ĐH Tài chính- Ngân hàng Hà Nội đã sẵn sàng TS 2011-2012

(GD&TĐ) - Ngày 21/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 2336/QĐ- TTg về việc thành lập trường ĐH Tài chính- Ngân hàng Hà Nội và có thể được phép tuyển sinh từ năm 2011 - 2012. Đây là một tin vui cho các thí sinh có ý định dự thi trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng. Bởi lĩnh vực này đang có nhu cầu cần được đào tạo rất lớn nhưng các trường ĐH hiện tại chưa đáp ứng kịp. Nhân dịp này, Báo GD& TĐ có cuộc trao đổi với ông Bùi Xuân Biên - Chủ tịch hội đồng Quản trị Trường.

ĐH Tài chính- Ngân hàng Hà Nội đã sẵn sàng TS 2011-2012 PV: Được biết ông đã từng làm việc tại một số nước thuộc khu vực Châu, Âu, Phi… công việc rất tốt nhưng lý do gì khiến ông quay trở lại Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực GD đại học và lại là chuyên ngành Tài chính- Ngân hàng, thưa ông? Bùi Xuân Biên - Chủ tịch hội đồng Quản trị Trường Ông Bùi Xuân Biên: Các đây 15 năm, khi còn đang làm việc tại các nước, tôi đã có ý định trở về nước cùng với bạn của tôi và một số bạn bè là giảng viên của các trường đại học để đầu tư và mở một trường ĐH. Tuy vậy, phải đến năm 2007, người bạn của tôi (đang công tác tại Học viện Tài chính) nói với tôi là hãy tái sinh Trường Đại học Tài chính- Kế toán Hà Nội và ý tưởng đó bắt đầu được thực hiện. Và giờ đây ước mơ ấy đã trở thành hiện thực. Việc mong muốn xây dựng trường ĐH chuyên đào tạo trong lĩnh vực Tài chính- Ngân hàng cũng có lý do của nó mà bản thân tôi và các thành viên sáng lập cũng trăn trở từ rất lâu. Từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế Quốc tế những năm gần đây và trong những năm tiếp theo, thị trường Tài chính Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng chiến lược về đầu tư, tăng hiệu quả sử dụng vốn và tăng cường cung ứng các dịch vụ tài chính hữu ích cho nền kinh tế quốc dân chuyển dịch theo hướng CNH- HĐH. Đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng sẽ đóng vai trò trụ cột trong quá trình phát triển bền vững thị trường Tài chính và đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Theo khảo sát của các cơ quan chức năng hiện nay ngành Tài chính - Ngân hàng đang thiếu khoảng 30.000 nhân lực có chuyên môn cao và con số sẽ tăng lên theo nhu cầu trong những năm tiếp theo. Lấy ví dụ: VPBank, năm 2002 chỉ có 200 nhân viên, đến cuối năm 2008 con số này đã tăng gấp 10 lần. Bình quân mỗi năm trong lĩnh vực Ngân hàng phải tuyển thêm 300 nhân viên. Trong khi đó hệ thống TC- NH nước ta có hơn 183 đơn vị, mỗi tổ chức có hàng trăm chi nhánh phủ khắp đất nước và đã có sự thâm nhập thị trường nước ngoài như; Lào, Campuchia... Điều đó cho thấy nhân lực trong lĩnh vực này rất thiếu và sẽ là thiếu trầm trọng trong những năm tiếp theo. Nếu chúng ta không có chủ trương đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này thì sẽ bị khủng hoảng và tụt hậu. Chưa kể thị trường tài chính cũng mở ra nhiều lĩnh vực cần nguồn nhân lực như: thị trường chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, thẩm định giá, kiểm toán, thuế, tài chính công, tài chính doanh nghiệp, kế toán doanh nghiệp… Do vậy, việc trở về nước và đầu tư vào lĩnh vực trên cũng là thể hiện sự đầu tư đúng hướng và góp một phần nhỏ bé công sức, trí tuệ của mình đối với sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và trong lĩnh vực phát triển sự nghiệp GD- ĐT nói riêng. PV: Vậy nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện gì để đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học, mô hình hoạt động của trường sẽ phát triển theo hướng nào thưa ông? Ông Bùi Xuân Biên: Sau khi có chủ trương thành lập trường ĐH tài chính- Ngân hàng Hà Nội, Hội đồng sáng lập đã khẩn trương đề nghị UBND thành phố Hà Nội công nhận BQL dự án trường, đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận và bàn giao địa điểm xây dựng trường tại địa bàn huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội với diện tích 109.562M2. Hiện tại dự án đã bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng xong. Dự kiến đầu tư xây dựng sẽ bắt đầu vào năm 2011 và đến năm 2015, trường sẽ đi vào hoạt động tại cơ sở chính này. Đây là quá trình đầu tư lâu dài, bền vững với những giảng đường, trung tâm thông tin thư viện, KTX sinh viên hiện đại theo mô hình của các nước tiên tiến. Đến năm 2020 quy mô đào tạo có thể đáp ứng được trên 10.000 SV cho các hệ học. Bên cạnh việc chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mang tính lâu dài, trong thời gian đầu hiện tại nhà trường đã có 12.000m2 tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội được tiếp nhận của một đơn vị thành viên, có 12 giảng đường, 25 phòng làm