Dã man clip giết, uống máu 3 con chó và những cú share vô trách nhiệm trên mạng xã hội

Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao với đoạn clip về một thanh niên liên tục giết chết và uống máu của ba con chó. Sau khi đăng tải vài tiếng đồng hồ, đoạn clip nhận được gần 200.000 lượt xem và gần 10.000 lượt chia sẻ. Đến nay, đoạn clip đã nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem và hàng chục ngàn bình luận thể hiện sự phẫn nộ từ cư dân mạng.

Đây là đoạn clip kinh dị và rùng rợn gây nên sự hoang mang và bất an cho nhiều người. Hàng ngàn bình luận thể hiện thái độ rùng rợn, tởm lợm, kinh hoàng, buồn nôn, ám ảnh... Có người còn nói con gái họ khóc thét khi xem chưa hết clip. Một trang báo Thái Lan cho rằng "Tất cả người xem đều không thể chịu đựng nổi cảnh này”.

Vậy, tại sao một clip mà người xem “không thể chịu đựng nổi” lại có tốc độ chia sẻ và lan truyền với tốc độ chóng mặt như vậy?

Chúng ta đều biết, chứng kiến cảnh bạo lực là điều gây tác hại rất lớn đối với không chỉ trẻ em mà cả người lớn. Vì thế nên chúng ta thường thấy những dòng cảnh báo của những bộ phim hành động trên các kênh chiếu phim: Phim có cảnh bạo lực, khán giả cân nhắc khi xem (đó là phim). Chúng ta luôn biết có nhiều ông bố bà mẹ sẵn sàng làm tất cả miễn là tránh cho con mình chứng kiến một cảnh bạo lực.

Vậy vì sao, một cảnh tượng mà “tất cả người xem không thể chịu đựng nổi” lại được share và lan truyền với tốc độ chóng mặt như vậy. Có người còn cho phép con gái mình xem nữa. Phải chăng, ngoài sự hiếu kỳ ra, người share còn muốn người khác phải nếm trải cảm giác kinh khủng giống như mình?

Thử đặt một giả thiết, nếu thanh niên thực hiện hành động này là vì trả thù (con chó). Nếu anh ta không từng nghĩ đến YouTube, không từng nghĩ đến clip sẽ “bùng nổ” trên mạng xã hội, anh ta sẽ chỉ thực hiện hành động một mình âm thầm trong một góc nhà hoang nào đó. Liệu anh ta có đủ sức biểu diễn các màn lần lượt như một diễn viên đóng phim kinh dị như thế hay không?

Tôi e là không bởi anh ta không có khán giả. Hoặc thậm chí anh ta có thực hiện cũng không gây ảnh hưởng xấu như hiện tại. Một tên tự xưng là “Đéo Thích sống”, một tên thần kinh có chút vấn đề (như lời hàng xóm), thực hiện hành động man rợ điên rồ lại được cả cộng đồng “quan tâm”.

TS Huỳnh Văn Sơn (Trưởng Khoa Tâm lý học - Trường ĐHSP TP.HCM) cho rằng: “... Có những cá nhân thích thể hiện mình và việc dựng clip gắn liền với hành động này minh chứng cho sự anh dũng, sự độc đáo hay sự bản lĩnh theo nghĩa ngây ngô, giản đơn mà người ấy nghĩ. Đặc biệt với trào lưu nhiều like, thích chửi, thích công kích, thích lôi kéo... thì hành vi này thực hiện như một sự hy sinh miễn sao đắc thắng...”. Nếu có thể là như vậy, thì biết đâu, càng chia sẻ nhiều, càng gây “sốt”, có thể là một sự tiếp tay chăng?

Kẻ giết chó đã bị dư luận phê phán. Nhưng clip về hành động rùng rợn của hắn ta làm sao xóa được trong tâm trí nhiều người. Những ám ảnh mà nó mang lại cho người xem là không thể đo đếm được. Hậu quả của việc chia sẻ thật khó lường. Nếu mỗi chúng ta, ban đầu có thể do hiếu kỳ mà nhấp lạc vào clip kinh khủng.

Thay vì share và giúp nó lan truyền đến chóng mặt, bạn hãy nhấp chuột vào nút báo cáo nội dung không phù hợp và giải thích lý do thuyết phục về tác hại của video đến YouTube. Khi bắt gặp một tin xấu, gây sốc, bạn nghĩ ngay đến việc share. Hãy tạm dừng lại để trả lời tiếp câu hỏi: việc share nhằm đạt đến mục đích gì?

Điều này đem lại lợi ích không? Giữa lợi ích và thiệt hại bên nào nhiều hơn để cân nhắc. Nếu tin xấu gây ra tâm trạng xấu cho bạn, hãy cố gắng đừng share. Những hành động kiểu này sẽ không có đất sống, nếu cộng đồng thể hiện thái độ im lặng, tẩy chay – bất hợp tác và cho nó rơi vào vùng quên lãng không ai hay biết.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc-viet/da-man-clip-giet-uong-mau-3-con-cho-va-nhung-cu-share-vo-trach-nhiem-tren-mang-xa-hoi-370890.bld