Công tác xây dựng đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

ND - Thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội VI của Đảng đề ra, Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những năm qua, nhất là trong mười năm gần đây, các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta phát triển nhanh, đa dạng về quy mô, hình thức tổ chức, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và chế độ sở hữu.

Sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DNCVĐTNN) đã khai thác và phát huy tiềm năng của đất nước, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau hơn mười năm thực hiện Chỉ thị 07-CT/T.Ư ngày 23-11-1996 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về "Tăng cường công tác xây dựng đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài", công tác xây dựng đảng, các đoàn thể nhân dân trong các loại hình doanh nghiệp trên đã đạt được một số kết quả bước đầu. Đến cuối năm 2008, trong các DNTN đã có 2.009 tổ chức đảng với 29.459 đảng viên, tăng 1.894 tổ chức đảng và 28.416 đảng viên so với năm 1997; trong các DNCVĐTNN có 187 tổ chức đảng với 6.015 đảng viên, tăng 70 tổ chức đảng và 3.151 đảng viên so với năm 1997. Cả nước đã thành lập được 15.398 công đoàn cơ sở trong các DNTN và 3.057 công đoàn cơ sở trong các DNCVĐTNN với tổng số 2.662.736 đoàn viên, chiếm 10,8% tổng số doanh nghiệp; thành lập được 3.286 tổ chức Đoàn thanh niên CS Hồ Chí Minh trong các DNTN với 90.924 đoàn viên và 199 tổ chức đoàn trong các DNCVĐTNN với 7.803 đoàn viên; 56 tỉnh, thành phố đã thành lập được 22 câu lạc bộ doanh nhân nữ cấp tỉnh và 823 câu lạc bộ doanh nhân nữ cấp huyện với 95.713 hội viên. Nhìn chung, sau khi có Chỉ thị 07-CT/T.Ư của Bộ Chính trị (khóa VIII), các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện khá nghiêm túc. Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức đảng, đoàn thể trong DNTN và DNCVĐTNN, trước hết là ở những doanh nghiệp lớn, có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Số lượng tổ chức đảng, các đoàn thể và số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các doanh nghiệp được tăng lên từng năm ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Nhiều tổ chức đảng đã phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị của người lao động để tham gia với chủ doanh nghiệp giải quyết, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, hạn chế những vụ tranh chấp hợp đồng lao động, đình công, lãn công xảy ra trong doanh nghiệp. Một số tổ chức cơ sở đảng đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều cấp ủy chưa quán triệt sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể trong các DNTN và DNCVĐTNN; chưa thật sự coi đó là nhiệm vụ thường xuyên của công tác xây dựng đảng nên thiếu tập trung chỉ đạo và chưa có những biện pháp cụ thể để thực hiện. Số tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân và số đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các DNTN, DNCVĐTNN còn chiếm tỷ lệ thấp. Công tác kết nạp đảng viên, đoàn viên và phát triển tổ chức đảng, các đoàn thể còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng đảng trong tình hình mới. Công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đối với chủ doanh nghiệp chưa được tiến hành thường xuyên, nên nhiều chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài chưa hiểu rõ về vai trò, vị trí của tổ chức đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp nên không ủng hộ việc thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp. Công tác quản lý nhà nước còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, xử lý các sai phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là việc thực hiện Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội. Nhiều tổ chức đảng còn lúng túng về nội dung và phương thức hoạt động; chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, chất lượng và hiệu quả hoạt động thấp. Nhiều chi bộ sinh hoạt đảng không đều, nội dung nghèo nàn, tự phê bình và phê bình yếu. Công tác quản lý đảng viên còn lỏng lẻo, việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên gặp không ít khó khăn. Tính tiền phong, gương mẫu của nhiều đảng viên còn hạn chế, một số đảng viên không muốn chuyển sinh hoạt đảng về nơi làm việc hoặc không muốn nhận mình là đảng viên. Số đông công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp chưa chịu khó học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt; một số cho mình là người lao động làm thuê nên thờ ơ với các hoạt động chính trị, xã hội, không thiết tha phấn đấu vào Đảng, vào Đoàn. Những khuyết điểm, yếu kém nêu trên do các nguyên nhân: Công tác xây dựng đảng, các đoàn thể nhân dân trong các DNTN và DNCVĐTNN là vấn đề mới và khó. Các DNTN và DNCVĐTNN đa số mới được thành lập và chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ, nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể. Nhiều chủ doanh nghiệp không muốn có tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp của mình, cản trở việc thành lập hoặc không tạo điều kiện cho tổ chức đảng, các đoàn thể hoạt động. Trong điều kiện mới, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng việc nhận thức và cụ thể hóa thành các chủ trương, chính sách để thực hiện còn chậm và thiếu đồng bộ. Một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc yêu cầu, nội dung Chỉ thị của Bộ Chính trị nên việc tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng, thiếu thuyết phục. Sự chỉ đạo của các cấp ủy cấp trên, nhất là cấp