Đầu xuân ta lại “nện” nhau để... cầu may

Từ tục lệ, “cướp lễ” đã thành cướp giật, choảng nhau theo đúng nghĩa đen.

“Cướp” trong tục lệ xưa phải hiểu đúng hơn là thi thố, xem ai nhanh tay, nhanh trí hơn ai. Như chơi thể thao cũng vậy, người ta tranh quả bóng để ghi điểm, nhưng dù có biểu hiện như “cướp”, nhưng có luật chơi đàng hoàng, ai chơi xấu là bị phạt thật nặng (cố nhiên không xét đến yếu tố “tiêu cực” ở đây).

Trong nhiều lễ hội của Việt Nam cũng có tục “tranh” như vậy. Nhưng thay vì tính chất thi thố, đua tranh đã trở thành cướp giật, choảng nhau, thậm chí có cả trang bị đàng hoàng như bất kỳ một trận ẩu đả nào.

Cứ mùng 6 Tết hàng năm, nhiều người dân xứ Thanh lại rủ nhau tới bãi đất ven sông Hoàng để tham gia phiên chợ Chuộng cầu may cho năm mới. Phiên chợ này còn được biết đến với gọi chợ ném nhau bởi những người đến đây dù không quen biết nhưng đã gặp nhau là thực hiện màn chào hỏi bằng cà chua, táo, trứng thối… Theo quan niệm, ai càng bị ném nhiều thì lại càng gặp may mắn.

Tuy nhiên, những năm gần đây, phiên chợ “cầu may đổ rủi” này lại ngày càng biến tướng, không còn ném nhau cho vui mà biến thành những cuộc đánh nhau. Một số người lợi dụng phiên chợ để biến thành trận giải quyết ân oán cá nhân khiến có người mang thương tật. Du khách không còn vui khi đến khu đất ven sông này mà hoảng sợ khi chứng kiến cảnh nhóm thanh niên choảng nhau bằng gậy gộc, thậm chí còn có dao.

Cảnh hỗn loạn tại lễ hội đền Gióng - Ảnh: Việt báo

Tương tự, cũng trong mùng 6 Tết hàng năm ở Sóc Sơn, Hà Nội cũng là ngày diễn ra lễ hội đền Gióng và có màn “cướp” hoa tre để lấy may. Nhớ năm ngoái, chính phong tục này đã trở thành một cuộc “hỗn chiến” khi đoàn tùy tùng rước kiệu cùng người dân trở thành 2 phe đấm đá nhau. Rút kinh nghiệm năm trước, năm này không còn cảnh ẩu đá, bạo lực khi đã tăng cường thêm lực lượng an ninh. Thế nhưng, những màn chen lấn, xô đẩy, lao vào cướp hoa tre khiến không ít người cảm thấy rùng mình. Không còn sự trang nghiêm của một lễ hội mà thay vào đó là quang cảnh náo loạn, xô bồ như thể tranh cái ăn những năm đói kém, mất mùa thuở trước vậy.

GS Ngô Đức Thịnh,Thành viên Hội đồng Di sản Quốc gia, từng nhận định rằng: Đó là sự lợi dụng truyền thống để thỏa mãn lòng tham và cuồng vọng cá nhân, chứ không có chút gì là văn hóa. Rõ ràng, cái “cướp xưa” và “cướp nay” chẳng ăn nhập gì với nhau, từ thi thố đến một cuộc giành giật sống chết, đổ máu, may mắn chẳng rõ kiếm ở đâu ra. Điều đó hầu như ai cũng hiểu, chỉ một nhóm người còn chưa chịu hiểu, hoặc cố tình không hiểu.

Hải Băng

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/dau-xuan-ta-lai-%e2%80%9cnen%e2%80%9d-nhau-de-cau-may