Chuyện bây giờ mới kể về Làng Vũ Đại ngày ấy

Hơn 30 năm đã trôi qua, nhưng những diễn viên của phim Làng Vũ Đại ngày ấy vẫn chưa bao giờ quên những ngày tháng vất vả nhưng đầy kỷ niệm với bộ phim này.

Một cảnh trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”

NSƯT Đức Lưu nổi danh vì... xấu

Hơn 30 năm sau bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy, vai Thị Nở của NSƯT Đức Lưu (ảnh nhỏ) vẫn là cái bóng lớn khủng khiếp mà tới nay chưa ai có thể vượt qua. Đó là điều mà nghệ sỹ Đức Lưu luôn tự hào, dù vai diễn này đã lấy đi ước mơ phát triển nghiệp diễn xuất của bà.

Bà kể: “Hồi còn là sinh viên, tôi từng được nghe GS. Hoàng Như Mai giảng những tác phẩm của Nam Cao. Riêng tập truyện Chí Phèo, tôi thích đến nỗi đọc đi đọc lại tới thuộc lòng từng chi tiết, câu văn. Tôi rất ấn tượng về Thị Nở, sao lại có người đàn bà xấu tới mức “ma chê quỷ hờn” mà lại đáng yêu như thế. Cuộc đời của Thị Nở, Chí Phèo và người dân dưới chế độ phong kiến quá khốn khổ, làm người ta thấy cảm thương hơn là chế nhạo”.

Chính vì quá ấn tượng nên khi được đạo diễn Phạm Văn Khoa giao vai Thị Nở, bà đồng ý ngay mà không đắn đo gì. “Trước đó, chưa bao giờ tôi dám mơ sẽ có ngày được nhận vai một nhân vật kinh điển của văn học Việt Nam. Tôi không sợ xấu, chỉ sợ không đủ khả năng diễn”.

Bà đã dồn hết tâm huyết cho vai diễn này dù Thị Nở chỉ xuất hiện trong vài phân cảnh ngắn. Hồi ấy gần nhà NSƯT Đức Lưu có cô Thẽm, đang sống bình thường bỗng hóa điên, người ngơ ngơ ngẩn ngẩn, rồi chửa hoang. Bà đã lấy hình tượng đó để “nhập” vào nhân vật, thấu hiểu và chua xót cho thân phận những người phụ nữ không có nhan sắc trong xã hội thời đó. Cộng thêm vốn sống từng trải, bà vào vai rất “ngọt” khiến nhiều người bất ngờ. Nhiều cảnh của bà chỉ diễn đúng “một đúp ăn ngay”.

NSƯT Đức Lưu ở tuổi 76.

“Lúc được nhận vai Thị Nở, tôi đã có chồng và hai con. Chồng tôi không phản đối, hai con còn nhỏ nên cũng không để ý. Đến khi phim thành công, đứa út lúc đó học mẫu giáo. Các phụ huynh kéo nhau đến tận lớp ngó mặt, để xem “con của Thị Nở với Chí Phèo” thế nào làm thằng bé sợ, nhiều ngày liền không dám đi học”, NSƯT Đức Lưu tâm sự.

Sau Làng Vũ Đại ngày ấy, NSƯT Đức Lưu không đóng phim nữa. Thành công của vai diễn đã khiến bà “mất nghề”. Bà hoàn toàn “bị chết” vai với Thị Nở và không thể thử sức với bất cứ nhân vật nào khác. Cuối cùng, bà buộc phải từ bỏ nghiệp diễn chuyển sang làm đối ngoại cho Thành ủy Hà Nội, vì họ nghĩ diễn viên nổi tiếng sẽ dễ giao tiếp với mọi người hơn.

Chuyện tình “vượt thời gian” với “Chí Phèo”

Khoảng thời gian đóng phim, người mà NSƯT Đức Lưu thân thiết nhất là diễn viên - đạo diễn Bùi Cường trong vai Chí Phèo. Với “người tình của Chí Phèo”, nghệ sỹ Bùi Cường là một người em mà bà quý mến bởi tính cách thân thiện và rất lễ phép. Vì thân thiết nên hai chị em diễn khá ăn í, tung hứng nhịp nhàng.

NSƯT Đức Lưu kể hồi đóng phim, nghệ sỹ Bùi Cường mới lấy vợ. Vợ ông luôn đi theo xem chồng diễn. Lúc đóng “cảnh nóng” của Chí Phèo và Thị Nở trong vườn chuối, có vợ đứng xem nên Bùi Cường rất ngại. Thấy thế bà phải động viên: “Cường cứ diễn thoải mái đi, không việc gì phải ngại cả”. Cảnh quay đó có người đóng thế, diễn viên diễn khá vất vả, đúng 7 ngày mới quay xong.

Hơn 30 năm nay, hầu như mỗi năm NSƯT Đức Lưu và đạo diễn Bùi Cường đều dành thời gian cùng nhau đi thăm gia đình cố đạo diễn Phạm Văn Khoa và gia đình ê-kip làm phim Làng Vũ Đại ngày ấy.

