Công bố danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học và THCS

Sáng nay (4/9), Bộ GD-ĐT chính thức Công bố Thông tư ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học và THCS cùng hướng dẫn mua sắm, sử dụng, bảo quản thiết bị dạy học hai cấp.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì công bố Thông tư ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học và THCS

Theo đó, các trường THCS phải bảo đảm tối thiểu 731 thiết bị phục vụ dạy học. Trong đó, môn Vật lý đứng đầu với 174 thiết bị. Tiếp đến là môn Hóa học: 115 thiết bị; môn Công nghệ: 107 thiết bị; môn Địa lí: 85; môn Sinh học: 83; môn Lịch sử: 63; môn Ngữ văn: 25; môn Thể dục: 23; Thiết bị dùng chung nhiều môn học: 17; môn Toán học: 10; môn Tin học: 9; môn Âm nhạc: 8; môn Ngoại ngữ: 4 và môn Mĩ thuật: 4 thiết bị.

Trong tháng 9/2009, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức 2 hội thảo ở 2 miền để ban hành lại danh mục và các văn bản chỉ đạo theo yêu cầu của UB Giáo dục quốc phòng an ninh quôc gia. Nếu không có gì thay đổi, trong tháng 10 sẽ có 1 danh mục mới cùng hướng dẫn mua sắm mới thay thế danh mục cũ.

Cấp tiểu học phải đảm bảo tối thiểu 457 thiết bị. Trong đó: Môn Âm nhạc: 28 thiết bị; đạo đức: 24; thiết bị dung chung: 12; Kỹ thuật: 128; lịch sử: 13; địa lý: 16; Mỹ thuật: 15; Thể dục: 25; Thủ công: 15; Tiếng Việt: 112; Toán: 44; môn Tự nhiên và xã hội, môn khoa học: 25

Những điểm mới đáng chú ý: Lần đầu tiên, thiết bị dùng chung được đưa vào danh mục. Tiếp theo, kinh phí mua sắm, bổ sung thiết bị được thực hiện chủ yếu bằng kinh phí chi thường xuyên của các cơ sở giáo dục và bằng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT.

Nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội thiết bị giáo dục Việt Nam cho rằng, các danh mục đưa ra mang tính mở, mới mẻ và phù hợp. Mặc dù doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong cung cấp nhưng sẽ tránh được tình trạng lãng phí do các trường phải nhận thiết bị từ trên giao xuống, không sát với nhu cầu thực tế sử dụng thiết bị của nhà trường.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Sự ra đời của Thông tư Ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp Tiểu học và THCS sẽ giải quyết được thực trạng địa phương chưa thay thế, bổ sung các thiết bị hư hỏng. Các Sở GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo việc mua sắm, tự làm, sưu tầm, bảo quản và sử dụng thiết bị phục vụ dạy học cấp tiểu học và THCS. Danh mục cũng chỉ đặt ra yêu cầu tối thiểu số lượng, chất lượng của các thiết bị mà mỗi trường phải có. Khi lập kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học, mỗi đơn vị trường học phải tổ chức rà soát các thiết bị dạy học hiện có, tùy theo thực tế của trường mình để mua sắm đủ về số lượng tối thiểu, có thể mua sắm thêm, phải đảm bảo chất luợng ngay từ đầu năm học và tránh lãng phí. Giám đốc Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm trước UBND, tỉnh, thành phố và Bộ GD-ĐT về việc chỉ đạo mua sắm, bảo quản, sử dụng thiết bị dạy học cho các trường, đảm bảo số lượng, chất lượng và kịp tiến độ phục vụ năm học mới. Hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS, Giám đốc TTGDTX chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng, hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học tại mỗi đơn vị trường học.

Thông tư Ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp Tiểu học có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/8/2009; cấp THCS có hiệu lực từ ngày 25/9/2009.

HIếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2741/2009/09/1717229/