Đẹp mê hồn "Hà Tiên thập cảnh"

Những ngọn núi hùng vĩ sau đã từng được liệt vào "Hà Tiên thập cảnh" (10 cảnh đẹp đất Hà Tiên) xưa.

Đẹp mê hồn "Hà Tiên thập cảnh"

Những ngọn núi hùng vĩ sau đã từng được liệt vào "Hà Tiên thập cảnh" (10 cảnh đẹp đất Hà Tiên) xưa.

Núi Bình San

Núi Bình San hay còn gọi là Bình Sơn, là tên một ngọn núi ở phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Trên núi có lăng mộ dòng họ Mạc nên còn được gọi là núi Lăng.

Người xưa ví núi Bình San như bức bình phong che chắn phía sau thành Hà Tiên lúc ấy. Núi này còn có tên gọi là núi Lăng, vì trên núi có lăng mộ Mạc Cửu cùng các phu nhân và tướng quân họ Mạc, những người đã có công khai mở xứ này. Tổng cộng nơi đây có 66 lăng mộ cổ, thuộc 7 đời họ Mạc đã được công nhận là Di tích quốc gia, bao gồm 4 khu vực, được sắp xếp trật tự từ trên xuống theo thứ bậc và công lao (Khu 1 là các tiểu vương, Khu 2 dành cho các phu nhân của các tiểu vương, Khu 3 gồm quan tướng và Khu 4 dành cho dân chúng).

Ngoài ra, trên núi Bình San còn hai di chỉ của nền Sơn Xuyên và Xã Tắc. Nền Sơn Xuyên nằm trên đỉnh núi cao nhất, nhìn ra núi Pháo Đài, là nơi tế thần núi thần sông. Nền Xã tắc nằm lưng chừng trên núi, là nơi tế hậu thổ và thần nông. Chung quanh, cây cối mọc um tùm, xanh mát.

Núi Pháo Đài

Núi Pháo Đài còn được gọi là núi Kim Dự, ở sát vịnh Thái Lan, thuộc phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Núi nằm về phía Tây Bắc bãi biển Mũi Nai.

Theo truyền thuyết, đây là một hòn đảo nổi, bên dưới có một con giao long nằm ẩn mình tu đã lâu đời. Mỗi khi giao long cựa mình, người ta thấy hòn đảo lay chuyển, khi thì như xê ra xa, khi thì như dịch vào bờ. Năm 1831, nhà Nguyễn cho xây dựng một pháo đài trên núi, vì thế ngọn núi này còn có tên gọi là Pháo Đài.

Ngày nay, trên núi có một tòa kiến trúc bề thế, đó chính là khách sạn Pháo Đài. Từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát cảnh biển và thị xã Hà Tiên. Dưới chân núi có một con đường, dân chúng quen gọi là đường Cầu Đá vì ngày xưa người ta đắp bằng đá để nối núi với đất liền cho tiện việc lưu thông. Người đời sau theo đó đắp thành đường đất - naytrải nhựa khang trang, nhưng tên gọi thì vẫn vậy. Hai bên đường ngày nay có phố, nhà cửa khá khang trang, vườn tược tươi tốt.

Năm 2003, người ta đã xây dựng cầu bê tông nối liền đôi bờ của cửa biển Hà Tiên, bộ mặt khu vực dưới chân núi Kim Dự, do đó cũng đã thay đổi rất nhiều.

Núi Đá Dựng

Núi có tên chữ là Châu Nham Sơn - một thắng cảnh đẹp, còn mang nét hoang sơ, thuộc xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Thuở đất này còn hoang sơ, cư dân Phù Nam cổ đã cư trú ở đây. Quân Xiêm và Chân Lạp thường sang đánh phá, cướp bóc nên nhiều người đem ngọc ngà, châu báu chôn giấu trong các hang động quanh vùng núi Đá Dựng. Khi Mạc Cửu đến khai mở đất Hà Tiên, vào cuối thế kỷ 17, thỉnh thoảng người dân nhặt được ngọc quý tại đây nên ông gọi là núi Châu Nham - nghĩa là Núi Ngọc.

