Công tác xây dựng gia đình của các cấp Hội phụ nữ trong giai đoạn hiện nay: Vươn tới bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc

GiadinhNet - Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam.

Công tác xây dựng gia đình của các cấp Hội phụ nữ trong giai đoạn hiện nay:
Vươn tới bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc

Với sự tăng trưởng về kinh tế, sự phát triển về văn hóa, thông tin, sự giao lưu ngày càng mở rộng của đất nước, gia đình Việt Nam đang được thụ hưởng các thành quả của sự phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của con người, của các gia đình ngày càng được cải thiện; những giá trị nhân văn mới của gia đình cũng được tiếp thu, xây dựng và phát triển.

Vì thế vai trò, vị trí của gia đình đối với con người và sự phát triển của đất nước đặc biệt được coi trọng. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam.

Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc

Nghị quyết Đại hội Đảng XI đã chỉ rõ “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” 1 .

Là tổ chức đại diện cho các tầng lớp phụ nữ, có chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nòng cốt của mình trong công tác gia đình và đã chủ động, tích cực chỉ đạo, triển khai các hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm“Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” do Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ X đề ra

Với phương châm tác động vào đơn vị gia đình thông qua đối tượng trực tiếp là phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã triển khai nhiều hoạt động tập trung vào tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ thực hiện vai trò quan trọng của mình trong xây dựng gia đình theo các tiêu chí “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Thông qua phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các chương trình tài chính vi mô và các tổ/nhóm phụ nữ tiết kiệm; phối hợp với ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hàng năm các cấp Hội đã đứng ra tín chấp để hỗ trợ vốn và hướng dẫn kiến thức sản xuất cho hàng triệu phụ nữ, giúp phụ nữ tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo” liên tục được tổ chức hàng năm đã giúp hàng trăm ngàn gia đình phụ nữ nghèo thoát nghèo, có mái ấm, an cư lạc nghiệp.

Với các hoạt động thiết thực này các cấp Hội đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo, các gia đình nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình bền vững.

Nâng cao nhận thức bình đẳng giới

Thông qua các chi/tổ Hội, các nhóm phụ nữ được tập hợp dưới các hình thức, mô hình câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Không sinh con thứ 3”, “Gia đình không có trẻ suy dinh dưỡng”, “Gia đình không có bạo lực”, các cấp Hội thường xuyên truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ và các gia đình, cộng đồng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện dân số/kế hoạch hóa gia đình, thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con, phòng chống tệ nạn xã hội...; tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình, trách nhiệm của phụ nữ, nam giới và các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; phổ biến và vận động phụ nữ cùng các thành viên gia đình thực hiện pháp luật chính sách về hôn nhân gia đình; giữ gìn, phát huy các phẩm chất tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Đặc biệt, với cuộc vận động “Xây dựng gia đình hạnh phúc 5 không 3 sạch” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không sinh con thứ 3 trở lên, không có bạo lực gia đình, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp); đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” được phát động và triển khai trong toàn quốc với các nội dung cụ thể đã thực sự giúp cho hàng triệu phụ nữ nâng cao nhận thức, hiểu biết về trách nhiệm người vợ, người mẹ trong gia đình, thực hiện tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi, dạy con tốt, hạn chế tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, giữ gìn trật tự an ninh xã hội; cuộc vận động ủng hộ xây dựng “Mái ấm tình thương” qua 3 năm phát động đã vận động ủng hộ được trên 185 tỷ đồng. Số tiền này đã được các cấp Hội phụ nữ triển khai xây dựng 11.782 nhà, hỗ trợ sửa chữa được 2.939 nhà cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có được niềm vui, hạnh phúc được sống trong mái ấm, ổn định cuộc sống.

Các hoạt động xây dựng gia đình luôn được gắn kết thực hiện với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” làm cho công tác hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình của Hội ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả.

Đẩy mạnh phòng chống bạo lực gia đình

Gia đình Việt Nam hiện nay đang chịu tác động và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: một số giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam bị mai một; mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình thiếu chặt chẽ, tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử, không đăng ký kết hôn, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, xuất hiện ngày càng nhiều; tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra; tình trạng buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp; tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới không giảm...” 2 ; bạo lực gia đình còn là nỗi lo của các gia đình; phân hóa giàu-nghèo giữa các gia đình ngày càng tăng…đã tác động, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động xây dựng gia đình của tổ chức Hội phụ nữ.

Bên cạnh những nỗ lực và kết quả nêu trên, công tác gia đình của Hội còn một số hạn chế, khó khăn: Tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ xây dựng mô hình gia đình chưa phát triển đồng đều, rộng khắp, nhất là tại các vùng miền núi, dân tộc.

Giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình chưa mạnh; Cán bộ Hội các cấp còn ít được đào tạo và chưa cập nhật thường xuyên các kiến thức và kỹ năng tư vấn về các lĩnh vực hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe…; kinh phí cho công tác gia đình còn hạn chế.

