Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước

Ngày 28/8, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Hội thảo nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công nhân lao động (CNLĐ) khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Hoàng Ngọc Thanh chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hoàng Ngọc Thanh khẳng định: Những năm gần đây, khu công nghiệp, khu chế xuất ngày càng phát triển. Sự gia tăng của các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã thu hút hàng vạn công nhân lao động làm việc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, do lực lượng công nhân lao động chủ yếu xuất thân từ nông thôn, trình độ học vấn thấp, đa số mới tốt nghiệp trung học cơ sở, thậm chí có công nhân lao động có trình độ tiểu học, nhận thức về pháp luật chưa cao nên chưa tự bảo vệ được mình khi quyền lợi hợp pháp, chính đáng bị chủ sử dụng lao động xâm hại. Đánh giá đúng tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ khu vực kinh tế ngoài nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2009-2012. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao chủ trì thực hiện nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật Công đoàn và các quy định pháp luật có liên quan cho người lao động tại các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó đi sâu vào các nội dung tuyên truyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, hoạt động tư vấn pháp luật...; đồng thời cho ý kiến vào việc xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công nhân lao động trong khu vực trên. Theo đồng chí Bùi Minh Tuấn, LĐLĐ tỉnh Hưng Yên, trong tình hình hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chăm lo và bảo vệ quyền lợi của công nhân lao động, đặc biệt đối với công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hoạt động tuyên truyền, phố biến pháp luật sẽ giúp công nhân lao động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nội quy kỷ luật lao động. Công nhân nắm được pháp luật mới bảo vệ được quyền lợi của mình theo quy định của luật pháp; góp phần tham gia xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp... Để làm tốt công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật cho công nhân, lao động, theo các đại biểu, cần không ngừng kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tuyên truyền phố biến pháp luật từ Trung ương đến địa phương, từ các cơ quan Nhà nước, tổ chức Công đoàn đến người lao động. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cáo kiến thức pháp luật, kỹ ănng nghiệp vụ tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và những người làm công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và cho cán bộ công đoàn cơ sở nói riêng. Cần nâng cao năng lực đại diện của Công đoàn cơ sở thông qua việc xem xét điều chỉnh cơ cấu, thành phần tham gia Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp... Các đại biểu cũng khẳng định rằng, để công tác tuyên truyền thật sự mang lại hiệu quả như mong muốn thì các hình thức tuyên truyền cần được đa dạng hóa, trong đó tập trung vào một số hình thức đơn giản nhưng hiệu quả cao như tuyên truyền miệng, sân khấu hóa, các cuộc thi tìm hiểu và đối thoại trực tiếp. Việc biên soạn tài liệu cho công đoàn cơ sở và người lao động phải thật ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ; thể hiện được những nội dung người lao động quan tâm; giúp người lao động nắm được những nội dung cơ bản về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ trước khi ký giao kết hợp đồng lao động. Ngoài ra nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, luật ban hành phải đi đôi với chế tài xử lý, xử lý nghiêm người vi phạm. Nhà nước cần giành một khoản kinh phí để hỗ trợ hệ thống tổ chức Công đoàn các cấp làm công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến công nhân lao động…

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=357750&co_id=30081