Chống độc quyền: ý tưởng hay nhưng khó khả thi!

TT - Trong bối cảnh hiện nay, VN có tới 15 doanh nghiệp thương mại nhà nước đang được hưởng độc quyền thuộc sáu ngành hàng: sản phẩm dầu thô; xăng dầu; nhóm hàng liên quan đến máy bay như phụ tùng máy bay và các phương tiện, thiết bị hàng không; sản phẩm băng, đĩa hình; ngành báo chí; sản phẩm thuốc lá.

Các doanh nghiệp này đang được bao bọc bởi những rào cản gia nhập ngành và có những ưu thế cạnh tranh bởi cơ chế chủ quản hành chính - kinh tế.

Pháp luật cạnh tranh ra đời mang nhiệm vụ ngăn chặn và xử lý các hành vi lạm dụng vị thế độc quyền làm suy giảm hiệu quả của cạnh tranh. Tuy nhiên, Luật cạnh tranh lại chưa có đủ chức năng để xóa bỏ rào cản và những công cụ, thiết chế pháp lý khác để khôi phục cạnh tranh.

Mặt khác, với môi trường kinh doanh còn nhiều ưu đãi dành cho các tập đoàn kinh tế nhà nước thì kết quả xử lý của hội đồng cạnh tranh đối với các doanh nghiệp độc quyền có thể không còn khách quan, khi chính hội đồng cạnh tranh đôi khi cũng phải chịu những sức ép nhất định từ bên ngoài trong quá trình xử lý các sai phạm của tập đoàn. Hơn nữa các doanh nghiệp thương mại thông thường không dám khởi kiện doanh nghiệp độc quyền do khó tìm được nguồn hàng thay thế.

Chính vì vậy, việc “Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh” như mục 2 điều 56 dự thảo sửa đổi hiến pháp là một ý tưởng hay nhưng lại khó khả thi, đặc biệt là khi cấu trúc của nền kinh tế VN vẫn còn đang loay hoay trong cụm từ “tái cấu trúc”.

Mục 3, điều 56, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định: “Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường.

Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”. Một khi Nhà nước cam kết không quốc hữu hóa các tài sản của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh ít biến động và ít rủi ro hơn cho các nhà đầu tư. Kết quả là các nhà đầu tư sẽ an tâm đầu tư lâu dài, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Theo tôi, việc trưng mua, trưng thu tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân vào các mục đích an ninh, quốc phòng, hoặc khi thiên tai... theo giá thị trường là hoàn toàn hợp lý. Tuy vậy, cần xác định rõ các trường hợp được trưng mua, trưng thu tài sản của công dân. Nếu chỉ nói chung chung là “lợi ích quốc gia” thì sẽ rất khó cho các nhà làm luật sau này. Một khi hiểu sai và xác định sai việc gì là “lợi ích quốc gia” thì sẽ dễ gây ra nhiều ý kiến và hành động trái chiều nhau của các cán bộ lãnh đạo địa phương. Khi đó, “lợi ích quốc gia” sẽ nhanh chóng trở thành “lợi ích nhóm”.

HOÀNG THỊ HỒNG LỘC - Công ty TNHH MTV phân phối Miền Tây (MKD)

ĐINH HOÀNG THẮNG (Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng VN): Xây dựng chế độ pháp quyền hiệu quả

Ở VN, do đặc tính lịch sử nên việc xây dựng chế độ pháp quyền có thể gặp một số thách thức và cản trở. Đầu tiên, khó đảm bảo việc các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước luôn luôn tuân thủ pháp luật. Khi vi phạm pháp luật, việc xác lập trách nhiệm giải trình của họ chưa dễ dàng. Thứ hai, trong nhiều lĩnh vực cơ quan hành pháp kém hiệu quả, tạo ra bất bình đẳng trong xã hội, phúc lợi được phân bổ không công bằng; khoảng cách giàu nghèo càng lớn. Thứ ba là một số đạo luật không rõ ràng, tự mâu thuẫn và hạn chế hiệu lực lẫn nhau. Thứ tư, việc thực thi pháp luật ở VN tốn kém và không tin cậy, tính tuân thủ pháp luật của người dân chưa cao. Thứ năm, có ảnh hưởng lớn của các nhóm lợi ích trong quá trình ban hành chính sách và pháp luật.

Do vậy, hiến pháp sửa đổi lần này cần phải cân nhắc tới các khó khăn và thách thức kể trên để đảm bảo xây dựng một chế độ pháp quyền thật sự hiệu quả. Theo tôi, khi quy định về chế độ pháp quyền, hiến pháp mới cần được sửa đổi trong từng khoản mục một cách phù hợp theo hướng như sau:

● Các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước bắt buộc phải tuân thủ pháp luật.

● Cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp hoạt động phải chuyên nghiệp, độc lập và hiệu quả giúp hạn chế bất bình đẳng trong xã hội, phân bổ công bằng phúc lợi xã hội.

● Các đạo luật phải rõ ràng, không tự mâu thuẫn và hạn chế hiệu lực lẫn nhau, văn bản ra đời sau có hiệu lực ưu tiên so với văn bản trước, văn bản pháp luật được phát hành bởi cấp cao hơn có hiệu lực ưu tiên so với văn bản được phát hành bởi cơ quan cấp thấp hơn.

Đây là những yêu cầu tối cần thiết quy định về các văn bản pháp luật và việc thực thi các đạo luật đó. Những yêu cầu này nhất thiết cần được tiếp tục bổ sung và nhấn mạnh trong hiến pháp sửa đổi.

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/ban-doc/533310/chong-doc-quyen-y-tuong-hay-nhung-kho-kha-thi!.html