Hai nghệ sỹ cũng thường xuyên gọi điện thăm hỏi nhau. Tình cảm gắn bó của họ là một minh chứng cho sức sống lâu bền của Thị Nở và Chí Phèo trong lòng người hâm mộ điện ảnh.

NSƯT Đức Lưu tiết lộ, đầu năm 2015, bà được ông Cao Đại, Tổng giám đốc công ty xây dựng việt Bắc, ngỏ lời mời bà và đạo diễn Bùi Cường về nơi có cổng làng Vũ Đại ngày xưa (bây giờ là thôn Văn Trung, xã Tân Tri, Tiên Du, Bắc Ninh) giao lưu với người dân. Khi đó, đạo diễn Bùi Cường đang làm phim trong TP Hồ Chí Minh, nghe bà gọi điện rủ rê, ông lập tức mua vé trở về miền Bắc. Đến giờ bà vẫn cảm kích và trân trọng tình nghĩa mà “Chí Phèo” dành cho mình.

Còn trong mắt “Chí Phèo” Bùi Cường, nghệ sỹ Đức Lưu là người chị luôn khiến ông ngưỡng mộ bởi niềm say mê với công việc. Dù khi đóng phải đeo răng giả, hai bên hàm nhét hai cục bông để khuôn mặt méo mó dị dạng nhưng bà vẫn diễn rất xuất sắc. “Khi chị Đức Lưu gọi điện bảo có lời mời về địa phương giao lưu, tôi đang rất bận vì phải chuẩn bị quay bộ phim mới. Nhưng vì tình cảm với “Thị Nở” và nghĩ tới dân làng muốn gặp lại “Thằng Chí” nên tôi cố gắng thu xếp về và trở lại Sài Gòn ngay hôm sau”, đạo diễn Bùi Cường chia sẻ.

“Giáo Thứ” và nỗi ám ảnh mưa nhân tạo

Tận bây giờ, NSƯT Hữu Mười vẫn luôn cảm ơn cố đạo diễn Phạm Văn Khoa đã cho ông một vai diễn để đời. Hơn 30 năm sau, khi đã trở thành một đạo diễn tài ba và là Phó trưởng khoa Truyền hình của Đại học sân khấu - điện ảnh, người ta vẫn gọi ông là…

Giáo Thứ.“Giáo Thứ” kể, trong phim, ông diễn nhiều nhất với nhà văn Kim Lân (vai Lão Hạc). “Cụ Kim Lân từng sống cùng thời với nhà văn Nam Cao, cụ luôn coi Nam Cao là bậc thầy của mình. Chính cụ đã giúp tôi phân tích vai diễn, cho tôi biết nhân vật Giáo Thứ thực chất là hình ảnh của nhà văn Nam Cao ngoài đời, luôn lạnh lùng, thâm trầm và suy tư chứ không bộc lộ ra bên ngoài. Có lẽ vì vậy, tình cảm giữa tôi và cụ Kim Lân khá thân thiết, bền chặt. Đi đâu hai người cũng đi với nhau, ngủ cũng chung buồng. Cảnh lão Hạc ăn bả chó tự tử, cụ diễn thật đến nỗi tôi tưởng thật, vừa sợ vừa cảm động nên nước mắt cứ trào ra”, nghệ sỹ Hữu Mười tâm sự.

“Cụ Giáo” cũng tiết lộ một câu chuyện mà ông nhớ mãi tới giờ và nghĩ lại vẫn thấy rùng rợn. Đó là cảnh giáo Thứ đứng trước mộ lão Hạc khi trời mưa. “Khi đó, đoàn làm phim ra một cánh đồng ở Thổ Hà (Bắc Giang) cách làng 2km. Nhân viên hậu trường lấy cái bình tưới đi múc nước và trèo lên cây để phun mưa xuống đầu tôi. Tìm cả cánh đồng được một hố nước sắp cạn. Khi anh ấy vục xuống để múc nước, bên dưới trồi lên cái tiểu sành còn xương người bên trong. Trong cảnh quay đó, gương mặt tôi rất đau khổ, không phải vì thương lão Hạc mà thương chính mình khi hứng thứ nước ngâm xương người đang tưới lên đầu mình”, NSƯT Hữu Mười nhớ lại.

Dẫu vậy, đó vẫn là kỷ niệm đẹp mà nghệ sỹ Hữu Mười không thể quên trong những ngày rong ruổi cùng đoàn phim. Ông tiết lộ “cát-xê” (hồi ấy gọi là tiền bồi dưỡng) cho nhân vật giáo Thứ, ông không dám tiêu mà để dành mua săm cho chiếc xe đạp Phượng hoàng của mình. “Nghĩ lại vẫn thấy vui lắm, chẳng bao giờ có thể trở lại ngày ấy cả”, NSƯT Hữu Mười bồi hồi.

Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/chuyen-bay-gio-moi-ke-ve-lang-vu-dai-ngay-ay-d128448.html