Chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2020: Cần tránh hô khẩu hiệu

Sau gần 40 năm giải phóng và hơn 20 năm phát triển kinh tế thị trường, nền kinh tế VN dù đã có sự phát triển vượt bậc, nhưng vẫn nằm trong số các nước thu nhập thấp so với thế giới. Chính vì vậy, quan điểm phát triển cần chỉ rõ chiến lược kinh tế của chúng ta sẽ đi theo mô hình và thể chế kinh tế cụ thể nào.

Cách diễn đạt trong hầu hết 5 tiểu mục của mục này đều bộc lộ một phương pháp định tính, chung chung kiểu văn phong nghị quyết, giao nhiệm vụ hơn là văn phong chiến lược kinh tế - xã hội. Người đọc phải “dịch” ý thì mới tìm được nội hàm của quan điểm. Nếu đếm chỉ trong 1,5 trang của mục này có thể tìm thấy vài chục từ chung chung, như: phải, đẩy mạnh, quyết liệt, từng bước, tăng cường, gắn với... khó có thể chỉ rõ rút cục là chiến lược kinh tế này sẽ đi theo mô hình và thể chế kinh tế cụ thể nào. Ví dụ, khi đã khẳng định “phát triển bền vững” là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược, nhưng không thấy dự thảo giải thích nội hàm của sự bền vững ấy là bền vững theo kết cấu mô hình nào; Phát triển theo chiều sâu, thì ai, cái gì tạo ra chiều sâu: sâu do người Việt chế tạo ra, làm ra; sâu kiểu đứng lên vai người khổng lồ để phát triển lên hay sâu kiểu nhập vào, đi theo, làm thuê cho nước ngoài ngay trong nước mình như đang diễn ra lâu nay ? Cơ chế quan hệ giữa các bên trong cặp quan hệ quản lý và bị quản lý là thế nào để không mang bệnh “ngồi nhầm”: người giỏi thì không được làm, người được làm thì không ít vị trí quan trọng lại không giỏi... có ở mọi cấp, mọi ngành. Dự thảo đã dùng tới 14 dòng cỡ chữ 12, khổ A4 để mô tả quan điểm phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt của chiến lược và rất nhiều đoạn trong các mục tiếp sau về phát triển bền vững, nhưng người đọc vẫn thấy rất lờ mờ không nhận chân được lõi của mô hình phát triển bền vững đó là gì ? Chỉ thấy loanh quanh về quan hệ giữa phát triển nhanh với phát tiển bền vững là tiền đề, là chỗ dựa cho nhau, cái nọ phải phục vụ cái kia - Rằng “Phát triển nhanh và yêu cầu phát triển nhanh cũng đặt ra hết sức cấp thiết. Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững...”! Cách viết này là rất không nên trong dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để tạo điều kiện cho toàn dân cùng hiểu, cùng làm và cùng yên tâm, phấn khởi... Tôi cho rằng nếu chúng ta thừa nhận và phấn đấu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong mô hình nhà nước pháp quyền thì về quan điểm trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2020 cũng không nên nói đến vấn đề thành phần kinh tế hay giai cấp, cũng không nên hành văn theo kiểu “giao nhiệm vụ” cho từng thành phần kinh tế mà quan điểm phát triển kinh tế nên nhấn mạnh quan hệ giữa Nhà nước với nền kinh tế là quan hệ giữa pháp luật, tính nghiêm minh, minh bạch, công bằng, đúng trách nhiệm phận sự với phía bên đối tượng thực thi là các chủ thể sản xuất, kinh doanh theo thể chế kinh tế thị trường – Theo đó, sẽ tiến nhanh tới một mô hình: Nhà nước dẫn dắt nền kinh tế bằng luật pháp (Nhà nước không đồng thời là người sản xuất, kinh doanh), thị trường dẫn dắt các chủ thể sản xuất, kinh doanh bằng các quy luật và chính nhu