Địa ốc 7 ngày: Bi hài chuyện xây biệt thự nhầm đất

Hà Nội phê duyệt giá bán nhà cũ thuộc sỡ hữu nhà nước, Savills công bố chỉ số giá nhà quý III, 8 khu kinh tế được lựa chọn để đầu tư trọng điểm là các thông tin nóng tuần qua. Bên cạnh đó, câu chuyện nghịch lý về tranh chấp đất tại Sóc Trăng và sự kiện triển lãm Vietbuild 2015 đều có trong bản tin địa ốc hôm nay.

Ảnh Internet

1. Thông tin đầu tiên liên quan đến quyết định phê duyệt danh sách, giá bán nhà cũ thuộc sở hữu nhà nước tại Hà Nội, giá cao nhất lên đến 108 triệu đồng/m2.

UBND TP Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt giá bán nhà cũ thuộc sở hữu nhà nước tại khu vực phố cổ, địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình… Đây chủ yếu là nhà công vụ, nhà xã hội hoặc được xây bằng vốn ngân sách.

Theo đó, mức giá cao nhất trong số này thuộc về căn nhà 15B trên phố Trần Hưng Đạo với giá bán 108 triệu đồng/m2. Trong đó, giá đất là 102 triệu đồng/m2, giá nhà ở nhà dao động từ 2,6 đến 5,5 triệu đồng/m2, tùy vào cấp hạng.

Đối với chung cư cũ, giá thấp hơn nhiều, như tại phố Hàng Quạt (8,8 triệu đồng/m2), Ô quan Chưởng (7 triệu đồng/m2), Nguyễn Siêu (3 triệu đồng/m2)…

Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội cũng công bố giá bán một số biệt thự, nhà tập thể ở nhiều quận như Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm... với giá bán vài triệu đồng mỗi m2.

2. Savills công bố chỉ số giá nhà quý III/2015 tại Hà Nội và TP. HCM.

Tại Hà Nội, chỉ số giá nhà ở quý III/2015 tăng nhẹ 0,03 điểm theo quý và 6 điểm theo năm, đạt mức 108,3 điểm. Trong quý này, chỉ số giá nhà ở theo kỳ cơ bản đạt mức 92 điểm, giảm 2 điểm so với quý II/2015.

Giá sơ cấp trung bình đạt mức 26 triệu đồng/m2, tăng 6% theo quý và giảm 2% theo năm do phần lớn các dự án mở bán thuộc hạng B và chào bán ở mức cao hơn giá trung bình. Giá thứ cấp trung bình giảm 2,3% theo quý do sự sụt giảm của hơn 50% các dự án ở thị trường thứ cấp.

Ở TP.HCM, trong quý III/2015, chỉ số giá nhà ở là 88,9, giảm 0,5 điểm theo quý và theo năm. Tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường là 17%, giảm 2 điểm phần trăm theo quý và theo năm.

Lượng giao dịch tăng mạnh với khoảng 5.220 căn hộ được hấp thụ (cao nhất trong 5 năm qua), tăng 4% theo quý và 59% theo năm.

3. Một thông tin đáng chú ý khác là việc Thủ tướng đồng ý lựa chọn 8 khu kinh tế để đầu tư trọng điểm, giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa đồng ý lựa chọn 8 nhóm khu kinh tế ven biển trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Cụ thể, 8 nhóm khu kinh tế được ưu tiên tập trung đầu tư gồm: nhóm khu kinh tế Chu Lai - Dung Quất (Quảng Nam, Quảng Ngãi), khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), khu kinh tế Phú Quốc (Kiên Giang), khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), khu kinh tế Nam Phú Yên (Phú Yên), khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) và khu kinh tế Định An (Trà Vinh).

Thủ tướng yêu cầu tập trung phân bổ vốn đầu tư cho 8 nhóm khu kinh tế ven biển trọng điểm nêu trên tối thiểu bằng 70% tổng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch hàng năm và 5 năm 2016 - 2020 cho các khu kinh tế ven biển.

4. Câu chuyện khá bi hài về một biệt thự sắp hoàn thành tại Sóc Trăng có nguy cơ bị dỡ bỏ do Sở Xây dựng tỉnh này cấp phép sai được dư luận khá quan tâm trong tuần.

Nhận chuyển nhượng thửa đất số 904 rộng 200 m2 ở phường 2, TP Sóc Trăng, ông Huỳnh Hùng Vĩ đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng một căn biệt thự. Khi xây gần xong thì ông Vĩ bị Sở Xây dựng tỉnh Sóc Trăng đề nghị tạm ngưng. Theo Sở này, ông Vĩ đã xây nhà trên thửa đất 903 của vợ chồng bà Lê Thị Hạnh Nhân.

Nguyên nhân là do bà Võ Thị Hiền (nhà giáp ranh ông Vĩ) xây dựng trái phép trên một phần đất của thửa 904 nên khi định vị công trình sau này, biệt thự ông Vĩ đã tịnh tiến qua phần đất (thửa 903) của bà Nhân.

Trong trường hợp này, tháo dỡ công trình của ông Vĩ thì rất tốn kém. Vì vậy, bà Hiền đã đồng ý tháo dỡ phần xây dựng trái phép để hoán đổi vị trí thửa đất này cho bà Nhân. Tuy nhiên, bà Nhân yêu cầu ông Vĩ phải trả thêm 300 triệu đồng nếu hoán đổi nên hai bên không thỏa thuận được.

