Đồng loạt tăng giá túi ni lông

– Suốt trong những ngày đầu tháng 1/2012, hầu như các hộ kinh doanh túi ni lông ở các chợ đầu mối đã không bán hàng, chờ lên giá. Thậm chí nhiều xưởng sản xuất đã đóng cửa không giao dịch với khách hàng. Nguyên nhân là do túi ni lông nằm trong diện phải chịu thuế và được áp dụng từ ngày 1/1/2012.

(ĐCSVN)Suốt trong những ngày đầu tháng 1/2012, hầu như các hộ kinh doanh túi ni lông ở các chợ đầu mối đã không bán hàng, chờ lên giá. Thậm chí nhiều xưởng sản xuất đã đóng cửa không giao dịch với khách hàng. Nguyên nhân là do túi ni lông nằm trong diện phải chịu thuế và được áp dụng từ ngày 1/1/2012.

Sự cần thiết phải đưa túi ni lông vào diện chịu thuế

Rác thải phần lớn là túi ni lông, gây ách tắc dòng chảy ở nhiều
đô thị (Ảnh: K.V)

Theo Luật thuế bảo vệ môi trường đã được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 15/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012, trong đó quy định mặt hàng túi ni lông, tên kỹ thuật là túi nhựa xốp, phải chịu thuế bảo vệ môi trường. Thuế được tính vào giá hàng hóa, người tiêu dùng phải trả vào thời điểm mua hàng hóa. Còn nhà sản xuất hoặc nhập khẩu là người nộp thuế thay. Cũng theo luật này, túi ni lông tự hủy không phải chịu thuế. Đây chính là nguyên nhân khiến giá của mặt hàng này tăng cao.

Theo các nhà khoa học, túi ni lông gây ra một số tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường, đó là, nếu đựng đồ nóng bắt đầu từ 70 đến 80 0 C thì những chất phụ trong ni lông sẽ có phản ứng phụ, không lường hết được độc hại. Những túi ni lông nhuộm màu xanh đỏ nếu đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây độc cho thực phẩm do chứa các kim loại là những chất gây tác hại cho bộ não và là nguyên nhân chính gây ung thư. Ngoài ra, túi ni lông còn chứa hai chất là PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành khí cacbonnic, mê tan và khí dioxin cực độc.

Được biết, trong biểu thuế bảo vệ môi trường, mặt hàng túi ni lông mới đầu được dự kiến thu thuế bằng 130% giá bán hiện hành, tính giá hiện hành bán 30.000 đồng/kg.

Hiện nay, mặt hàng túi ni lông được xác định là hàng hóa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện, tại các siêu thị, chợ, hầu hết người bán hàng phát miễn phí các loại túi ni lông cho người mua hàng, do giá của túi ni lông quá rẻ. Vì vậy, để thay đổi hành vi của người sử dụng, việc tăng giá túi ni lông được coi là một trong những biện pháp góp phần giảm ô nhiễm môi trường từ những hành vi xả thải túi ni lông đã qua sử dụng. Từ đó giảm dần việc sử dụng, góp phần thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông của người tiêu dùng, dần dần chuyển sang sử dụng sản phẩm thay thế mà không ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình.

Găm hàng, chờ tăng giá

Thói quen dùng túi ni lông khi đi mua hàng vẫn là phổ biến
(Ảnh: K.V)

Nhiều ngày nay, những người bán hàng ở các chợ khi vực phía Nam, nhất là các chợ lớn, chợ trung tâm sống trong cảnh “sốt” túi ni lông, do không để ý đến những thông tin được đăng tải trước đó trên phương tiện truyền thông, nhiều người không hiểu làm sao túi ni lông lại hiếm và giá cao tới mức như vậy?

Ở các chợ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang…nhiều tiểu thương không còn túi ni lông để đựng đồ cho khách hàng từ mấy ngày nay. Bà Phạm Thị Thi, người dân ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ tâm sự, ngày trước đi chợ mua mỗi mặt hàng người ta cho mình một chiếc túi ni lông, nhưng mấy ngày nay đi chợ, chủ bán hàng rất tiết kiệm túi, chỉ cho một chiếc vừa đủ để xách đồ về nhà. Trước kia, họ cho túi không tiếc tay.

