Đi theo lối của mình

Năm thứ 16 của thế kỷ XXI, thế giới tiếp tục bị cuốn ngày một sâu hơn theo những mâu thuẫn địa chính trị trầm kha. Có lẽ trong hơn ba phần tư thế kỷ qua kể từ khi thế chiến thứ hai kết thúc, chưa bao giờ trái đất của chúng ta lại bị nhấn chìm vào cảnh hỗn độn và bạo lực nghiêm trọng trên diện rộng như hiện nay. Đang có cảm giác như không còn vùng đất cấm đối với những hành vi khủng bố từ những thế lực cực đoan đủ mọi màu sắc nữa. Một trong những vấn đề nan giải đối với nhiều quốc gia trên thế giới là làm sao tìm được cách thức tồn tại và phát triển thích ứng trong một bối cảnh phức tạp và đầy rối lẫn như hiện nay.

Hàng trăm người tị nạn Palestine chờ đợi phần thực phẩm hàng ngày
đến trại Yarmouk gần Damascus , Syria. (Ảnh: New York Times)

Trong những năm đầu của thập niên thứ chín thế kỷ XX, khi phương Tây do Hoa Kỳ đứng đầu giành được thế thượng phong trong cuộc chiến tranh lạnh, dẫn đến xóa sổ hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô cũ và Đông Âu, đã có người hy vọng vào một quá trình phát triển một chiều ít nhiều bình ổn hơn đối với nhân loại. Sơn phết những gam màu dị thường lên quá khứ, không ít học giả đã lầm tưởng rằng chính sự đối kháng dằng dai trong thế cân bằng động giữa Moskva với Washington là nguyên nhân của mọi tai họa đã tới với thế giới, gây nên vô số những đụng độ vũ trang và thậm chí cả những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn dai dẳng ở không chỉ một quốc gia.

Bước vào thời hậu chiến tranh lạnh cũng là thời điểm bắt đầu một quá trình luân chuyển vị trí của các nước trên thế giới. Không ít những cái đầu nóng muốn xác lập một trật tự thế giới đơn cực với vai trò tối thượng thuộc về nước Mỹ cùng những chiến hữu thân cận nhất. Và trong những dự tính của những cái đầu nóng đó, không chỉ LB Nga hay Trung Quốc hoặc Ấn Độ mới là những “đối tượng” cần phải kiềm chế, mà ngay cả những đồng minh truyền thống của Mỹ ở Tây Âu cũng có lúc bị nhìn nhận như “những người bà con nghèo”, không được quyền đưa ra những ý kiến quyết định, dù đúng đắn tới mấy, về vận mệnh hay tương lai thế giới... Không cần phải nói thì tất cả cũng hiểu rằng, trong cách tính toán như thế, những nước đang phát triển hoặc kém phát triển bị xếp vào vị trí nào...

Thế là những liên minh mới nảy sinh ở nhiều khu vực, lắm khi chỉ vì những lợi ích nhất thời của một số đẳng cấp cầm quyền sở tại và lơ đi lợi ích chiến lược của quốc gia mình. Những cuộc xung đột sắc tộc hoặc tôn giáo, những cuộc cách mạng màu sắc hoa hồng hay vỏ cam bùng nổ, đặt những nước không may bị cuốn vào vòng biến thiên đó vào tình thế bấp bênh với hiện tại vì những dự tính đổi đời trong tương lai... Tất cả đã và đang diễn ra không thiếu vắng bàn tay đạo diễn hoặc lộ liễu hoặc ngấm ngầm của trung tâm quyền lực nhất và nhiều tham vọng nhất là Mỹ. Và nguy hiểm nhất là ở nhiều nơi, nhiều lúc, những thầy phù thủy cao tay ở Washington đã không thể điều khiển được đám âm binh do họ đã nuôi dưỡng trong quá khứ. Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện nay sở dĩ có thể hoành hành ác liệt như thế là một thí dụ. Nhiều tài liệu mới được công bố cho rằng, IS chính là lực lượng xuất đầu lộ diện được là nhờ chính những chuyên gia tình báo từ Washington dung dưỡng.,,

