Đồ trang sức xưa

Lướt qua gian trưng bày chuyên đề “Trang sức cổ Việt Nam” của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, mở cửa từ nay đến tháng 12 năm 2013, mới thấy cha ông ta không những đánh giặc giỏi, mà còn biết tự mình làm đẹp. Đồ trang sức cũng là một góc của di sản văn hóa dân tộc.

Trâm vàng triều Nguyễn trang trí chim phượng ngậm đèn lồng. Ảnh: Trịnh Sinh

Thế giới cũng vậy mà ta cũng thế: Trang phục và trang sức cứ quện vào nhau để tôn vinh vóc dáng cơ thể con người. Có lẽ từ thời nguyên thủy, ăn lông ở lỗ, con người đã biết đến chuỗi vỏ sò, vỏ ốc cuốn quanh cổ để làm duyên. Một chuỗi vỏ sò ốc được ghè tròn xâu lỗ như vậy được đưa ra trong cuộc trưng bày này được tìm thấy ở làng cổ Xóm Thâm, Quảng Bình, thuộc về nền văn hóa Bàu Tró cách đây gần 5.000 năm.

Muộn hơn một chút, người nguyên thủy nước ta đã thành thạo trong việc chế tác đồ đá để làm công cụ. Họ còn biết tính năng của đá, nhất là đá ngọc. Để rồi từ những tảng đá vô tri, dưới tay người nguyên thủy thuộc văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun (cách đây vào khoảng 4.000 - 3.000 năm), những vòng đeo tay, khuyên đeo tai đẹp đẽ ra đời. Họ phải là những người thợ ngọc giỏi giang, am hiểu từng chất ngọc. Loại nào cho màu sắc lung linh, loại nào cứng, mềm dễ tạo hình.

Nhìn những chiếc vòng tay, khuyên tai có nhiều dáng vẻ mới thấy được khiếu thẩm mỹ của người xưa. Cuộc trưng bày cung cấp cho khách tham quan một sưu tập vòng tay các dạng, có chiếc với mặt cắt ngang hình chữ T, hạt chuỗi có 4 mấu, khuyên tai tròn có khe hở để đeo tai, khuyên tai hình ống, hình “gối quạ” có màu sắc long lanh, toàn là những hiện vật tuyển chọn từ một khối di sản trang sức khổng lồ thu lượm được từ các công trình khảo cổ.

Kể cũng ngạc nhiên, chế tác các đồ trang sức đá này lại chỉ từ các công cụ bằng… đá. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mũi khoan, bàn mài phẳng, bàn mài tròn bằng đá, để tạo ra các loại vòng. Bằng chứng các công cụ này còn tìm thấy nhiều, chưa kể các lõi vòng vương vãi khắp nơi trong các công xưởng đá thời bấy giờ ở Tràng Kênh (Hải Phòng), Bãi Tự (Bắc Ninh). Các lõi vòng cũng được đem đến trong cuộc trưng bày, được mang từ một số công xưởng thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên.

Thế mới biết, người xưa có công mài… đá, có ngày nên… trang sức đẹp. Với sự kiên nhẫn và am hiểu kỹ thuật chế tác đá, biết chọn nguồn đá ngọc, họ đã để lại cho hậu thế những tuyệt tác. Có lẽ, chính cái khâu chọn nguồn đá ngọc, mà theo các nhà nghiên cứu thì ắt hẳn phải trao đổi với các vùng mỏ ngọc xa xôi, vì vùng đồng bằng Bắc Bộ không có, nên người nguyên thủy có ý thức tiết kiệm: Một số chiếc vòng bị rơi gẫy, họ lại dùng mũi khoan và dây đồng để ghép lại, tiếp tục sử dụng.

Tôi cứ ngắm nghĩa mãi cái khuyên tai vỡ ra làm 5 mảnh rời, lại được ghép lại như vậy. Hóa ra, cái sự tiết kiệm của cha ông ta cũng đã có từ vài ngàn năm trước rồi.

Cũng còn phải kể đến trang sức bằng đá và thủy tinh được đem đến cuộc trưng bày từ nền văn hóa Sa Huỳnh và Đồng Nai. Ấn tượng nhất là chiếc khuyên tai ba mấu nhọn hay khuyên tai hai đầu thú. Chúng chính là các di vật chỉ có ở nước ta, nhưng đã được mang đi đây đó ở nhiều vùng Đông Nam Á. Cũng còn phải tìm hiểu thêm xem con vật sừng dài được tạc trên khuyên tai hai đầu thú là con gì, dê hay sao la? Nhưng phải nói người xưa đã làm ra một tác phẩm trang sức tuyệt hảo, đẹp từ mầu sắc đến các góc cạnh, đường cong tạo hình.

