'Chim cắt số 2' của Không quân Việt Nam

Không nhiều nhân vật trong lịch sử không quân VN được nhắc đến nhiều như Anh hùng Nguyễn Văn Cốc. Ông trở thành một biểu tượng với hàng loạt kỷ lục của lịch sử không quân thế giới, trong đó phải kể đến chiến thuật Chim cắt số 2 với MiG 21 trở thành huyền thoại.

Muốn gặp Trung tướng, Anh hùng Nguyễn Văn Cốc phải đăng ký nhiều thủ tục vì trên danh nghĩa ông vẫn đang công tác ở Thanh tra Bộ Quốc phòng. Nhưng khi đặt vấn đề về sự kiện chia tay máy bay tiêm kích MiG 21, ông không hỏi thêm bất cứ điều gì và đồng ý ngay một cuộc hẹn.

Anh hùng Nguyễn Văn Cốc -phi công phản lực Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 - đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: Phạm Hải

Anh hùng Nguyễn Văn Cốc -phi công phản lực Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 - đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: Phạm Hải

Căn nhà nhỏ ở Thái Hà nơi ông ở dành một vị trí trang trọng nhất là tấm ảnh khổ vừa lưu giữ khoảnh khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh và phi công Nguyễn Văn Cốc kèm theo một trong những câu nói nổi tiếng nhất của không quân VN: “Bác chúc không quân có thêm nhiều Cốc nữa”.

Ghi chú ngày 1/1/1969 (âm lịch) nhằm ngày 16/2/1969. Năm đó, Đại úy Nguyễn Văn Cốc - phi công phản lực Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 - đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Căn phòng vừa là chỗ sinh hoạt, vừa là nơi ngày ngày ông tập luyện để chống chọi căn bệnh liệt toàn thân mà ông mắc phải từ hơn chục năm về trước.

Có người đã nói rằng, so với Nguyễn Văn Cốc từng tung hoành trên bầu trời miền Bắc, bắn rơi hàng loạt máy bay địch thời chiến tranh chống Mỹ với Nguyễn Văn Cốc chống chọi bệnh tật thì luận Anh hùng cũng chỉ bên 9 bên 10 mà thôi.

“Tớ chỉ bị liệt từ phần cổ trở xuống”, Tướng Cốc nói.

"Bác chúc không quân có thêm nhiều Cốc nữa". Ảnh tư liệu

Trên bàn bày ra hai ly cà phê nóng hổi, thức uống bác sĩ “lệnh” ông phải kiêng tuyệt đối nhưng hễ có khách ông vẫn uống như thường.

Sự trịnh trọng ấy có thể đến từ cốt cách con người vị Anh hùng không quân Việt. Lòng tôi chùng xuống khi người anh hùng từng bắn rơi máy bay Mỹ nhiều nhất VN cố gắng lê từng ngón tay một, khó nhọc chạm vào cốc cà phê.

Nhưng ngay cả trong hoàn cảnh ấy, phẩm chất Anh hùng trong con người ông còn mãnh liệt hơn. Đầu óc vị tướng già vẫn đầy minh mẫn, hoạt bát và thông thái so với tuổi 74 của ông.

Chinh phục MiG 21

“MiG 21 giống như một con ngựa chiến dũng mãnh, chinh phục rất khó, nhưng khi đã chinh phục được rồi thì nó lợi hại vô cùng”, Anh hùng Nguyễn Văn Cốc mở đầu câu chuyện về “cánh én bạc” huyền thoại đầy xúc động.

Vị tướng già “tua” lại chậm rãi, chi tiết những câu chuyện như mới thể mới hôm qua dù đã cách nhau đến cả nửa thế thế kỷ.

Ông Cốc (bìa phải) chụp cùng đồng đội năm 1969. Ảnh tư liệu

Tháng 9 năm 1961, ông cùng đoàn huấn luyện phi công 120 người đáp chuyến tàu hỏa từ Hà Nội sang Mạc Tư Khoa để tham gia lớp đào tạo tại Trường Không quân ở Liên Xô. Chuyến đi mất nửa tháng trời. Sau khi về nước, Nguyễn Văn Cốc về Đại đội 1, Trung đoàn 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ), nhưng không lâu sau lại được chọn đi học chuyển loại máy bay MiG ở Liên Xô một năm nữa.

Giữa tháng 5 năm 1966, Nguyễn Văn Cốc trở về nước tham gia chiến đấu cùng lực lượng không quân. Và chỉ một tháng sau, ông đã có tên trong phiên đội chiến đấu ở sân bay Nội Bài, sẵn sàng xuất kích bất cứ lúc nào.

