bẻ ghi, lái tàu từ nhà ga này thì những trận bom của kẻ thù, với họ chỉ là “dấu gạch nối” cho những chuyến tàu hàng, tàu khách “chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam”. Dẫu bom Mỹ có chặt đứt nhiều đoạn đường ray, nhiều cầu đường sắt hay đánh sập khu nhà giữa ga Hàng Cỏ vào tháng 12 năm 1972, tinh thần “địch phá ta sửa ta đi, địch lại phá ta lại sửa ta đi” đã giúp họ vượt lên để thông đường, đảm bảo mạch máu giao thông, tất cả cho ngày toàn thắng. Nhà văn Băng Sơn từng viết, tiếng còi tàu từ sân ga Hàng Cỏ sẽ còn ngân vang mãi trong lòng người Hà Nội. Bao nhiêu phố phường quanh cái vòng tròn mà nhà ga là trung tâm ấy, đêm đêm vẫn nghe tiếng còi âm vang. Ai trong những con người Hà Nội đó nghe tiếng còi mà động lòng hồ hởi, muốn khoác tay nải lên đường cho thỏa chí phiêu lưu. Theo Chinhphu.vn

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=30&newsid=232761