Đi săn hung thần “Tó Khum” trên Sơn La

Đang mải mê lựa chọn góc chụp để làm sao có bức ảnh đẹp nhất thì bỗng một thợ ăn ong (bắt ong) co người lại làm văng chiếc đèn pin xuống phía dưới đồi. Cùng lúc này, tiếng một thợ săn khác la thất thanh: "Ong sổng rồi! Chạy mau đi!". Không kịp định thần, tôi chỉ kịp ôm chiếc máy ảnh lao về phía sau an toàn, cách đó vài chục mét.

Những chú ong đất hùng hăng lao ra lọt hết vào túi lưới

GIA NHẬP ĐỘI SĂN ONG
Khi "kết nạp" tôi vào đội săn ong đất (Tó Khum - theo cách gọi của người Thái) chuyên nghiệp của bản Hìn - cái nôi sản sinh ra những "ông tổ" của nghề săn ong đất ở tỉnh Sơn La, ông Lò Xuân Thủy, dặn: “Nếu có nguy hiểm gì tôi không chịu trách nhiệm đâu đấy nhá”.

Đội săn còn hai thành viên là anh Tòng Văn Hom, sinh năm 1974 và Tòng Văn Điện, sinh năm 1984. Theo ông Thủy thì bản Hìn là nơi cung cấp nguồn ong chủ yếu cho những người chuyên buôn ong trong tỉnh. Địa điểm được chọn để tổ chức đi săn là những khu rừng thồ lộ thuộc bản Thẳm Cọng, xã Hua Trai (Mường La). Để lên Thẳm Cọng, phải vượt gần 60 km từ thị xã đến xã Hua Trai. Sau đó vượt tiếp hơn 15 km qua những đoạn dốc đá vắt vẻo trên những triền núi có vực sâu ngút tầm nhìn.

Mỗi thợ săn phải có 3 bộ quần áo vải thật dày và 1 bộ quần áo mưa; 4 đôi găng tay dày cộp; 1 đôi ủng; 2 ống tre có chu vi 8 cm đến 9 cm và dài 30 cm. Kèm theo những chiếc túi lưới dài rộng đều 50 cm; cuốc, xẻng, dao, xà beng, đèn pin và 1 chiếc gùi; những chú dễ mèn hay cào cào làm mồi nhử ong đất.

"Thứ không thể thiếu là chiếc mũ bảo hiểm, được trùm lưới bên ngoài để tránh ong đốt mặt"- anh Tòng Văn Hom nói. Trong suốt quá trình đi săn ong đất mỗi thợ săn cần phải có, đôi mắt tinh nhanh, một tinh thần thép và sức bền của một vận động viên chạy việt dã.

5 giờ sáng, chúng tôi đến điểm săn ong sau khi mất gần 2 giờ vượt qua những đoạn đường lổn nhổn đá cùng những chú vắt đói ăn. Nơi dừng chân để săn ong là một khu rừng mọc đầy cây Thồ Lộ.
Bắt những chú dế mèn còn non đựng trong một hộp nhựa cắm vào đầu nhọn những chiếc que dài chừng 2 m, cả 3 thợ săn tản về các phía. Mỗi người cầm 1 chiếc que ngồi lom khom dưới gốc cây thồ lộ, ngửa cổ chăm chú nhìn lên, kiên trì ngồi chờ những chú ong đất đi bắt mồi bay qua...

Đang đánh vật với muỗi rừng, tôi giật mình khi giọng ông Thủy hô: "Bắt mồi rồi, chạy theo mau". Một con ong đất sau vài giây lượn quanh chiếc que của anh Hom, nó đã bất ngờ lao xuống cắp lấy con dế mèn bay đi. Anh Hom liền chạy theo con ong đang tha mồi và mất dạng sau những lùm cây.

Trở lại, anh Hom vừa thở dốc vừa tiếc rẻ: "Phía trên kia rừng rậm quá, đến đầu vực bên này thì hết đường đi, chỉ xác định được hướng nó bay về là một quả đồi" nhưng anh khẳng định "nhất định ở đó là đại bản doanh của chú ong vừa rồi".

Phải mất thêm gần 2 giờ thả mồi câu ong và chạy theo ong, các thợ săn đã phát hiện được nơi trú ngụ của những chú ong đất. Đó là một ụ đất dưới một gốc cây thồ lộ có đường kính khoảng 60 cm. Ông Thủy yêu cầu mọi người nghỉ ngơi chờ đến tối sẽ bắt ong: "Ban đêm là thời điểm thích hợp và an toàn nhất để bắt ong đất. Vì khi đó, chúng đã bay hết về tổ và nguy cơ bị ong tấn công sẽ giảm đáng kể", ông giải thích với tôi.

THOÁT CHẾT TRONG GANG TẤC
20h, theo yêu cầu của các thợ săn, mặc dù trời tối nhưng tôi vẫn phải đứng ở nơi "an toàn" do các thợ săn chỉ định, cách xa tổ gần 10m. Trước khi đi, anh Hom còn dặn "Không được dùng máy điện thoại, vì ánh sáng của màn hình sẽ thu hút những chú ong xổng tổ bay tới".