Núi Đá Dựng như một tòa lâu đài đá vĩ đại, kiên cố với hàng trăm vọng pháo đài, hàng ngàn gác chuông thiên tạo. Nó cũng được coi là tác phẩm kỳ vĩ của thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Tiên thêm phần diễm lệ, với một vẻ đẹp cùng với những huyền thoại và truyền thuyết. Do đặc trưng cấu tạo, cấu trúc địa chất, cùng với sự xâm thực và tác động của thiên nhiên qua thời gian dài, nên trong lòng núi có rất nhiều hang động. Mỗi hang động mang nét bí ẩn, lạ lùng khác nhau: hang Dơi có thạch nhũ hình bầu hồ lô; hang Thần Kim Qui có khối đá xanh, dẹp hình con rùa; ở động Bồng Lai, không khí trong lành…

Ngoài những hang động kỳ vĩ chứa đựng nhiều bí ẩn, núi Đá Dựng còn có truyền thuyết ly kỳ về câu chuyện Thạch Sanh - Lý Thông, rất nổi tiếng trong dân gian. Hang Cội Hàng Gia ở sườn núi Đá Dựng được cho là nơi sinh sống của Thạch Sanh. Ở trước cửa động có nhiều phiến đá ghép mí, chồng khít lại với nhau tạo thành một mái vòm tự nhiên. Theo truyền thuyết, một buổi sáng xưa kia, từ nơi đây, Thạch Sanh đã giương cung bắn chim đại bàng yêu tinh đang cắp nàng công chúa bay ngang qua núi Đá Dựng…

Núi Thạch Động

Thạch Động nằm kề quốc lộ 17, cách thị xã Hà Tiên 3km.Đó là một tảng đá xanh khổng lồ cao 80m hình mũ lông của kỵ mã ngự lâm quân, mọc trơ trọi giữa một vùng toàn đất.

Thạch Động còn được gọi là Thạch Động Thôn Vân (động đá nuốt mây) vì động ở độ cao 50m. Vào lúc sáng tinh mơ, những tảng mây trắng xốp nhẹ như bông là là bay qua đỉnh động rồi bị cản. Mây dừng lại rồi từ từ tỏa quanh cửa động gây ấn tượng như miệng động đang nuốt mây.

Nhìn từ phía nam, những vồ đá gồ ghề của Thạch Động trông giống như mặt mũi của một vị tướng đội mũ lông nên người Pháp đặt tên là “Bonnet à Poil”. Thạch Động có cả đường xe hơi lên tới bậc thang vào động. Động khá rộng, những giọt nước mưa theo tháng năm xâm thực đá, len lách chảy xuống, hòa tan với chất vôi tạo thành những thạch nhũ rất độc đáo.

Đứng trước cửa động nhìn lên đỉnh Thạch Động trông giống một con đại bàng đang tung cánh rất oai phong. Xung quanh Thạch Động có những hòn đá nhô ra giống như đầu của chim đại bàng.

Phía trong động có cất một ngôi chùa thờ phật.Cửa Tây - Nam có điện Bà chúa xứ. Phía Đông, đứng ở vách đá nhìn lên có cửa hang thấu đến đỉnh nên khi ánh sáng mặt trời rọi xuống, người xưa gọi là đường lên trời. Trong hang động có một miệng hang, nhìn vào thăm thẳm không biết thông đến đâu. Tương truyền, có biết bao người hiếu kỳ đã xuống đó đều không trở lên được. Sau đó, có người lấy trái dừa khô khắc chữ lăn dấu ném xuống hang thì ít lâu sau phát hiện trái dừa đó trôi trên mặt biển. Điều đó có nghĩa là hang thông ra đến biển. Tuy nhiên, hiện miệng hang đã bị lấp để tránh tai nạn.

Theo Vân Nhi

Đất Việt

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20111012040713512p0c1023/dep-me-hon-ha-tien-thap-canh.htm