Chú trọng phát triển nguồn nhân lực khoa học-công nghệ

(baodautu.vn) Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có đề cập: “... phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi; đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ ...”. Bài viết này xin góp thêm ý kiến để làm rõ nội dung trên.

Nhân lực là nội lực! Lý thuyết và thực tiễn phát triển ở tất cả các nước trên thế giới cho thấy, nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tích lũy vốn vật chất. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế trong giai đoạn sau sẽ chủ yếu dựa trên cải tiến công nghệ và phát triển vốn con người hay vốn nhân lực, đặc biệt là nhân lực cho phát triển khoa học - công nghệ. Không chỉ có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, nguồn nhân lực cho phát triển khoa học - công nghệ có chất lượng cao còn có ý nghĩa trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, như bất bình đẳng, đói nghèo, các vấn đề về môi trường và sự tiến bộ về mọi mặt của xã hội. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, khi mà sự cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt, nguồn nhân lực đóng vai trò ngày càng quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh khả năng phát triển kinh tế theo chiều rộng đã tới mức trần, Việt Nam đứng trước đòi hỏi phải bằng mọi cách chuyển từ lợi thế so sánh dựa trên lao động giá rẻ và nhờ cậy vào tài nguyên, môi trường, sáng tạo ra lợi thế cạnh tranh chủ yếu dựa trên phát huy nguồn lực con người, nguồn nhân sự chất lượng cao, nắm vững khoa học - công nghệ. Song chúng ta đang vấp phải 3 trở lực lớn. Đó là, chất lượng còn thấp về nguồn nhân lực; sự bất cập lớn của kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật và năng lực quản lý yếu. Nguyên nhân đưa đến chất lượng của nguồn nhân lực (ở đây phải hiểu là nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tham gia hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu hóa) vừa thiếu, vừa yếu, cơ cấu không hợp lý, xuất phát từ thực trạng của nền giáo dục làm cho dân trí, nhân lực và nhân tài đều xuống cấp nghiêm trọng. Để khắc phục các vấn đề trên, xin đề xuất các giải pháp. Thứ nhất, tăng cường các hoạt động dự báo cung - cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ hai, phát triển và đào tạo các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu chuyển đổi ngành nghề, tái cấu trúc của các doanh nghiệp sau khủng hoảng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và phương pháp quản lý mới. Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng đầu ra định hướng năng lực. Nhân lực không thể cào bằng Đối với hoạt động của một quốc gia, một địa phương, hay của một tổ chức..., bên cạnh nguồn tài chính, nguồn nhân lực là một trong những vấn đề quan trọng nhất và đáng quan tâm hàng đầu. Nguồn nhân lực là tài sản bảo đảm năng lực quản lý, phát triển của một tổ chức, nó có ý nghĩa hơn các tài sản hữu hình như đất đai, nhà xưởng... Tuyển dụng và duy trì nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ quản lý và phát triển khoa học - công nghệ, được xem là vấn đề sống còn. Tuy nhiên, trong 3 cấp độ của hoạt động nhân sự, các tổ chức ở Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng, hầu hết chỉ dừng ở cấp độ đầu tiên (đơn giản nhất) là thực hiện công tác tiền lương, bảo hiểm, chế độ theo quy định của pháp luật, mà chưa chú trọng xây dựng chiến lược nhân sự. Nguyên nhân của tình trạng trên là do từ trước đến nay, việc tiếp cận nguồn nhân lực chỉ coi đó là nguồn lao động, không xác định chất lượng lao động là yếu tố nòng cốt, tạo nên sức bật, đưa đất nước phát triển. Chúng ta chỉ dừng lại ở quan niệm xem nguồn nhân lực chỉ là một yếu tố “phải có” trong quá trình hoạt động và chi phí đào tạo nguồn nhân lực là chi phí miễn cưỡng. Thực ra, xây dựng chiến lược nhân sự không có nghĩa là sẽ tiêu tốn nhiều hơn chi phí cho nguồn nhân lực, mà là bản kế hoạch tổng thể, có tính dài hạn để sử dụng chi phí đó một cách khôn ngoan và hiệu quả hơn. Chiến lược nhân sự của quốc gia không chỉ dừng lại ở việc dự báo nhân sự, thu hút tuyển dụng, đào tạo phát triển, đến động viên đãi ngộ…, mà còn phải bao gồm cả những cách thức duy trì nguồn nhân lực phù hợp. Chiến lược duy trì nguồn nhân sự không đơn thuần là đưa ra cách thức giữ người, mà còn thể hiện ở việc quy hoạch, xây dựng cho quốc gia, địa phương hay tổ chức một đội ngũ kế cận. Chiến lược này giúp xây dựng đội ngũ bảo đảm cho sự phát triển, nắm bắt những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, đảm bảo cho sự phát triển theo chiều sâu với quy mô càng ngày càng mở rộng, nhưng lại tiết giảm được chi phí đầu tư. Nhìn nhận như vậy, quốc sách về phát triển nguồn nhân lực, về phát huy và sử dụng con người và người tài, nhân lực khoa học - công nghệ đòi hỏi phải gắn liền với việc đẩy mạnh đổi mới trên nhiều phương diện, về lâu dài là đổi mới toàn diện cả thể chế và xã hội. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực khoa học - công nghệ có chất lượng cao, không thể là công việc có thể hoàn thành một sớm, một chiều. Diệp Văn Sơn, Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, Ủy viên Ban Cải cách hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ tại TP.HCM.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/chinhsachvimo/8ac39a057f000001019021de819753e4