DNA giúp cảnh sát phá án

Người ta có thể lấy DNA từ rất nhiều thứ mà hung thủ để lại tại hiện trường như mẩu thuốc lá, quần, áo, vết cắn, hung khí, cốc, máu...

DNA hay deoxyribonucleic acid, là nguyên liệu di truyền ở con người và phần lớn cơ thể sống. Mỗi tế bào người chứa cùng một lượng DNA. Phần lớn DNA nằm trong nhân (DNA nhân) và một lượng nhỏ DNA nằm trong ti thể (DNA ti thể). DNA là thứ đặc trưng riêng của mỗi người và không thay đổi trong suốt cuộc đời. Chúng tồn tại trong mọi tế bào, đơn vị cấu tạo cơ bản của sự sống.

DNA ở hiện trường vụ án

Do DNA phân bố khắp cơ thể người, mọi dạng vật chất mà con người để lại hiện trường có thể trở thành bằng chứng. Một số dạng vật chất chứa DNA bao gồm máu, nước bọt, mồ hôi, tinh trùng, răng, tóc, móng, lông, nước nhầy.

Chuyên gia điều tra thu thập mẫu DNA từ con dao tại hiện trường một vụ án. Ảnh: rsc.org

Nhân viên điều tra có thể tìm DNA tại mọi nơi ở hiện trường vụ án. Một lượng nhỏ tế bào người cũng có thể trở thành chứng cứ và giúp các nhà điều tra phá án. Người ta có thể lấy DNA từ rất nhiều thứ mà hung thủ để lại hiện trường như mẩu thuốc lá, quần, áo, vết cắn, hung khí, cốc, máu, mô.

Cách thức thu nhập DNA

Nếu không tuân thủ những quy định nghiêm ngặt, điều tra viên có thể vô tình phá hủy chứng cứ DNA trong quá trình thu thập, bảo quản. Chẳng hạn, DNA có thể hỏng nếu bạn để nó lẫn với DNA của người khác.

Mọi vật ở hiện trường đều có thể cung cấp chứng cứ DNA cho các nhà điều tra. Ảnh: chron.com

Điều tra viên phải tuân thủ vài nguyên tắc khi thu thập chứng cứ DNA - như đeo khẩu trang, không ho hay hắt hơi trong quá trình thu thập, không để mẫu vật tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng và môi trường ấm, bảo quản chứng cứ bằng túi giấy hoặc phong bì, bảo quản chứng cứ ở nhiệt độ phòng. Người ta không dùng túi nylon để đựng mẫu vật, vì chúng giữ lại hơi nước - loại vật chất có thể phá hủy DNA.

Phá án dựa vào DNA

Thông thường, DNA có thể giúp các nhà điều tra phá án theo hai cách. Trong trường hợp họ đã xác định được nghi phạm, họ sẽ so sánh DNA ở hiện trường với DNA từ cơ thể nghi phạm. Kết quả đối chiếu sẽ cho phép họ kết luận nghi phạm là người gây án hay không. Nếu điều tra viên chưa thể xác định nghi phạm, họ sẽ phân tích những mẫu vật chứa DNA tại hiện trường rồi đối chiếu với kho dữ liệu DNA để xác định thủ phạm. Nhờ kho dữ liệu DNA, người ta còn có thể liên kết nhiều hiện trường vụ án với nhau để mở rộng manh mối.

Dùng DNA để ngăn ngừa hành vi phạm tội

Chẳng hạn, tòa án kết tội một gã đàn ông tấn công tình dục một phụ nữ. Vào thời điểm tòa xét xử, chuyên viên kỹ thuật lấy mẫu DNA của bị cáo để phân tích rồi đưa kết quả vào kho dữ liệu. Vài năm sau, một vụ hiếp dâm lại xảy ra. Cảnh sát lấy nước bọt của hung thủ trên cơ thể nạn nhân rồi phân tích DNA. Khi đối chiếu kết quả với kho dữ liệu DNA, cảnh sát lại phát hiện hung thủ chính là gã đàn ông mà họ từng bắt. Họ lại bắt hắn và đưa ra tòa lần thứ hai.

Quá trình sử dụng DNA để điều tra, xét xử

Ban đầu người ta phát triển kỹ thuật xét nghiệm DNA để xác định cha, mẹ của công dân. DNA xuất hiện trong tòa án lần đầu tiên vào năm 1986, khi cảnh sát Anh yêu cầu nhà sinh học phân tử Alec Jeffreys, người nghiên cứu việc sử dụng DNA để phục vụ công tác pháp y, dựa vào DNA để kiểm chứng lời nhận tội của một thiếu niên 17 tuổi trong hai vụ hiếp dâm – giết người tại Anh. Kết quả phân tích DNA cho thấy nghi phạm không gây án và hung thủ thực sự là kẻ khác. Cảnh sát đã bắt hung thủ cũng nhờ kỹ thuật phân tích DNA, tạp chí Forensic đưa tin.

Việc kết án dựa vào DNA diễn ra lần đầu tại Mỹ vào năm 1987, khi một tòa án ở hạt Orange, bang Florida, Mỹ xét xử Tommy Lee Andrews về tội hiếp dâm. Kết quả thử DNA từ tinh trùng trên một cơ thể nạn nhân và máu của Andrews cho thấy anh ta là hung thủ. Hai năm sau, một tòa án cấp bang ở Virginia, Mỹ lần đầu tiên kết án dựa trên kết quả xét nghiệm DNA.

Sau những phiên tòa dựa vào DNA, dư luận không tranh cãi nhiều về việc sử dụng kỹ thuật đó trong quá trình xử án. Việc sử dụng kỹ thuật phân tích DNA trở nên phổ biến hơn khi các công tố viên bắt đầu áp dụng nó. Các luật sư biện hộ cũng dùng DNA để bảo vệ thân chủ của họ.

Giới quan tòa, luật sư và công tố viên sử dụng hai chuẩn đối với kỹ thuật DNA: Chuẩn Frye và chuẩn Daubert. Chuẩn Frye bắt nguồn từ một vụ án vào năm 1923. Khi đó một tòa án phán quyết rằng, để DNA có thể trở thành chứng cứ, nó phải được công nhận rộng rãi trong lĩnh vực liên quan tới vụ án.

Ngược lại, chuẩn Daubert mới chỉ xuất hiện từ năm 1993, trong một vụ án liên quan tới tập đoàn dược phẩm Merrell Dow. Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố bằng chứng DNA phải đáng tin cậy trên phương diện khoa học, đồng thời yêu cầu bên sử dụng DNA phải chứng minh “kiến thức khoa học liên quan” tới chứng cứ.

Thu Trang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dna-giup-canh-sat-pha-an-post624658.html