việc, đã được sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, cùng các công trình phụ trợ đảm bảo cho đào tạo và nghiên cứu khoa học 3700 SV hệ chính quy trong 5 năm học đầu tiên, đảm bảo an toàn cho người làm và người học. Về đội ngũ giảng viên, đến nay nhà trường đã ký cam kết giảng dạy. Đội ngũ giảng viên cơ hữu có 45 cán bộ giảng viên; Trong đó 8 Giáo sư, Phó giáo sư, 15 Tiến sỹ, 2 giảng viên cao cấp, 11 Thạc sỹ và 9 Cử nhân giảng viên chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng, Bảo hiểm. Ngoài ra, có hơn 20 cán bộ các phòng ban nghiệp vụ phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng cũng đã có cam kết hợp tác giảng dạy lâu dài cho trường. Về cơ bản, đội ngũ đã đủ về số lượng và có chất lượng. Đó là những GS, PGS, Tiến sĩ đầu ngành, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy về Tài chính - Ngân hàng. Qua quy trình kiểm định hồ sơ thành lập trường rất chặt chẽ của Bộ, Ngành đã được đánh giá rất cao chất lượng đội ngũ của nhà trường. Để làm được điều đó, Hội đồng sáng lập trường đã có những chiến lược thu hút và các chính sách đãi ngộ cụ thể để qua đó họ có tâm huyết và tin tưởng cống hiến công sức, trí tuệ cho sự phát triển đi lên của nhà trường trong thời gian tới. Cũng chính vì các điều kiện cần và đủ đó, Hội đồng sáng lập nhà trường cam kết, đồng lòng xây dựng trường ĐH Tài chính- Ngân hàng là trường có chất lượng cao vì lợi ích cộng đồng xã hội và hướng tới chương trình đào tạo tiên tiến, SV sẽ được học tập và nghiên cứu trong một môi trường đào tạo và nghiên cứu khoa học tốt nhất. PV: Đầu tư trong lĩnh vực GD, nhất là đầu tư cho một trường ĐH có số vốn rất lớn và mang tính lâu dài. Trong khi đó với mục tiêu và cam kết ngay từ đầu ngày thành lập là xây dựng trường có chất lượng cao trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Vậy theo ông, cơ sở nào đảm bảo cho mục tiêu đó? Ông Bùi Xuân Biên: Là một trường tư thục nên ngay từ khi có ý tưởng thành lập nhiều người sẽ nghĩ đến mô hình hoạt động theo hướng lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Tuy nhiên GD- ĐT là lĩnh vực hoạt động mang tính lợi ích công, nên chúng tôi không thể quá xem nặng vấn đề lợi nhuận. Uy tín của một trường ĐH nằm ở chất lượng và công nghệ đào tạo. Do vậy, dù điều kiện nhà trường có thể đào tạo ngay được 1000 SV trong những năm đầu tiên nhưng chỉ xin chỉ tiêu 500SV và có lộ trình phù hợp trong việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh từng năm tiếp theo. Nhà trường cũng xác định trong 5 năm tới cũng chỉ dừng lại ở con số 1000 chỉ tiêu trong tổng quy mô 3700 SV. Trong thời gian 5 năm đầu, trường cũng chỉ tập trung vào đào tạo 3 ngành, đó là: Tài chính- Ngân hàng; kế toán- Kiểm toán; Kinh doanh- Quản trị. Đến năm thứ sáu trường tiếp tục xin mở thêm một số mã ngành khác như; Tiếng nước ngoài chuyên ngành, Tin học chuyên ngành… Nhà trường cũng áp dụng học chế tín chỉ trong đào tạo. Ngoài quy mô đào tạo trên, trường có chiến lược ngày từ đầu là hợp tác sâu rộng với các trường ĐH trong và ngoài nước (chỉ ưu tiên liên kết với các trường ĐH ở các nước phát triển) để mở rộng phương thức đào tạo: du học tại chỗ, đào tạo liên thông quốc tế 1+3 hoặc 2+ 2/ Quy mô dự kiến loại hình này cũng chỉ dừng lại ở con số 100 SV/năm. Đào tạo ít nhưng có chất lượng cao là chiến lược của nhà trường. Chỉ có tập trung vào chất lượng thì nhà trường mới tạo dựng được uy tín trong điều kiện “sinh sau đẻ muộn”. Tôn chỉ của chúng tôi theo đuổi là xây dựng một đại học hướng đến cộng đồng, vì lợi ích đích thực của người học và được xã hội trả công xứng đáng. PV: Với số lượng tuyển sinh hàng năm rất ít (khoảng 500 SV). Như vậy, đối tượng, thực lực học tập của thí sinh như thế nào có thể dự thi và có khả năng cao để đạt điểm đầu vào? Ông Bùi Xuân Biên: Về trình độ đào tạo, trường sẽ tập trung đào tạo ở cấp trình độ như: Trình độ cán sự/công nhân lành nghề gồm các hệ nghề từ Cao đẳng đến Đại học. Hệ này chỉ mở theo đơn đặt hàng và nhu cầu xã hội. Ví dụ các chuyên ngành: Tài chính doanh nghiệp, Kế toán doanh nghiệp, Kiểm toán, Tín dụng và thanh toán qua Ngân hàng…trình độ cử nhân gồm ĐH và CĐ. Trình độ trên ĐH gồm thạc sĩ, tiến sĩ (khi có đủ điều kiện). Do vậy có nhiều đối tượng thí sinh có thể dự thi và có khả năng được vào học. Đối với hệ ĐH và Cao đẳng, vì chỉ tiêu tuyển sinh ít nên đối tượng thí sinh phải có học lực trung bình đến trung bình khá trở lên là có thể đăng ký dự thi. PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Chúc nhà trường thành công như mục tiêu đã đặt ra. Thanh An (thực hiện) ,

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2741/201012/DH-Tai-chinh-Ngan-hang-Ha-Noi-da-san-sang-TS-20112012-1938960/