trên trực tiếp của cơ sở thiếu kiên quyết; việc tổng kết rút kinh nghiệm chưa được quan tâm đúng mức. Cấp ủy và cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể đều kiêm nhiệm. Điều kiện, phương tiện làm việc phục vụ cho hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể còn nhiều khó khăn; nhiều nơi không có địa điểm để sinh hoạt và kinh phí để hoạt động... Qua tổng kết thực tiễn ở các địa phương, chúng ta rút ra một số kinh nghiệm: Phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò và sự cần thiết phải thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong các DNTN và DNCVĐTNN, tạo sự thống nhất nhận thức trong các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và người lao động. Đặc biệt, làm cho chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài hiểu đúng về vai trò, vị trí và tác dụng của tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp; hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể là có lợi, góp phần làm cho doanh nghiệp phát triển vững chắc, đúng pháp luật. Cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các thành viên trong hệ thống chính trị (cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể) trong việc xây dựng những cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho DNTN và DNCVĐTNN phát triển, làm cơ sở để thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp. Cấp ủy và các đoàn thể cấp trên phải có cán bộ chuyên trách để theo dõi, giúp đỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; định kỳ sơ kết rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương những tổ chức, cá nhân tiêu biểu để nhân rộng. Phải tiến hành khảo sát, phân loại doanh nghiệp theo đặc điểm, quy mô, hiệu quả hoạt động để xây dựng kế hoạch cụ thể về việc thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải quan tâm chỉ đạo, trực tiếp gặp gỡ, làm việc với chủ doanh nghiệp và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành và có bước đi thích hợp. Bản thân tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động cho phù hợp đặc điểm tính chất của từng doanh nghiệp; coi trọng xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, làm rõ mối quan hệ giữa cấp ủy với hội đồng quản trị, giám đốc và các đoàn thể. Những hoạt động và việc làm cụ thể của tổ chức đảng, các đoàn thể phải gắn với lợi ích và sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của chủ doanh nghiệp. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của cấp ủy cấp trên; kịp thời giúp đỡ cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng với việc chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng, các cấp ủy cần tăng cường chỉ đạo việc thành lập tổ chức Công đoàn theo luật định và các tổ chức đoàn thể khác trong doanh nghiệp; nếu tổ chức nào có đủ điều kiện thì tiến hành thành lập trước, không nhất thiết phải thành lập đồng thời các tổ chức. Để tăng cường công tác xây dựng đảng, các đoàn thể nhân dân trong các DNTN và DNCVĐTNN, các cấp ủy đảng cần tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất nhận thức về công tác xây dựng đảng, xây dựng các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp. Các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đối với chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, làm cho chủ doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng về vai trò, vị trí, tác dụng của tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp. Việc thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, đúng hướng, có hiệu quả; bảo đảm lợi ích chính đáng của chủ doanh nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy đảng, nhất là của cấp ủy cấp trên trực tiếp cơ sở. Cần thành lập các Ban Chỉ đạo công tác xây dựng đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh từ cấp tỉnh đến cấp huyện do đồng chí bí thư hoặc phó bí thư thường trực làm trưởng ban. Ban chỉ đạo có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch 5 năm và hằng năm để chỉ đạo thực hiện. Xác định rõ trách nhiệm củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp trước hết thuộc về các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy khối doanh nghiệp, đảng ủy khu công nghiệp, khu chế xuất trực thuộc tỉnh, thành ủy. Cấp ủy cấp trên cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và các nhiệm vụ được chi bộ phân công. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức gặp mặt, động viên, khuyến khích, tôn vinh các chủ doanh nghiệp tâm huyết với công tác đảng, đoàn thể, có đóng góp tích cực cho ngành, địa phương, đơn vị; biểu dương khen thưởng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp, bảo đảm vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với các đoàn thể. Các tỉnh, thành ủy căn cứ số lượng doanh nghiệp, số tổ chức đảng và số lượng đảng viên trong các doanh nghiệp để quyết định thành lập đảng bộ cơ sở khối doanh nghiệp trực thuộc quận, huyện ủy hoặc trực thuộc đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, thành phố cho phù hợp. Những tỉnh, thành phố có các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung và trong khu công nghiệp, khu chế xuất có nhiều doanh nghiệp đã có các tổ chức cơ sở đảng thì thành lập đảng bộ khu công nghiệp, khu chế xuất trực thuộc tỉnh, thành ủy. Những tỉnh, thành phố có ít doanh nghiệp thì tổ chức đảng của các doanh nghiệp này trực thuộc đảng bộ cơ sở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh của các quận, huyện ủy.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=165801&sub=130&top=37