Và thế là ảo tưởng về một thế giới đơn cực với vai trò nổi trội độc tôn của siêu cường duy nhất là Hoa Kỳ có thể trở nên bình ổn, như thực tế cho thấy, đã nhanh chóng tan như bong bóng xà phòng. Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế do Mỹ phát động từ hơn chục năm nay đã không mang lại kết quả mong đợi. Đứng lên chống lại liên quân quốc tế do Washington lãnh đạo không chỉ là những phần tử khủng bố mà người ta cho là của mạng lưới Al-Qaeda hay những phần tử ủng hộ chế độ cũ, mà còn nhiều tầng lớp khác nhau trong thế giới Hồi giáo. Nguy hiểm hơn là IS hiện nay đã tồn tại như một thực thể rất khó xóa bỏ… Hơn 10 năm trước đây Samuel Huntington đã cảnh báo về một cuộc đụng độ giữa các nền văn minh và nhân loại sẽ phải chứng kiến những cuộc thập tự chinh mới với vũ khí hạt nhân. Chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn ẩn giấu trong mình vô số những bất cập lúc nào cũng có thể là tác nhân dẫn tới những sự bùng nổ mâu thuẫn khác nhau. Ngay như cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, một người mà khó ai có thể hoài nghi về sự trung thành với thể chế đã sản sinh ra bà, trong cuốn sách cuối đời của mình cũng đã phải viết rằng, mô hình nền dân chủ và kinh tế tự do mà phương Tây đã cố gắng cổ xúy và áp đặt cho toàn thế giới nhiều thập niên qua thực ra chỉ là sản phẩm lịch sử và tư tưởng của đạo Thiên chúa và Tin lành. Và mặc dầu trong giai đoạn phát triển hiện tại, mô hình đó có vẻ như đang ở thế thượng phong và phổ cập khá sâu rộng nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là vì thế mà các dân tộc khác, các tín ngưỡng khác, với đặc thù văn hóa và truyền thống rất khác của mình, chịu chấp nhận buông xuôi và không nỗ lực đi tìm những mô hình phát triển khác, phương thức điều hành xã hội khác thích hợp với mình hơn. Chủ nghĩa tư bản, vẫn như cách nói của các nhà kinh điển trước đây, vẫn không phải là bến đợi cuối cùng của toàn nhân loại. Thế giới vẫn đang cần một cấp độ mới của nền văn minh chung với những tiêu chí đạo đức và nhân văn thực sự có thể kết liên lại những phẩm chất tốt đẹp của các dân tộc, các quốc gia và hạn chế tối đa những dị biệt và mâu thuẫn.

Nói chung ở thời đại nào, mỗi một dân tộc trong hành trình gian khó tìm phúc lộc ở tương lai, trước tiên cần phải dựa vào chính bản thân mình. Trên thế giới luôn luôn diễn ra hai quá trình song song, một bên là sự xích lại gần nhau trong tiến trình phát triển nhân văn hướng tới đại đồng, và một bên là bản năng tự vệ lành mạnh, mình tự cứu mình trước khi trời cứu. Những chính thể được dựng lên nhờ sự phò trợ của nước ngoài thường không có được số phận may mắn và thường gây nhiều tác hại cho dân tộc mình hơn là có lợi.

Chính vì thế trong lúc cố gắng hội nhập quốc tế, tận dụng những cơ hội có thể tới từ quá trình này, mỗi một dân tộc cần không được mất cảnh giác với những lý thuyết mang tính ru ngủ kiểu đạn bọc đường của “chiến tranh mềm”. Không nên trông chờ vào lòng tốt của người khác mà cần phải biết tìm kiếm những mối quan hệ tùy thuộc lẫn nhau và cùng có lợi, không chỉ về mặt chiến thuật mà cả về mặt chiến lược nữa. Trong thực tế nền chính trị quốc tế, hầu như không có những sự giúp đỡ vật chất nào lại hoàn toàn vô tư, không mang theo những suy tính chiến lược hay chiến thuật của bên cung cấp viện trợ. Viện trợ chỉ mang tính chính nghĩa khi quyền lợi dân tộc đích thực của bên nhận trùng hợp hoàn toàn hay đa phần với lợi ích của bên cung cấp viện trợ... Ngay cả kế hoạch Marshall, thực hiện sau chiến tranh thế giới thứ hai, giúp cho Tây Âu bị bom đạn làm cho hoang đổ được hồi phục khá nhanh chóng, cũng chỉ mang tính tích cực với “lục địa cũ” trong những khoảng thời gian nhất định và hoàn toàn không làm trùng khít lợi ích giữa hai bờ Đại Tây Dương… Không ngẫu nhiên mà từ lâu người ta đã truyền tụng câu danh ngôn, miếng pho mát cho không chỉ có ở trong bẫy chuột!

Dù thế giới hiện nay có xưng tụng sự bình đẳng, bình quyền thế nào thì vị thế của mỗi quốc gia trên bàn cờ quốc tế vẫn phải luôn luôn tỉ lệ thuận với tiềm lực nội tại của nó. Vì thế, tinh thần ái quốc phải luôn luôn đi cùng với những cố gắng giúp cho đất nước mình phát triển kinh tế xã hội một cách lành mạnh và bền chắc. Quyền lợi dân tộc luôn cần được đặt lên trên tất cả, bởi lẽ, nếu ta không bảo vệ được bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, lãnh thổ, độc lập, tự do và quyền tự quyết của dân tộc mình, thì ta làm sao bảo vệ được những tinh hoa chung của nhân loại?! Một dân tộc chỉ được các dân tộc khác tôn trọng nếu bản thân họ tự trọng mình và làm mọi việc để lòng tự trọng đó được củng cố trên một cơ sở tiềm năng tương xứng!

Muốn yêu cả nhân loại, trước tiên phải hết lòng yêu dân tộc mình! Ai đó đã nói rất đúng rằng, phải đi đến tận cùng dân tộc, thì mới tới được cùng nhân loại.

Dù nhân loại đã tiến được những bước dài trong phát triển vật chất và tinh thần, nhưng vẫn như trước kia, luật chơi chủ đạo trên trường quốc tế vẫn còn thiên vị một số trung tâm quyền lực lớn, khiến cho các nước “không to bát gạo, không lớn quan tiền” cần rất tỉnh táo và khéo léo tìm kiếm vận hội phát triển cho mình trong bối cảnh toàn cầu hóa đang là xu thế khó có thể gì cưỡng nổi. Một trật tự thế giới mới hợp lý và công bằng vẫn đang là mục tiêu cần phải phấn đấu.

Trần Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/di-theo-loi-cua-minh/86628