Đồng Nai: Phần lớn các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai đều vi phạm vệ sinh thực phẩm

Tỉnh Đồng Nai, nơi có dân số khoảng 2,5 triệu người và hàng trăm ngàn lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, chỉ cần đầu tư một dây chuyền sản xuất với số vốn khoảng 100 triệu đồng và vài chục m2 nhà xưởng là có thể mở cơ sở nước uống tinh khiết đóng chai, nên hiện tại có nhiều người tham gia sản xuất mặt hàng này nhưng việc quản lý chất lượng đang bị thả nổi.

Bác sĩ Đinh Gia Hiến, Chánh Thanh tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai cho biết: Từ đầu năm 2010 đến nay, đoàn thanh tra của Chi cục đã kiểm tra trực tiếp 17 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên toàn tỉnh và hầu hết đều vi phạm, trong đó, chủ yếu là vi phạm về chấp hành các quy định về cơ sở hạ tầng, quy trình sản xuất, như: các công đoạn sản xuất không được tách biệt; nhiễm vi sinh; mẫu nước có độ pH cao; chỉ số coliform trong mẫu nước cao hơn nhiều lần so với quy định...Đặc biệt, cơ quan chức năng đã phát hiện trực khuẩn mủ xanh ở 3 - 4 mẫu nước uống đóng chai của một số cơ sở sản xuất tại thành phố Biên Hòa, huyện Xuân Lộc và huyện Cẩm Mỹ...và đã được gửi đi xét nghiệm để có hướng xử lý. Tuy phát hiện nhiều vi phạm, song mức phạt đối với các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai không cao. Chẳng hạn, phạt lỗi vi phạm về cơ sở hạ tầng chỉ từ 300 - 600 ngàn đồng nên chủ cơ sở sẵn sàng nộp phạt rồi sau đó lại tái diễn. Mặt khác, các cơ sở sản xuất mặt hàng này ra đời và đóng cửa liên tục nên việc theo dõi xử lý không dễ. Thanh tra đột xuất là biện pháp tốt, song đội ngũ thanh tra chuyên môn hiện chỉ có 2 người, làm không xuể với hàng trăm cơ sở sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh. Theo quy định, sản xuất và kinh doanh mặt hàng nước uống đóng chai phải tuân theo nhiều điều kiện về chất lượng nguồn nước, cơ sở hạ tầng, quy trình công nghệ... Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy khâu chấp hành về cơ sở hạ tầng hiện rất bất cập do hầu hết các hộ gia đình đều tận dụng phòng trống để sản xuất, không tuân theo quy chuẩn phân chia các công đoạn ra thành từng khu riêng, không cách biệt với nhà vệ sinh...Hiện tại, giá thị trường của một bình nhựa loại 21 lít từ 15 - 25 ngàn đồng/cái. Do đó, đa số các cơ sở sản xuất đều sử dụng lại nhiều lần các bình chứa để giảm chi phí. Song kết quả kiểm tra cho thấy, việc súc rửa và tái sử dụng vỏ bình nước tinh khiết chưa đảm bảo, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trong điều kiện sản phẩm phải vận chuyển đi nhiều cửa hàng ở nhiều nơi. Theo quy định, các loại bình chứa nước uống loại từ 5 lít trở lên được phép tái sử dụng với quy trình ngâm, súc rửa, phơi... khá kỹ lưỡng. Hầu hết các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai hiện tại đều súc rửa bình tái sử dụng theo cách thủ công với nước lạnh thông thường, rất hiếm có cơ sở đầu tư dây chuyền súc rửa tự động. Tình trạng này làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và tái nhiễm khuẩn mẫu nước ở mặt hàng nước uống đóng chai. Hiện chưa có số liệu thống kê ở Đồng Nai có bao nhiêu cơ sở sản xuất cũng như nhãn hiệu nước uống đóng chai, song thị trường của mặt hàng này hiện phủ rộng từ thành thị đến nông thôn bởi sản xuất quá dễ dàng. Về chuyên môn, hiện các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai được phân cấp quản lý như sau: Sở Y tế, cụ thể là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ quản lý các doanh nghiệp lớn, còn các cơ sở nhỏ và hộ gia đình do phòng y tế các địa phương trực tiếp quản lý. Do số lượng cơ sở sản xuất phát triển quá nhiều, nên công tác quản lý nước uống đóng chai còn khá nhiều bất cập, do vậy chất lượng nước tinh khiết đóng chai cũng không an toàn và hệ lụy là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như hậu quả khó lường./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=429276&co_id=30085