Chung cư 181 Nguyễn Huy Tưởng: Chủ đầu tư không đủ năng lực

(VnMedia) - Như VnMedia đã phản ánh về dự án xây dựng 9 chung cư 30 tầng tại 181 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội dù đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục giấy tờ nhưng trên mạng, các trang web bất động sản đã giao bán tràn lan từ 1 căn, vài căn đến cả tòa nhà từ nhiều tháng nay. Những căn nhà đang được bán trên giấy để lấy tiền thật từ những người mua nhẹ dạ cả tin…

Khu đất được coi là "chung cư 181 Nguyễn Huy Tưởng" trên thực tế Sau khi đưa tin, rất nhiều bạn đọc đã gọi điện, gửi email về tòa soạn hỏi về dự án này. Nhiều bạn đọc cho biết bản thân cũng là nạn nhân của dự án 181 Nguyễn Huy Tưởng, cũng đã mua một vài căn và rất may là đã bán được. Nhưng cũng còn rất nhiều người đang bị “hớ”… Trên nhiều diễn đàn, nhiều người rất lo lắng về những thông tin VnMedia đưa xung quanh dự án 181 Nguyễn Huy Tưởng. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trở lại vấn đề này. Công ty “vượt mặt” Bộ Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam (trước đây là Công ty Thể thao Việt Nam) có trụ sở tại số 4 Hàng Cháo. Tháng 1/2007, Công ty Thể dục thể thao Việt Nam được cổ phần hóa thành Công ty Cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam với vốn điều lệ 12,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước giữ 51,32% vốn điều lệ. Công ty có 4 đơn vị thành viên và 3 phòng chức năng. Trong đó, 181 Nguyễn Huy Tưởng là nơi hoạt động, sản xuất của Xí nghiệp sản xuất dụng cụ Thể dục thể thao (sau đây gọi là Xí nghiệp). Trên cơ sở Hợp đồng thuê đất số 154-245/ĐC-NĐ-HĐTĐ ngày 3/8/2000 giữa Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội với Xí nghiệp, ngày 20/4/2008, Công ty Cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam có Tờ trình số 96/TTr-CTTT gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đề nghị được lập dự án đầu tư khu đất tại 181 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội. Đồng thời đề nghị Bộ VH-TT&DL phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Ngày 13/5/2008, Bộ VH-TT&DL có công văn số 1701/BVHTTDL-KHTC, đồng ý về chủ trương để Công ty lập dự án và yêu cầu công ty thực hiện theo đúng quy định của Điều lệ công ty và các quy định hiện hành có liên quan của Nhà nước. Công ty đã có công văn xin chủ trương di dời Xí nghiệp và cam kết sẽ trình Bộ phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Theo đánh giá của Đoàn Thanh tra, về nguyên tắc, công ty đã không lập dự án với đầy đủ hồ sơ theo quy định, trên cơ sở đó xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng các yêu cầu của dự án và trình đại diện chủ sở hữu phê duyệt phương án đầu tư và xây dựng là Bộ VH-TT&DL theo đúng quy định của Khoản 3, Điều 31 Quy chế quản lý tài chính của công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ. Việc “qua mặt” lãnh đạo Bộ chủ quản của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam trong việc hình thành dự án như trên đã kéo theo hệ lụy của hàng loạt những vi phạm tiếp theo. Nghị quyết công ty có dấu hiệu giả mạo Mặc dù chưa được Bộ VH-TT&DL phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, nhưng Tổng giám đốc tạm quyền Bùi Duy Nghĩa đã tự lựa chọn đối tác đầu tư và ký hợp đồng nguyên tắc với công ty Megastar. Việc lựa chọn đối tác này căn cứ vào Nghị quyết số 12/NQ-CTCPTT ban hành ngày 2/7/2008. Nhưng, 3/5 thành viên HĐQT và Trưởng ban kiểm soát lại có văn bản gửi thanh tra Bộ VH-TT&DL phủ nhận các chữ ký của mình đã ký, không chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung của Nghị quyết 12. Tại sổ ghi biên bản của công ty cũng không ghi xác nhận có cuộc họp của HĐQT bàn bạc và biểu quyết thông qua nội dung