Kể đến đây, ông nói rất nhiều về tương quan lực lượng không quân giữa VN và Hoa Kỳ thời điểm đó. Đó là cách minh chứng rõ ràng nhất về vai trò của MiG 21 trong chiến tranh VN.

Các phi công Mỹ được huấn luyện kỹ lưỡng, đặc biệt là lực lượng có truyền thống và kinh nghiệm tác chiến trong chiến tranh thế giới thứ II và chiến tranh Triều Tiên.

Họ điều khiển máy bay và bay chuyên nghiệp, được trang bị vũ khí tối tân, trong đó có các khí tài tác chiến điện tử. Các phi công tiêm kích thường có số giờ bay rất cao, đến hàng nghìn giờ.

Trong khi đó, những phi công tiêm kích VN có số giờ bay cực ít, thậm chí nhiều người mới chỉ bay lần đầu.

Khi bước vào trận chiến, các đợt không kích của Không quân Mỹ thường có số lượng bay rất đông, được hỗ trở bởi một hệ thống trinh sát, dẫn đường, đảm bảo hậu cần, kỹ thuật rất mạnh và hiện đại, bao gồm cả hệ thống lực lượng tìm kiếm cứu hộ khẩn cấp hiện đại (МеdEvac).

"Trong những cuộc không chiến trước đó, máy bay MiG 17 của chúng ta đương nhiên là gặp quá nhiều bất lợi so với các máy bay tối tân của phía bên kia. Cục diện chỉ thay đổi khi MiG 21 xuất hiện", ông kể.

Không chỉ Tướng Cốc mà những Anh hùng trong lực lượng vũ trang nhân dân VN, những chuyên gia quân sự trên thế giới đã đánh giá rằng, MiG 21 có tính năng kỹ chiến thuật tương đương, một vài tính năng chiến thuật còn tốt hơn cả F4 và F8 như tính cơ động rất cao (trên cả hai mặt phẳng đứng và mặt phẳng ngang ở độ cao lớn và độ cao trung bình), khả năng tăng tốc nhanh ở độ cao trung bình trở lên rất nhanh, tốc độ chiếm độ cao của MiG 21 tốt hơn so với máy bay tiêm kích Mỹ.

Tuy nhiên, so với những loại máy bay tiêm kích tối tân thời điểm đó, MiG 21 vẫn còn nhiều hạn chế. Điều kiện phóng tên lửa của MiG 21 đòi hỏi phải ổn định đường bay hơn.

Ngoài ra, góc mở theo dõi và bám mục tiêu của đầu tự dẫn tên lửa Mỹ cũng như bán kính sát thương của vụ nổ tên lửa Mỹ cũng lớn hơn so với MiG 21.

Anh hùng Nguyễn Văn Cốc. Ảnh: Phạm Hải

Ở độ cao thấp, máy bay F-105 có khả năng tăng tốc đến tốc độ siêu âm nhanh hơn của MiG. Radar trên máy bay của F-4 có công suất lớn hơn, tầm phát hiện mục tiêu là 60-70 km, hơn hẳn của MiG 21 là 15-16 km và hiện đại hơn.

Radar của MiG 21 là radar sử dụng các bóng điện tử, hoạt động không ổn định trong điều kiện thời tiết, khí hậu nhiệt đới…

Nhưng những thông số về sự hạn chế này đã được các phi công VN bù đắp bởi chính tài năng điêu luyện của mình.

Chiến thuật “Chim cắt số 2”

Tướng Cốc kể, chiến thuật của không quân VN thời điểm đó đã triệt để tận dụng những ưu thế cơ động, bí mật cơ động chuẩn bị chiếm vị trí có lợi và đột ngột chuyển hướng vào công kích, cũng như nhanh chóng thoát khỏi vòng chiến, tránh bị đeo bám bởi các máy bay tiêm kích Mỹ.

Hầu như các trận chiến đấu, số lượng máy bay tiêm kích của Mỹ thường đông hơn gấp nhiều lần nhưng nhờ chiến thuận chiến đầu này chúng ta đã khắc phục được nhiều hạn chế và đạt được những thành tích vẻ vang.

Chính Nguyễn Văn Cốc là người vận dụng cực kỳ linh hoạt chiến thuật “Chim cắt số 2”, một chiến thuật rất ít khi xuất hiện với MiG 21 trên thế giới.

"Sau khi trở về từ Liên Xô, tham gia trong đội hình biên đội MiG 21 hai chiếc, tôi được phân công ở vị trí số 2. Theo nguyên tắc chiến thuật, số 2 chỉ có nhiệm vụ yểm trợ, quan sát đối phương giúp cho số 1 vào công kích vì MiG-21 chỉ mang được 2 tên lửa.

