Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802 - 1945: Gấm vóc Hoàng triều Nguyễn

SKĐS - Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802 - 1945 là cuốn sách khảo cứu thứ tư về thời Nguyễn của nhà nghiên cứu văn hóa - mỹ thuật cổ Việt Nam và sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn vừa ấn hành. Không chỉ là sống dậy một thuở gấm vóc lụa là hoàng triều, mà còn là một tư liệu quý và chuẩn xác về phẩm phục, triều phục cung đình triều Nguyễn cho các nhà nghiên cứu...

Bắt nguồn từ sự tiếc nuối khi bộ tranh “Đại lễ phục của triều đình An Nam” - Grande tenue de la Cour d’Annam của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, Ký lục Tòa Khâm sứ tại Kinh thành Huế, Biên tu Hàn lâm viện vẽ vào năm 1902 đã không thể “quy cố hương” Việt Nam vì nhiều lý do, nó đã thuộc nhà sưu tập bí mật qua một cuộc bán đấu giá ở Mỹ năm 2009. Nhưng một người Việt kiều Mỹ quá nặng lòng với di sản văn hóa Việt đã sao chép, chụp bộ tranh này qua đĩa CD và gửi tặng nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn. Không để cho một “báu vật” cung đình Huế triều Nguyễn bị quên lãng, Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802-1945, thông qua bộ tranh, với cái tâm của một nhà nghiên cứu, ông đã tìm lại sách sử để biên dịch một cách đầy đủ và chính xác, công phu, sắp xếp giới thiệu với công chúng thưởng ngoạn gấm vóc lụa là trong cung đình triều Nguyễn.

Sách được chia làm 3 phần:

Phần 1: Bản dịch Việt ngữ phần Mũ áo - Bộ Lễ trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 78, gồm các mục: Mũ áo Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng Thái hậu, Cung giai, Hoàng Thái tử, Hoàng tử, Hoàng thân, Tôn tước, Công chúa, Hoàng tôn, Công tử, Quan văn, Quan võ, phu nhân, phụ thân - mẫu thân quan viên, con trai thừa kế quan viên. Và nguyên tác Hán văn phần này.

Phần 2: Giới thiệu 54 bức tranh Đại lễ phục triều đình An Nam - Grande tenue de la Cour d’Annam của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân.

Phần 3: Một số bài viết và hình ảnh bổ sung thêm về triều phục, mũ, áo, trang sức... trong các nghi lễ, nghi thức ở cung đình triều Nguyễn.

Bản dịch Việt ngữ phần Mũ áo - Bộ lễ cung cấp tư liệu “văn bản” có thể nói là hoàn chỉnh nhất so với các bản dịch cũ vì đã có tư liệu (bộ tranh làm minh họa) với nhiều chi tiết về quy tắc, phép tắc, từ trang phục đến các đồ vật đi kèm như: hốt, kim khánh, kim bội, trâm cài...; Màu sắc, hình thêu, chất liệu... cho từng vị trí từ Thiên tử đến lính, nhạc công, người hầu... trong các nghi lễ của triều đình. Những hình ảnh minh họa được lấy từ bộ tranh truyền thần của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân gồm 54 bức, là những bức tranh được vẽ theo lối truyền thần nên rất sinh động và tỉ mỉ từng họa tiết trên trang phục, được ghi chú chi tiết phẩm phục, triều phục của toàn bộ thành viên trong hoàng tộc và cung đình, bao gồm: Hình ảnh của hoàng gia gồm đủ các chức tước, các vị trí trong hoàng tộc (từ thiên tử đến các tôn thất); Hình ảnh quan lại (từ quan nhất phẩm đến cửu phẩm), đủ cả văn võ, đủ cả chánh phẩm và tòng phẩm với phẩm phục bao gồm cả thường triều (mặc đi làm việc) và đại triều (mặc vào lạy vua); Đặc biệt là hình ảnh sắc phục các loại lính (cận vệ, nấu ăn, lính hầu trà, lính lễ thanh minh, bảo vệ, các đội kinh tượng, chiến mã, lính khiêng kiệu...), sắc phục có đủ trong những lúc bình thường và khi làm lễ. Có thể thấy một cách hoàn chỉnh toàn bộ phẩm phục, triều phục hoàng cung trong Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802 - 1945.

Sách thật sự là một công trình nghiên cứu và sưu tầm giá trị, phục vụ công tác nghiên cứu, tái hiện lịch sử Việt Nam thời Nguyễn, phục vụ cho cả các ngành khác không chỉ về mỹ thuật, mà nó còn cung cấp cho các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà làm phim điện ảnh - sân khấu - thời trang, các lễ hội phục dựng nghi thức cổ tư liệu chính xác về trang phục Hoàng triều thời Nguyễn. Ngoài ra, từ đây, các nhà nghiên cứu về làng nghề thủ công trong văn hóa dân gian cũng có thể tìm ra những bí ẩn sau những nếp vải, đường thêu để khám phá và vực dậy những làng nghề dệt, nghề thêu, nghề may chuyên phục vụ cho Hoàng cung.

Nhà nghiên cứu văn hóa - mỹ thuật cổ Việt Nam, Trần Đình Sơn - tác giả cuốn khảo cứu cũng chia sẻ nguyện vọng: “Tôi hy vọng qua tác phẩm Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802-1945 sẽ có tác động đến giới nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, giới điện ảnh - sân khấu, giới thời trang... để họ có tài liệu căn bản phục chế và ứng dụng trong các hoạt động chuyên môn của mình giúp cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa mỹ thuật truyền thống đạt được hiệu quả tốt đẹp nhất”.

Minh Châu

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/van-hoa-the-thao/dai-le-phuc-viet-nam-thoi-nguyen-1802-1945-gam-voc-hoang-trieu-nguyen-20140309050507977.htm