Trang sức của cha ông ta được mang ra khắp vùng lân bang, nhưng đồ trang sức của phương xa cũng theo con đường biển đổ bộ vào nền văn hóa bản địa và làm cho bộ đồ trang sức cổ xưa của ta thêm phong phú. Đó là trường hợp của các hạt chuỗi mã não, hạt cườm thủy tinh… cũng thấy xuất hiện trong cuộc trưng bày này. Đó có thể là đồ trang sức có nguồn gốc khá xa, từ miền đông của Ấn Độ, nơi có những làng cổ chuyên sản xuất các đồ trang sức kiểu này.

Hấp dẫn người xem hơn cả và cũng được giành nhiều diện tích trưng bày là các sưu tập đồ trang sức của các vương triều xưa của đất nước ta. Có mặt đồ trang sức của nhà nước Đại Việt, nhà nước Chăm Pa, nhà nước Phù Nam. Có nhiều hiện vật được công bố lần đầu tiên như chiếc vương miện đội đầu của vua Chăm niên đại thế kỷ 19 - 20 được làm bằng vàng với nhiều hoa văn hình cánh sen, sóng nước, cỏ cây được chạm khắc tinh xảo.

Một số đồ vàng của văn hóa Óc Eo - Phù Nam, thế kỷ 7 - 8, được chế tác khá đẹp và không khác gì đồ trang sức vàng hiện đại. Có thể kể đến chiếc nhẫn vàng được chạm chữ Phạn, dây chuyền, hoa tai, nhẫn khảm đá ngọc của vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long này.

Đồ trang sức triều Nguyễn được chú ý trưng bày với số lượng lớn. Mà phần lớn là đồ cung đình của vua quan thời đó. Các món trang sức phong phú hơn các thời đại khác với điểm nhấn là chất liệu vàng, bạc. Một loạt trâm cài đầu bằng vàng khối, đầu trâm được tạo hình tượng chim Phượng ngậm đèn lồng, hình hoa đào. Một số vòng vàng được nạm ngọc, chạm khắc hình chữ thọ, đeo lục lạc hay chạm hình đôi rồng, hình tượng Phật…

Lần đầu tiên, một chiếc bao tay bằng bạc mang phong cách Khơ Me với hình vũ công đang múa là quà tặng của nước ngoài trong sưu tập cổ vật cung đình Nguyễn cũng được trưng bày bên cạnh các trang sức bằng vàng bạc khác như vòng cổ, nhẫn, vòng tay, khánh, ngọc bội của triều Nguyễn. Trong số này, có hai hiện vật là bùa trừ tà độc đáo, được làm từ hai răng nanh hổ được bọc bạc. Đây là một phong tục có từ lâu ở ta, thường dân cũng như vua chúa cũng đều tin răng nanh thú rừng là một thứ bùa hộ mệnh hữu hiệu, vừa là trang sức lại vừa là bùa ngải.

Thêm một lần, chiếc mũ vua Nguyễn có tên gọi là mũ Xung Thiên lại được đem bày và lại thu hút số đông người xem. Mũ được làm từ vải quý, trên đó được khảm vàng, đá quý và ngọc trai. Chiếc mũ này vốn dùng mỗi khi thiết triều của vua. Mũ đạt được độ tinh xảo với các họa tiết hoa văn rồng năm móng, mây, mặt trời…

Hơn 100 đồ trang sức quý chỉ mới phô ra vẻ đẹp điển hình cho hàng ngàn đồ trang sức quý còn chưa được đem ra trưng bày, nhưng cũng cho thấy 5.000 ngàn năm qua người Việt Nam đã có đầu óc thẩm mỹ cao. Bàn tay tài khéo của cha ông không thua kém bất kỳ dân tộc nào trong khu vực. Kho đồ trang sức này quả là độc đáo, quý hiếm, có giá trị giáo dục cao.

Người Việt chúng ta không chỉ có di sản ẩm thực, di sản kiến trúc mà còn có một kho di sản hết sức tinh tế nữa phục vụ cho việc làm đẹp và cần cho việc kế thừa mẫu mã trong việc tạo ra các bộ đồ trang sức hiện nay.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/do-trang-suc-xua/139041.bld