Theo anh Phạm Văn Thuần ở thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, cho biết, mới đây, túi ni lông có giá từ 25.000 đồng đến 37.000 đồng/kg tùy mỗi loại, nay tăng lến tới 70.000 đồng đến 80.000 đồng/kg, còn túi ni lông có quai xách đẹp dùng đựng hoa quả hoặc bánh kẹo để làm quà thì nay lên tới 90.000 đồng/kg.

Nhiều sạp bán túi ni lông ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã đóng cửa do không lấy được hàng từ các cơ sở sản xuất để bán. Chị Đỗ Thu Hường, chuyên bỏ mối túi ni lông ở Biên Hòa than thở, từ những ngày cuối tháng, các chủ sản xuất túi ni lông đã bắt đầu găm hàng, không thể mua được, hỏi lý do, họ chỉ trả lời là không có túi, túi chuẩn bị lên giá. Tại chợ Sặt, thành phố Biên Hòa- Đồng Nai, giá túi những ngày này đã tăng gấp đôi so với trước. Một số các cửa hàng bán túi nilông đã đẩy giá tăng từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, tuy nhiên cũng chỉ có vài cửa hàng có hàng để bán, các cửa hàng còn lại đều đã đóng cửa.

Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Văn Hải ở Long Thành- Đồng Nai, chuyên cung cấp suất ăn cho công nhân tại các khu công nghiệp từ nhiều năm nay, gặp Giám đốc Nguyễn Văn Hải, người gốc Hải Dương, anh tâm sự, tôi kinh doanh nghề này đã lâu, những vật dụng mà công ty phải sử dụng hàng ngày là hộp xốp và túi ni lông có khối lượng không nhỏ, vì đựng đồ ăn, nên công ty phải đặt mua những vật dụng từ nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh, nhưng do giá cả túi ni lông tăng chóng mặt như thế này, doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lãi suất, vì hàng ngày công ty của anh cung cấp hàng chục nghìn suất cơm cho các doanh nghiệp ở Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận.v.v… Anh Hải cho biết thêm, làm trong nghề này đã lâu, nhưng chưa bao giờ thấy giá túi ni lông cao như bây giờ. Chính vì vậy, chi phí cho một suất ăn riêng tiền bao bì đựng đã tăng từ một gấp đôi.

Tại các chợ đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh như Tân Định, Bà Chiểu, Bình Tây…, giá các loại bịch ni lông màu các loại đã tăng gần gấp đôi so với mấy ngày trước. Vấn đề là ở chỗ, việc tăng giá túi ni lông diễn ra tự phát, chỉ các chủ hộ sản xuất và hộ bán sản phẩm túi ni lông đồng loạt tăng giá, giá tăng cao, nhưng ở mỗi khu vực giá cả có khác nhau, một số chợ có mức tăng từ 40.000 đồng lên 65.000 đồng/kg, có chợ tăng 70.000 đồng/kg và cao nhất là mức 80.000 đến 90.000 đồng/kg. Tuy giá tăng gấp nhiều lần so với trước đó, nhưng người bán hàng vẫn phải chấp nhận, vì một lý do đơn giản: Khách hàng đã quá quen với việc mua đồ đựng trong túi ni lông.

Anh Nguyễn Văn Hồng, một hộ kinh doanh thủy sản ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho hay, do thói quen của khách hàng dùng túi ni lông đựng đồ đã có từ nhiều năm nay, nên mặc dù có những người chỉ đi mua có vài thứ đồ khô cũng xin mấy chiếc túi ni lông để đựng. Không cho thì không được, vì đó là nhu cầu của khách hàng.

Thiết nghĩ, việc đánh thuế vào túi ni lông là một trong những giải pháp đúng đắn, hạn chế được thói quen dùng nhiều túi ni lông khi đi mua sắm. Tuy nhiên, ý thức bảo vệ môi trường của con người mới là quan trọng, và hơn hết, trước khi ý thức trở thành hành động trong cộng đồng dân cư về hạn chế sử dụng túi ni lông, nên chăng các nhà sản xuất cho ra nhiều những sản phẩm túi ni lông tự hủy, với mức giá cả hợp lý, loại túi này dần dần thay thế cho túi ni lông truyền thống đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là tại các trung tâm đô thị lớn. Từ đó, mới có thể khiến người tiêu dùng có thói quen sử dụng sản phẩm túi thân thiện với môi trường và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=501014&co_id=30361