Điều kiện làm việc đang thiếu an toàn

Ngày 12.6, Bộ LĐTBXH và ILO đã khai trương dự án “Đẩy mạnh ATVSLĐ trong các ngành có nguy cơ cao ở VN”. Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, năm 2011 tổng số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người trong lĩnh vực xây dựng đã chiếm 51,11% trong tổng số TNLĐ chết người.

Phải xử lý mạnh tay vi phạm

Theo đại diện Bộ LĐTBXH, dự án “An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các ngành có nguy cơ cao ở VN” là một bộ phận trong chương trình hợp tác đa - song phương ILO/Nhật Bản và là một phần của dự án tại khu vực Đông Nam Á.

Mục tiêu của dự án là đẩy mạnh công tác ATVSLĐ tại VN thông qua thực hiện hiệu quả khung chính sách trong các ngành có nguy cơ cao như: Xây dựng, khai khoáng và hóa chất nhằm hỗ trợ nhóm LĐ dễ bị tổn thương nhằm bảo đảm thực hiện ATVSLĐ một cách bền vững. Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, trong năm 2011, cả nước xảy ra gần 6.000 vụ TNLĐ làm 6.154 người bị nạn, trong đó có 574 người chết, 1.314 người bị thương nặng (tăng 16% so với cùng kỳ).

Các ngành xây dựng, khai khoáng và hóa chất là 3 ngành có tỉ lệ tai nạn lao động cao nhất. Trong 5 năm gần đây (2005-2009), số vụ TNLĐ trong ngành xây dựng chiếm tỉ lệ 36%, trong khai thác khoáng sản chiếm gần 20% tổng số các vụ TNLĐ nghiêm trọng. Bên cạnh nguy cơ tai nạn, NLĐ tại các công trường xây dựng, trong các khu khai thác khoáng sản và các DN hóa chất còn bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe do môi trường LĐ bị ô nhiễm, thường phải tiếp xúc nhiều với bụi, hóa chất độc hại và phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp, ung thư phổi.

Đại diện Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐVN - ông Nguyễn Văn Ất - cho rằng, có rất nhiều vụ TNLĐ chết người xảy ra của các ngành này tập trung vào các cơ sở chưa có tổ chức công đoàn; vì tại các đơn vị có tổ chức công đoàn đều được phát triển mạng lưới an toàn vệ sinh viên để giám sát, kiến nghị với người sử dụng LĐ đảm bảo điều kiện ATVSLĐ và sức khỏe cho NLĐ.

Do vậy, cần phải có chế tài đủ mạnh để nhanh chóng thành lập tổ chức công đoàn tại các cơ sở LĐ quy mô vừa và nhỏ ở các ngành có nguy cơ cao. Nếu cần thiết phải được coi là tiêu chí hàng đầu để cơ sở được phép hoạt động, có cơ chế để công đoàn phát huy vai trò của mình trong việc bảo vệ NLĐ, trong đó có bảo đảm an toàn và sức khỏe của họ.

NLĐ phải nhận thức rõ về ATVSLĐ

Cục trưởng Cục ATLĐ (Bộ LĐTBXH) Hà Tất Thắng cho biết, chỉ tính riêng ngành xây dựng hiện nay có khoảng 1,3 triệu LĐ, nhưng phần đông chưa qua đào tạo nghề, thiếu kiến thức về ATVSLĐ. Trong khi đó, NLĐ phần lớn phải làm việc ngoài trời, trong điều kiện phức tạp, độc hại như: Bụi đá, rung ồn và hơi khí độc... Theo kết quả đo kiểm tra của Bệnh viện Xây dựng tại 43 đơn vị xây dựng về môi trường LĐ với 11.340 mẫu, thì có 11,45% số mẫu không đạt tiêu chuẩn cho phép, trong đó nhiệt độ, bụi, tiếng ồn chiếm tỉ lệ từ 14 – 21,88%.

Cũng theo ông Thắng, để đạt được mục tiêu giảm 5%/năm tần suất TNLĐ chết người, 10% số LĐ mắc bệnh nghề nghiệp, 80% số NLĐ được khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các lĩnh vực khai khoáng, xây dựng, cơ khí và hóa chất. Ngoài việc hoàn thiện triển khai các mô hình quản lý công tác ATVSLĐ trong các DN có nguy cơ cao, ngoài việc tăng cường công tác thanh - kiểm tra, huấn luyện về ATVSLĐ, cần phải hỗ trợ họ tham gia thí điểm và áp dụng hệ thống quản lý về công tác ATVSLĐ và xây dựng văn hóa an toàn lao động.

Ông Dương Văn Thìn - Phó ban An toàn Tập đoàn CN Than - Khoáng sản VN (Vinacomin) - thì cho rằng, nguyên nhân dẫn đến TNLĐ có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là chủ DN chưa chủ động thực hiện các biện pháp ATVSLĐ, chưa tạo môi trường làm việc an toàn phù hợp cho NLĐ; NLĐ thì thiếu kỹ năng cùng các biện pháp thực hiện phù hợp để hạn chế, ngăn chặn rủi ro, đảm bảo an toàn cho người thực hiện và điều kiện làm việc không bảo đảm.

Theo thống kê, trên 80% số vụ TNLĐ xảy ra là do hành vi không an toàn của NLĐ gây ra hoặc do điều kiện làm việc không an toàn dẫn đến hành vi không an toàn cho NLĐ. “Bất kỳ một DN nào dù có đầu tư về công nghệ, thiết bị kỹ thuật, an toàn, nhưng nếu coi nhẹ, hoặc đơn giản hóa việc giáo dục về quản lý hành vi nâng cao chất lượng huấn luyện và ý thức của NLĐ và cán bộ quản lý về ATVSLĐ thì sẽ không đạt kết quả cao” - ông Thìn nhấn mạnh.

- 84% số NLĐ trên các công trường xây dựng vừa và nhỏ là LĐ thời vụ, trong đó trên 90% chưa được huấn luyện ATVSLĐ.

- 24,6% số NLĐ được trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân trong LĐ, còn lại NLĐ chỉ đi dép lê, không có mũ, không có dây an toàn.

- 34% số DN xây dựng có giàn giáo chắc chắn, đủ rộng, có lan can che chắn.

- 14,6% số DN xây dựng có nước uống hợp vệ sinh cho NLĐ. 40% số NLĐ đề nghị được cải thiện ATVSLĐ.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/dieu-kien-lam-viec-dang-thieu-an-toan/68976.bld