Chung sống với người đồng tính có vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng?

(PL&XH) - Trong điều kiện hiện nay nên lựa chọn các hình thức xử lý khác mang tính dân sự, thu hẹp phạm vi xử lý hình sự đối với các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình. Trên tinh thần đó, đề nghị phi hình sự hóa đối với một số hành vi như tảo hôn, tổ chức tảo hôn, vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

Khó xác định...

Theo Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật Hình sự hiện hành, việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...

Còn theo Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì ”chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”. Nghĩa là, có hai dấu hiệu bắt buộc để chứng minh việc chung sống như vợ chồng là tổ chức cuộc sống chung” và ”coi nhau là vợ chồng”.

Vậy thế nào là chung sống như vợ chồng, bởi giữa hai qui định trên đã thiếu sự đồng nhất. Trong thực tế, khi có một người xen vào quan hệ vợ chồng, để chứng minh được hành vi của người này đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng không hề đơn giản. Nếu có con chung còn dễ (qua giám định gen ADN), còn các yếu tố ”được hàng xóm xem như vợ chồng” rất khó thu thập được vì chẳng mấy ai ”dại gì” đi làm chứng cho những quan hệ này. Trong khi đó, theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì còn phải xác định yếu tố ”coi nhau là vợ chồng”. Đây là ý thức chủ quan của hai người có coi nhau là vợ chồng hay không, nên rất khó xác định. Vì vậy, bà Lê Thị Hồng Xuân, Viện Nhà nước và pháp luật góp ý, để khắc phục vướng mắc này, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành hướng dẫn áp dụng các quy định liên quan.

Người đồng tính ”xen” vào hạnh phúc gia đình người khác có vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng Ảnh minh họa

Không thể xử lý?

Bên cạnh đó, một tình huống đã phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa được pháp luật đề cập đến. Đó là tình trạng người vợ/chồng vốn là người đồng tính, nhưng vì sợ bị kỳ thị, sợ người thân, cha mẹ đau khổ nên giấu kín và vẫn lấy chồng/vợ, sinh con cái như người dị tính. Nhưng trong thực tế, họ vẫn ”cặp kè”, thậm chí có trường hợp còn công khai ăn ở với bạn tình...

Vậy, hành vi của hai người đồng tính này có bị xem là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng không? Vì, pháp luật đã qui định rõ ”chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng” và không thừa nhận quan hệ hôn nhân đồng tính. Rõ ràng, trong những trường hợp này, hành vi của hai người đồng tính không thể bị xử lý về hình sự về tội Vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng vì họ không phải là ”nam, nữ tổ chức cuộc sống chung”. Việc pháp luật dường như bỏ ngỏ và để mặc những quan hệ đặc biệt này sẽ gây khó cho cơ quan chức năng và cả những người vợ/chồng trong hoàn cảnh éo le này muốn bảo vệ cuộc hôn nhân của mình. Đây là những bất cập trong thực tiễn mà việc sửa đổi Bộ luật Hình sự cần tính đến để khắc phục.

Đồng thời, bà Xuân cũng cho rằng, Bộ luật Hình sự cần bổ sung thêm tội danh ”Môi giới mang thai hộ vì mục đích thương mại” và bổ sung thêm vào tội này một số tình tiết tăng nặng như tổ chức mang thai hộ cho từ 2 người trở lên; có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; cưỡng ép người mang thai hộ... để xử lý toàn diện các vi phạm liên quan đến việc mang thai hộ.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, nhiều ý kiến lại cho rằng, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào mối quan hệ hôn nhân và gia đình, trong đó có vấn đề xử lý hình sự. Do vậy, trong điều kiện hiện nay nên lựa chọn các hình thức xử lý khác mang tính dân sự, thu hẹp phạm vi xử lý hình sự đối với các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình. Trên tinh thần đó, đề nghị phi hình sự hóa đối với một số hành vi như tảo hôn, tổ chức tảo hôn, vi phạm chế độ một vợ, một chồng...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc phi hình sự hóa đối với một số hành vi như tảo hôn, tổ chức tảo hôn, vi phạm chế độ một vợ, một chồng... là không nên, nhất là với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Vì việc duy trì chế độ hôn nhân một vợ, một chồng là nguyên tắc nền tảng của chế độ hôn nhân tiến bộ nên việc tiếp tục duy trì tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng trong Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự là biện pháp cần thiết để bảo vệ các quan hệ hôn nhân.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/doi-song/chung-song-voi-nguoi-dong-tinh-co-vi-pham-che-do-hon-nhan-mot-vo-mot-chong-97030