Về lý, bà Hiền muốn lấy được đất để xây nhà nên đã khởi kiện lên tòa án, nếu chấp nhận hòa giải, hoán đổi thửa thì sẽ bị tổn thất nên muốn ông Vĩ trả thêm tiền. Trong khi ông Vĩ cho rằng, từ khi xây dựng, ông đều tuân thủ mọi quy định của pháp luật nên trách nhiệm thuộc về Sở Xây dựng.

Đồng quan điểm này, ông Võ Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND TP. Sóc Trăng cho biết, việc tranh chấp giữa ông Hùng Vĩ với bà Lê Thị Hạnh Nhân do Sở Xây dựng cấp sai phép thì Sở phải chịu trách nhiệm giải quyết.

Theo một vị luật sư, ông Vĩ có quyền yêu cầu đơn vị này bồi thường thỏa đáng. Nếu không đạt được thỏa thuận, ông Vĩ có thể kiện Sở Xây dựng ra tòa.

4. Tuần qua, triển lãm quốc tế Vietbuild 2015 lần thứ 2, khai mạc tại Hà Nội, tiếp tục ghi nhận sự vắng bóng của các DN Bất động sản.

Với chủ đề triển lãm bất động sản, trang trí nội - ngoại thất, xây dựng và vật liệu xây dựng, Vietbuld Hà Nội 2015 lần 2 chỉ đón nhận một doanh nghiệp bất động sản là VNG Land.

Lý giải việc doanh nghiệp địa ốc không còn mặn mà tham gia hội chợ Vietbuild, một đại diện đơn vị phân phối lớn tại Hà Nội cho biết, trước đây khi thị trường “đóng băng”, các doanh nghiệp buộc phải quảng bá sản phẩm ở hội chợ.

Tuy nhiên, việc bán bất động sản hiện nay yêu cầu phải tư vấn trực tiếp, tiếp thị tận nhà nên không còn nhiều đơn vị phân phối tham gia hội chợ như trước.

Còn nhớ, cách đây 2 tháng, Vietbuild 2015 lần 2 tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, số lượng doanh nghiệp bất động sản tham gia cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Phúc Khang, Nam Long, DIC, một công ty con của Nhà Hòa Bình…

Mặc dù số lượng doanh nghiệp địa ốc tham gia giảm mạnh và có nguy cơ biến mất hoàn toàn so với hàng chục doanh nghiệp tại các kỳ Vietbuild của 4-5 năm trước vậy nhưng thật trớ trêu, bất động sản vẫn được đơn vị tổ chức ưu ái chọn là một nội dung chính của các kỳ hội chợ Vietbuild.

Chuyển động địa ốc

Tại Hà Nội, 14/11, Công ty CP Phát triển Bất động sản Tây Hồ Tây mở bán 10 căn hộ hạng sang tại dự án Watermark. Các căn hộ có 2-3 phòng ngủ, thiết kế sang trọng, hiện đại, tất cả đều có tầm nhìn ra hồ Tây.

Công ty sẽ tổ chức ngày hội khách hàng vào ngày 14/11, đồng thời công bố chương trình ưu đãi cho chủ nhân 10 căn hộ cuối đẹp nhất của dự án. Dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nên khách hàng có thể dọn vào ở ngay, tận hưởng các tiện ích chất lượng đi kèm.

Khởi công năm 2012 trên diện tích đất hơn 2.000m2, Watermark là tòa tháp cao 18 tầng hướng ra hồ Tây, có vị trí thuận lợi về giao thông, di chuyển tới trung tâm thành phố chỉ khoảng 10 phút và đến sân bay Nội bài trong 30 phút.

Cuối tháng 11,Tập đoàn FLC sẽ mở bán dự án FLC Twin Tower tại 265 Cầu Giấy, Hà Nội, mức giá từ 37 triệu đồng/m2.

Dự án nằm cách trung tâm quận Ba Đình chỉ vài km, 3 mặt hướng các công viên lớn của thành phố: Thủ Lệ, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, gần các trung tâm thương mại và khách sạn cao cấp như Lotte Center, Daewoo Hà Nội…

Tại TP.HCM, 14/11, chủ đầu tư Khang Điền mở bán khu biệt thự sinh thái Lucasta. Vietinbank là đại diện bảo lãnh tiến độ dự án cho người mua.

Khu biệt thự sinh thái Lucasta có quy mô 8,2ha gồm 140 căn biệt thự song lập và đơn lập được bao phủ bởi không gian xanh tươi mát và hồ sinh thái 1ha, tọa lạc ngay mặt tiền đường Liên Phường, phường Phú Hữu, quận 9, gần góc giao cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường Vành đai trong.

Tại Xuyên Mộc, Vũng Tàu, Tập đoàn phát triển bất động sản quốc tế Tanzanite International vừa công bố kế hoạch phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Hồ Tràm.

Dự án The Hamptons Hồ Tràm có 300 căn hộ condotel và 24 villa hướng biển. Theo Tập đoàn này, vốn đầu tư giai đoạn một khoảng 80 triệu USD, dự kiến ra mắt thị trường vào quý II năm 2016.

Ngoài dự án trên, Tanzanite International cũng đặt mục tiêu phát triển thêm 2 dự án nghỉ dưỡng khác ở khu vực này trong 10 năm tới, với tổng chi phí đầu tư khoảng từ 500 triệu USD. Hiện Tập đoàn sở hữu quỹ đất 37 ha với 1,7 km chiều dài bờ biển tại khu vực Hồ Tràm và đang tiến hành các thủ tục xin giấy phép xây dựng.

Anh Quốc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/dia-oc-7-ngay-bi-hai-chuyen-xay-biet-thu-nham-dat-134612.html