Điều hành chính sách tỷ giá

ND - Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD lên 2,1% vào ngày 17-8 vừa qua được đánh giá là một động thái cần thiết và việc làm bình thường trong điều hành kinh tế thị trường, nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng và bảo đảm những mục tiêu lâu dài cũng như góp phần hạn chế nhập siêu, thúc đẩy xuất khẩu.

Sự điều chỉnh lần này giúp tăng cường tập trung và quản lý kinh doanh ngoại tệ trên thị trường có tổ chức. Đồng thời, giúp cho các doanh nghiệp được tính đúng, tính đủ chi phí vốn ngoại tệ trong bảng hạch toán kinh doanh của mình, mà trước đó thường phải tìm cách hợp lý hóa các khoản mua USD trên thị trường tự do với giá cao hơn giá chính thức. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự điều chỉnh tỷ giá lần này cũng không tránh khỏi những hệ quả, như là rủi ro tỷ giá trong hoạt động kinh doanh và tín dụng của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, trước vay USD giá thấp, nay đến kỳ trả nợ tỷ giá lại bị đẩy lên cao. Nhiều ngân hàng vừa bán USD ra hôm trước hôm sau phải mua vào với giá cao hơn. Các doanh nghiệp và bản thân các ngân hàng kiến nghị NHNN cần có những tín hiệu chính sách cụ thể và minh bạch để doanh nghiệp có thể dự báo trước cho các hoạt động kinh doanh của mình. Thí dụ như NHNN phải dựa vào những phân tích, dự báo của mình để đưa ra những tín hiệu chính sách có tính chất thời hạn từ 3 đến 6 tháng. Điều này sẽ hạn chế "sốc" đối với thị trường, nhất là sau khi tỷ giá đã được neo cố định một thời gian dài. Bên cạnh đó, trong điều hành thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm cần phải lưu ý đến kỳ hạn trả nợ của các doanh nghiệp trước đây đã vay ngoại tệ chuyển đổi sang VND. Dự báo, trong những tháng tới đây nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp này sẽ làm tăng tổng cầu về ngoại tệ. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phải tính toán để cân đối cung cầu ngoại tệ làm sao duy trì được sự ổn định trên thị trường. Đồng thời, giải quyết căn nguyên mối quan hệ giữa lãi suất và tỷ giá. Phải giữ mức lãi suất VND ở mức hợp lý để kích thích nhu cầu vay VND nhiều hơn. Về lâu dài, cần giảm dần tỷ lệ đô-la hóa trong nền kinh tế. Đây là thời điểm cần khởi động lại vấn đề này một cách quyết liệt. Chính trong đợt điều chỉnh vừa qua, không chỉ doanh nghiệp mà nhiều người dân bất bình với việc mua hàng niêm yết giá USD, sau đó quy đổi ra giá tiền đồng đã bị thiệt hại, nhất là những mặt hàng giá trị cao như bất động sản (dạng trả góp), xe ô-tô, điện thoại... Đây chính là những yếu tố gây bất ổn về tâm lý xã hội và có những tác động khôn lường trong việc điều hành tỷ giá. Trong thời gian tới, NHNN cần tiếp tục xu hướng điều hành linh hoạt tỷ giá theo các tín hiệu và nguyên tắc thị trường. Trong đó, cần tránh xu hướng chỉ có điều chỉnh tăng một chiều tỷ giá gây nên kỳ vọng đầu cơ trên thị trường. Ngoài ra cũng phải xem xét tự do hóa lãi suất và tỷ giá là xu hướng mà thị trường đang đòi hỏi. Muốn vậy, NHNN cần phải nâng cao năng lực của các công cụ điều hành chính sách của mình.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=182223&sub=152&top=37