Không thừa một động tác, anh Hom cầm chiếc túi lưới được nối với 1 ống tre rỗng 2 đầu, một đầu đã nhét sẵn vào miệng túi lưới, còn đầu kia nối với đường ra vào của ong. Sau đó, Điện dùng chiếc dao phát quang khu vực tổ ong. Tiếp đó, dùng tay trái cầm đèn pin hướng ánh sáng vào góc trên của chiếc túi lưới, còn tay phải vỗ nhẹ vào tổ ong.

Không hổ danh là loài vật hung hăng, chỉ sau cái vỗ tay đầu tiên những chú ong đã chui qua ống tre lọt vào trong chiếc túi lưới. Mùi nước đái đặc trưng của những chú ong khi bị phá tổ bỗng sộc lên.

Đang mải mê lựa chọn góc chụp để làm sao có bức ảnh đẹp nhất thì bỗng Điện co người lại làm văng chiếc đèn pin. Cùng lúc này, tiếng anh Hom la thất thanh: "Ong sổng rồi! Chạy mau đi!". Lập tức, tôi ôm chiếc máy ảnh lao về phía sau an toàn, cách đó vài chục mét. Một con ong đã lọt được ra ngoài và đốt vào đùi trái của Điện, còn anh Hom bị một con đốt vào cổ. Cả đàn ong ùa ra hung hãn.

Lúc này, 2 thợ săn chỉ còn cách dùng chiếc đèn pin còn lại soi vào miệng tổ ong, dùng tay bóp chết những chú ong đang bò ra khỏi tổ. Phải mất tới gần 3 giờ bắt sống ong và 20 phút hì hụi dùng cuốc, xẻng để đào tổ lấy nhộng. "Tổ này nặng không dưới 15kg"- cả đội thợ săn hớn hở.

HẬU QUẢ VÀ THÀNH QUẢ
"Hôm nay còn ngon ăn đấy. Những hôm khác, nếu để đàn ong vỡ tổ bay ra thì chỉ còn nước chui ngay xuống nước nếu không muốn bỏ mạng" - ông Thủy nói. Theo như tính toán của các nhà khoa học, với một người dù khỏe đến mấy cũng không thể chịu nổi 5 con ong đất đốt cùng một lúc.

Cởi chiếc áo đang mặc, để lộ ra tấm thân trần với 11 vết sẹo hình đồng su, to nhỏ khác nhau nằm rải rác trên người, trong đó có một vết mầu thâm đang mưng mủ nơi bắp tay trái, Điện nói: "Vết này em bị đốt cách đây 1 tuần trong một đêm bắt ong. Mặc tới 3 cái áo vải và 1 chiếc áo mưa mà nó vẫn đốt xuyên qua được. Chỗ nào mà bị ong đốt là thịt bị thối và phải mất 3 tháng mới khỏi".

Anh Hom cũng có gần chục vết sẹo trên cơ thể do ong đất đốt trong những lần đi săn. Anh kể: "Lần đầu tiên mình bị ong đốt vào ngón tay. Ngay sau khi bị đốt, chỗ đó đau nhức, tấy đỏ, cơ thể vã mồ hôi và rất háo nước. Lần đó, mình phải nghỉ mất gần 1 tháng ở nhà. Đến nay, tôi đã có 12 vết đốt".

Khó khăn và nguy hiểm là vậy, nhưng với những thợ săn thì đây là công việc "hái ra tiền" để giúp họ nuôi sống gia đình. Bởi một mùa đi săn ong, như đội của ông Thủy bình quân mỗi người cũng mang về 20 triệu đồng từ tiền bán ong.

Do vậy, niềm vui lớn nhất của những thợ săn ong là sáng hôm sau mang được ong xuống núi cho kịp phiên chợ. Trong chuyến đi săn này, đội săn của ông Thủy đã săn được 14,5 kg ong đất, trong đó có 1,2 kg ong già. Và cũng bởi "Tó Khum" của đội săn không dùng khói hun hay tai hại hơn là dùng hóa chất xịt để bắt nên "Tó Khum" của đội luôn bán được giá cao...

Với giá bán đổ cho những người chuyên buôn ong ở các chợ, các thợ săn bán được từ 100.000 đến 110.000 đồng/kg nhộng và 300.000 đến 350.000 đồng/kg ong già. Thậm chí, vào cuối mùa giá bán đổ còn cao hơn.

Khi chúng tôi xuống tới chợ Rặng Tếch (TP Sơn La) lúc 7giờ 15 phút sáng, ở đó đã có hơn chục người chuyên buôn ong chờ sẵn. Sau 30 phút những người buôn ong tranh nhau sản phẩm của mấy ngày đi săn, toàn bộ số "Tó Khum" đã hết nhẵn. Tất cả đều để phục vụ nhu cầu ẩm thực của những thực khách sành ăn và có tiền.

Trong khoa học : Ong đất có tên khoa học Xylocopa dissils, thuộc họ ong đen (Xylocopidae). Y học cổ truyền gọi ong đất là Trúc phong. Ong đất có 3 loại: Loại màu đen, đen vằn vàng và mầu vàng. Về dược tính, theo sách "Bản thảo thập di": Tác dụng của ong đất là trừ phong, giải độc, sát trùng.

Nguồn Bóng Đá Plus: http://bongdaplus.vn/bong-da-cuoc-song/di-san-hung-than-to-khum-tren-son-la/54692.bbd