Trong lần đầu tiên xuất kích trong biên đội do phi công Nguyễn Ngọc Độ (cũng là một Aces của VN) làm biên đội trưởng chiến đấu với các máy bay F-105 Thunderchief trên bầu trời Hòa Bình, Phú Thọ tôi đã phát hiện ra, vị trí số 2 cũng có thể tấn công máy bay địch”, ông kể.

Đó là trận trên không 30/4/1967, lúc ấy, sau khi yểm trợ cho biên đội trưởng bắn hạ một F-105, Nguyễn Văn Cốc bèn chớp thời cơ bắn hạ thêm một chiếc F-105 nữa, sau đó cùng đồng đội rút về an toàn. Đó cũng là chiếc máy bay đầu tiên mà ông bắn hạ.

“Đêm ngày 29/4/1967, Đại úy Nguyễn Ngọc Độ, Đại đội phó chỉ huy Trung đoàn 91 vỗ vai tôi bảo. Cốc chưa bắn được máy bay địch nào, cấp trên giao cho tớ kèm cặp bồi dưỡng cậu, ngày mai tớ với cậu đi trực, cố gắng nhé.

Hôm sau hai anh em xuất kích. Dưới sự chỉ huy sắc bén của Đại úy Độ, biên đội kéo dài thực hiện đúng phương châm số 1 vào công kích trước, số 2 bay phía sau yểm hộ.

Quá trình vào số 1 chỉ bảo số 2 phương thức vào trận thế nào. Cuối cùng số 1 bắn quả tên lửa trúng máy bay địch đồng thời thoát ly ra và chỉ dẫn số 2 vào công kích. Cự ly tốt rồi. Bắn đi. Bên tai tín hiệu tên lửa vang lên bắt được mục tiêu tia hồng ngoại ở động cơ máy bay địch, đủ điều kiện để phóng. Cốc bóp cò.

Dưới máy bay, quả tên lửa phụt ra và bay thẳng vào máy bay địch chẳng khác gì một bó đuốc trên trời. Biên đội trưởng reo lên trong máy 2 lần liên tiếp: Hoan hô, số 2 đã bắn rơi được máy bay địch rồi. Trung tá Trần Mạnh, Trung đoàn trưởng ngồi ở Sở chỉ huy ra lệnh: Biên đội bình tĩnh, thoát li về hạ cánh”, Tướng Cốc kể rõ từng chi tiết một về chiến tích đầu tiên.

Ghi bóng trên không

Triết lý chiến đấu trên MiG 21 của vị anh hùng nổi tiếng bậc nhất của không quân VN đơn giản như đá bóng. Trung tướng Cốc mô tả, bắn máy bay địch giống như việc ghi bàn thắng.

“Bình thường có thể 'tịt ngòi' rất lâu, nhưng một khi đã ghi bàn rồi thì' 'phá dớp', ghi liên tục”, ông hài hước kể.

Theo chiến thuật cải tiến của Nguyễn Văn Cốc, phi đội của ông cao điểm có thể bắn hạ được 3 máy bay đối phương, cá nhân ông bắn hạ 6 chiếc ở vị trí số 2.

Từ đó, chiến thuật cải tiến được đưa vào huấn luyện và đem lại hiệu quả tốt giúp không quân VN nâng cao hiệu suất trong một thời gian, khiến cho các phi công Mỹ cũng phải khâm phục.

Trong toàn bộ các cuộc không chiến trên bầu trời Bắc VN, ông có số máy bay bắn hạ cao nhất của cả VN và Mỹ (9 chiếc máy bay Mỹ gồm 5 chiếc F-105, 2 chiếc F-4 và 2 chiếc máy bay trinh sát không người lái). Ngoài ra, ông còn hỗ trợ đồng đội bắn hạ thêm 9 máy bay nữa.

Lúc dũng mãnh như Võ Tòng đả hổ

Lúc nhẹ nhàng như thiếu nữ thêu hoa

Đó là hai câu thơ Thượng tướng Đào Đình Luyện, nguyên Tư lệnh Không quân thường nói về những Anh hùng lái MiG 21. Hai câu thơ nằm lòng trong suốt cuộc đời chiến đấu của Anh hùng Nguyễn Văn Cốc.

“Với máy bay MiG 21, chúng ta phải có sự tôn vinh xứng đáng”, người anh hùng hướng ánh mắt về những chiếc máy bay mô hình của nhiều người kính tặng rồi xa xăm nhìn lên bầu trời qua ô cửa sổ.

Hoàng Sang

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/276233/-chim-cat-so-2--cua-khong-quan-viet-nam.html