chọn Megastar làm đối tác. Trong khi đó, theo quy định của Công ty thì các Nghị quyết của công ty phải được ghi vào sổ biên bản và có chữ ký xác nhận của tất cả các thành viên hoặc đại diện theo ủy quyền hợp pháp. Còn kiểm tra văn bản Nghị quyết thì nhận thấy, Nghị quyết được in trên 2 trang rời: trang 1 nội dung nghị quyết tách rời phần chữ ký xác nhận được ký riêng trang sau; văn bản chữ ký không có chữ ký giáp lai xác nhận sự liên thông. Ngoài ra, Tổng giám đốc Bùi Duy Nghĩa còn không thành lập hội đồng, không xây dựng thang, bảng điểm để đánh giá nhà đầu tư theo các yêu cầu về kỹ thuật, về tài chính cũng như các điều kiện ưu đãi để tự lựa chọn nhà đầu tư và ký hợp đồng nguyên tắc với Megastar. Như vậy, rõ ràng, Nghị quyết 12 không có cơ sở giá trị pháp lý xác nhận Megastar là đối tác để xây dựng chung cư tại 181 Nguyễn Huy Tưởng. Giấy tờ về dự án chung cư 181 Nguyễn Huy Tưởng Chủ đầu tư không đủ năng lực Mặt khác, quá trình kiểm tra, đoàn thanh tra cũng nhận thấy Megastar chưa đủ năng lực để làm đối tác của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam theo tiêu chí của HĐQT. Theo báo cáo của Trưởng đoàn thanh tra Phạm Viết Đào, Công ty Megastar mới thành lập ngày 12/9/2007, không có báo kiểm toán năm 2006 và 2007; công ty chỉ có vốn chủ sở hữu là 161.095.890.714 đồng, trong khi số tiền vay nợ ngắn hạn của công ty lại lên đến 285.598.523.416 đồng. Nguồn tài chính này vừa thấp hơn tiêu chí vừa không đảm bảo thực hiện dự án. Bởi theo hợp đồng ký kết giữa Tổng giám đốc Bùi Duy Nghĩa và Megastar thì giá trị của dự án là 2.200 tỷ đồng. Đoàn thanh tra cũng phát hiện công ty Megastar chưa công bố rộng rãi việc thực hiện được dự án tương tự nào hoàn chỉnh. Đoàn thanh tra cũng nhận định: đã có bằng chứng cho thấy công ty Megastar hiện tại do không có đủ khả năng thực hiện dự án, nên đã sử dụng pháp nhân và danh nghĩa của dự án để huy động vốn của một số đơn vị kinh tế, mặc dù dự án chưa hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để trên cơ sở đó, Ban Quản lý dự án được quyền huy động vốn theo các quy định của pháp luật hiện hành. Đấy là chưa nói đến việc các căn hộ được bán lại căn cứ trên những giấy tờ pháp lý là hợp đồng vô hiệu. Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 120, Luật Doanh nghiệp, việc hợp đồng có giá trị lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản công ty ghi trong báo cáo tài chính gần nhất là do Đại hội cổ đông quyết định. Nhưng Tổng giám đốc tạm quyền Bùi Duy Nghĩa vẫn đề nghị HĐQT giao cho “Ban Tổng giám đốc” ký Hợp đồng nguyên tắc số 01/HĐNT với công ty Megastar có giá trị 2.200 tỷ đồng. Việc ký kết này đã vi phạm các quy định của Luật Doanh nghiệp vì vượt trái thẩm quyền. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 120 Luật Doanh nghiệp thì hợp đồng giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được giao kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận theo quy định tại khoản 2 và khoản 3. Như vậy, Hợp đồng số 01/HĐNT giữa công ty với Megastar là vô hiệu. Rõ ràng, việc Megastar huy động vốn để bán “sàn” cho các đại lý và rao bán ồ ạt các căn hộ tại chung cư “trên giấy” 181 Nguyễn Huy Tưởng trong thời gian qua là trái pháp luật. Trong các hợp đồng góp vốn đầu tư giữa Megastar với nhà đầu tư trong phần căn cứ pháp lý, không hề có dòng nào ghi căn cứ vào quyết định xây dựng dự án nào mà chỉ có các dòng căn cứ vào Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở, Bộ Luật dân sự, Luật đầu tư và căn cứ vào thỏa thuận và chức năng ngành nghề của hai bên. Vậy mà có rất nhiều người vẫn “hồn nhiên” nộp tiền cho Megastar để mua nhà trên giấy. Nhóm PV-VnMedia

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=20&newsid=186732