Trình độ văn hóa và nhận thức của phụ nữ nông thôn, vùng sâu xa còn thấp, nhiều phụ nữ còn mù chữ, một số nơi phong tục tập quán lạc hậu còn tồn tại nên ảnh hưởng đến điều kiện tiếp cận với thông tin. Điều kiện kinh tế gia đình, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các thành viên trong gia đình.

Trước những khó khăn, thách thức của gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; từ kết quả cũng như những hạn chế, khó khăn trong công tác xây dựng gia đình; trước thềm Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục đề cao nhiệm vụ xây dựng gia đình; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.

Một số hoạt động cụ thể Hội LHPNVNtập trung thực hiện

trong thời gian tới

Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng liên quan đến xây dựng gia đình trong các cấp Hội, hội viên, phụ nữ thông qua tổ chức các hoạt động truyền thông cộng đồng, tập huấn, xây dựng mô hình, nêu gương điển hình…tạo điều kiện và phát huy vai trò tham gia của các cấp Hội, của phụ nữ trong xây dựng gia đình;
Tăng cường tuyên tuyền, giáo dục, phổ biến luật pháp, chính sách liên quan đến gia đình;
Nghiên cứu thực tiễn, tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ thực hiện các chức năng của gia đình, bình đẳng giới trong gia đình phù hợp từng giai đoạn phát triển đất nước.

Thứ hai, tiếp tục phát động phụ nữ cả nước thực hiện cuộc vận động "Xây dựng Gia đình 5 không 3 sạch", coi đây là đột phá nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên, phụ nữ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng gia đình.

Chỉ đạo các cấp Hội lựa chọn nội dung phù hợp với nhu cầu thực tế để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể từng bước, đảm bảo tính hiệu quả; quán triệt mục đích, ý nghĩa, nội dung, tiêu chí Cuộc vận động đến hội viên, phụ nữ; hướng dẫn các chi/tổ hội rà soát gia đình hội viên, phụ nữ nắm bắt tình hình những gia đình có nguy cơ cao về đói nghèo, vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, sinh con thứ ba trở lên, gia đình có con bỏ học giữa chừng... để có kế hoạch vận động, giúp đỡ cụ thể.
Tổ chức cho chị em đăng ký thực hiện các tiêu chí Cuộc vận động gắn phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Triển khai thực hiện tốt đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”; Phối hợp với ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh các gia đình tiêu biểu, các gương điển hình trong xây dựng gia đình hạnh phúc vào dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hàng năm.

Thứ ba, chỉ đạo xây dựng và tổ chức hoạt động các mô hình hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc nhưmô hình Nhóm phụ nữ tín dụng, tiết kiệm lồng ghép với dân số/ sức khỏe sinh sản; Nhóm nhỏ các cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình;

Mô hình lồng ghép truyền thông dân số/ sức khỏe sinh sản với tăng thu nhập; Mô hình kết nối mẹ con gắn với chăm sóc sức khỏe sinh sản; Mô hình gia đình không có trẻ em suy dinh dưỡng; Câu lạc bộ kiến thức mẹ sức khỏe con; Câu lạc bộ các bà mẹ trẻ; Tổ phụ nữ không có người sinh con thứ ba.

Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, phát hiện những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp khắc phục kịp thời; Tiến hành tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình để nhân ra diện.

Thứ tư, tiếp tục tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, chú trọngcác gia đình phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với các hình thức hỗ trợ: giúp nhau ngày công, con giống, cho vay vốn, tạo việc làm, xây dựng Quỹ cho phụ nữ nghèo, phát động cuộc vận động "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Thứ năm, chú trọng các hoạt động trong lĩnh vực quan hệ hôn nhân gia đình, trong đó có hôn nhân có yếu tố nước ngoài nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, nhân phẩm của phụ nữ.

Duy trì và phát triển “Mô hình tổ hòa giải” giúp tháo gỡ, giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng trong gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống buôn bán phụ nữ, ngăn ngừa tệ nạn xã hội và phạm tội xâm nhập gia đình.

Xúc tiến thành lập Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân - gia đình trong hệ thống Hội, tổ chức tốt hoạt động tư vấn cho phụ nữ và cộng đồng về gia đình.

Thứ sáu, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện bằng những việc làm cụ thể giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Mẹ liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động ủng hộ, xây dựng “Mái ấm tình thương”, trước mắt thực hiện tốt đợt phát động công trình thi đua đặc biệt “Hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo” thiết thực chào mừng Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI với 3.000 mái ấm cho phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 1.000 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

_________________________________

(1) Tr.77.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật. 2011.

(2) Thông báo số 26-TB/TW ngày 9/5/2011 của Ban Bí Thư về sơ kết chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí Thư (khóa IX) về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”

Trần Thanh Bình

(Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20120306092943518p0c1001/vuon-toi-binh-dang-tien-bo-hanh-phuc.htm