Chuyện của những người hiến xác

Bà Đức tâm sự, ban đầu khi nghe nói đến hiến xác cũng sợ và băn khoăn lắm, nhưng chồng bà vốn là bác sĩ đã phân tích ý nghĩa của thi thể cho bác sĩ nghiên cứu, sinh viên học tập nên bà đồng ý cùng chồng hiến xác.

Sinh viên y khoa không thể học chay khi không có thi thể thật

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 18/1 là trường ĐH Y dược TP.HCM lại tổ chức lễ tri ân những người đã hiến xác cho y học. Buổi lễ diễn ra giản dị nhưng cảm động, ghi dấu sự đóng góp của những người mà cái chết không cản trở họ gieo mầm cho sự sống.

Hiện tại, trường đang lưu giữ 158 thi thể của những người hiến xác phục vụ cho sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học.

Góp phần nhỏ bé cho khoa học

“Tôi sống phải chật vật lo cho mình và gia đình, chưa giúp ích được nhiều cho người khác. Nên từ năm 1998, tôi đã tự nguyện làm đơn hiến xác với mong muốn thân thể mình khi chết đi sẽ góp một phần nhỏ cho việc chữa bệnh, cứu người”. Ông Hồ Văn Lành, 65 tuổi, tại quận 8 nói. Trước giờ diễn ra lễ tri ân, ông Lành đưa người anh của mình đi để hiểu trước khi ông anh làm đơn hiến xác.

BS chuyên khoa II Phan Bảo Khánh làm đơn hiến xác cho y học

Bác sĩ chuyên khoa II, Phan Bảo Khánh, gắn bó với bộ môn giải phẫu học, vào sáng 18/1/2013 cũng đã quyết định làm đơn hiến xác sau khi qua đời. Bác sĩ Khánh chia sẻ: “Tôi gắn bó với bộ môn giải phẫu, tiếp xúc với thi thể mười mấy năm nay thấy rõ để trở thành một bác sĩ giỏi, sinh viên ngành y không thể thiếu những “người thầy thầm lặng”. Tôi chỉ muốn góp phần nhỏ bé của mình cho khoa học mai sau trước khi về với cát bụi”.

Vợ chồng cùng hiến xác

Năm 2003, ông Phạm Xuân Tuấn, quê Tiền Giang cùng với vợ làm đơn hiến xác cho y học tại Trường ĐH Y dược TP.HCM. Hiểu được công việc ý nghĩa này, năm 2006, chị Phạm Xuân Thảo, con gái ông Tuấn cũng theo gương cha mẹ. Gia đình ông Tuấn bốn người thì đã có ba người làm đơn hiến xác cho y học.

Chị Thảo, hiện là giáo viên dạy môn hóa, tại một trường cấp 3, ở quận 7 tâm sự: “Ba tôi mất năm 2010 và xác đang nằm tại Trường ĐH Y dược. Lúc đội nhận xác đến gia đình do đã chuẩn bị tâm lý nên không quá đau xót. Hơn nữa, giờ mình và gia đình vào thăm và vẫn được nhìn thấy ba”.

Nghi lễ trang trọng tri ân những người đã hiến xác cho y học

Có mặt tại buổi lễ tri ân, bà Đinh Thị Đức, 68 tuổi vẫn ngậm ngùi trước người chồng mới mất cách đây chưa đầy hai tháng và xác đang chờ phục vụ cho khoa học. Trước đó, năm 2005, bà cùng chồng đã làm đơn hiến xác cho y học.

Bà Đức tâm sự, ban đầu khi nghe nói đến hiến xác cũng sợ và băn khoăn lắm, nhưng chồng bà vốn là bác sĩ đã phân tích ý nghĩa của thi thể cho bác sĩ nghiên cứu, sinh viên học tập nên bà đồng ý cùng chồng hiến xác.

Chị Trần Thị Bạch Yến, con gái ông bà kể, hằng năm con cái đều hỏi lại bố mẹ có bảo lưu việc hiến xác hay không? Lúc bố sắp mất các con lại hỏi một lần nữa và ông vẫn không thay đổi quyết định, nên gia đình thực hiện theo tâm nguyện người đã khuất.

“Người thầy không bao giờ lên tiếng”

Bạn Nguyễn Thị Mai Anh, sinh viên năm đầu, khoa răng hàm mặt cho biết, từ kỳ học đầu tiên đã phải tiếp xúc với thi thể. “Dù chuẩn bị tâm lý trước, nhưng ban đầu nhìn, chạm vào thi thể vẫn thấy sợ. Rồi cũng phải quen dần, tụi em thấy rõ thi thể thực sự là những người thầy. Sinh viên trường y không thể học chay khi không có thi thể thật”, bạn Mai Anh nói.

Gia đình bên thi thể người thân đã hiến xác

PGS.TS Lê Văn Cường, trưởng bộ môn giải phẫu học, Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết, một thi thể ướp formon phục vụ cho việc giảng dạy, học tập được tối đa bốn năm. Vào tháng bảy hằng năm, nhà trường đều làm lễ an táng (hỏa thiêu) cho các thi thể. Trong dịp này người thân có thể làm đơn yêu cầu an táng cho người thân sớm, chứ không nhất thiết phải đến bốn năm.

Ngoài thi thể ướp formon, năm 2011, nhà trường còn trang bị hệ thống tủ lạnh bảo quản xác tươi ở nhiệt độ âm 30 độ C. Thi thể tươi này có thể dùng để siêu âm, nội soi, mổ như một bệnh nhân còn sống. Tuy nhiên, chỉ có bác sĩ sau đại học mới được học trên những thi thể này.

ThS Nguyễn Hoàng Vũ, giảng viên bộ môn giải phẫu học khẳng định: “Không có sinh viên trường y nào lại không tiếp xúc với các thi thể người thật. Những thi thể này như những người thầy không bao giờ lên tiếng”.

Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội thông qua vào ngày 29/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007 quy định: Công dân đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Riêng với việc hiến tặng tinh trùng nam giới phải đủ 20 tuổi trở lên. Không được môi giới, quảng bá việc hiến nhận xác vì mục đích thương mại.

Người đã hiến bộ phận cơ thể được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế;

Đối với người hiến xác phải tự nguyện làm đơn và trên thực tế phải có sự đồng ý của gia đình để khi chết được gia đình báo cho nơi tiếp nhận thi thể. Trường hợp người chết chưa đăng ký hiến xác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của của người thân trong gia đình. Người chết không xác định thân nhân thi thể được dùng cho mục đích y học.

Tại TP.HCM, việc đăng ký hiến xác được thực hiện tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch.

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc/chuyen-cua-nhung-nguoi-hien-xac-c7a58035.html