cầu xã hội, sự tiện nghi hiện đại của kết cấu hạ tầng, nền giáo dục trang bị đồng loạt, thống nhất các kiến thức làm hành trang vào đời cho thế hệ trẻ, sự phát triển nội hóa các thành tựu khoa học – công nghệ (cũng phát triển theo quy luật thị trường và đóng vai trò mở đường, tạo môi trường, tạo công cụ cho các lực lượng sản xuất khác phát triển) cùng kiến trúc thượng tầng ưu việt như nền chính trị ổn định, đạo đức, văn hóa, khoa học - nghệ thuật... hướng tới thẩm mỹ theo giá trị đặc sắc dân tộc và chọn lọc tính phổ biến các thành tựu quốc tế sẽ tạo môi trường và đồng thời là thị trường cho sự phát triển của các chủ thể sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tạo ra ngày càng nhiều, càng ở đẳng cấp cao các chủng loại hàng hóa có hàm lượng giá trị gia tăng cao trong sản phẩm và tạo ra của cải sung túc cho từng người lao động, từng gia đình và đất nước. Tình hình kinh tế VN sở dĩ còn lạc hậu như hiện nay sau gần 40 năm giải phóng và hơn 20 năm xâm nhập kinh tế thị trường, có lẽ nằm ở nhóm nguyên nhân trực tiếp nhất hiện nay là ở chỗ phân biệt đối xử, sự không minh bạch và thiếu công bằng quá lâu đối với các chủ thể (thể nhân và pháp nhân) của nền kinh tế. Bằng chứng là, trong khi chúng ta phân biệt nhiều thành phần kinh tế thông qua luật pháp điều chỉnh khác nhau, điều kiện tiếp cận các tài nguyên quốc gia khác nhau, trải thảm đỏ cho chủ nước ngoài vào khai thác tài nguyên, môi trường sức lao động trong nước, v.v. thì đến nay mọi người dù là dân thường cũng nhận thấy rất rõ là: người lao động đã và có thể còn tiếp tục bị bóc lột bởi bất cứ thành phần kinh tế nào. Đơn giản là họ bị trả lương thấp hơn nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, bị lao động trong môi trường dưới chuẩn về bảo hộ lao động, bảo hiểm y tế hay về vệ sinh môi trường làm việc... như đã thấy ở mọi thành phần kinh tế. Chính vì vậy, về quan điểm phát triển, trong văn kiện chính thức cũng nên nêu rõ là: giải bài toán về sự yếu kém trong kinh tế ngày nay ở nước ta chính là tạo môi trường công bằng, bình đẳng, nghiêm minh... chứ không phải bằng phân biệt, càng không nên phân biệt không tương xứng giữa các thành phần kinh tế do chính mô hình cũ đã tạo ra; Cũng không nên “giao nhiệm vụ” cho từng thành phần kinh tế như nêu tại tiểu mục 4 về “vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước, phát triển kinh tế tập thể lấy HTX làm nòng cốt, khuyến khích phát triển thành phần kinh tế hỗn hợp để kinh tế cổ phần trở thành phổ biến...”. Các diễn đạt này và việc vận hành theo mô hình “chạy đua không cân sức” này đã diễn ra khá lâu, nhưng rõ ràng là hiệu quả không cao. Nếu cần có thể phân biệt theo nhóm ngành, theo quy mô DN và/hoặc theo tập đoàn kinh tế, mà không nên phân biệt theo sở hữu. Trái lại, từ nguồn thu thuế, thu phí, thu quyền sử dụng tài nguyên, khai thác tài nguyên quốc gia, thu về từ CPH..., Nhà nước phải không tiếc tiền của cho việc gieo hạt, tạo vườn ươm và tôn vinh mọi tài năng trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực chế tạo, công nghệ chế biến, chuyển giao công nghệ để cung cấp cho xã hội, cho DN bất kể Nhà nước có cổ phần trong DN đó hay không chứ không phải Nhà nước vào DN, có mặt trong DN hay tự mở DN của mình để làm theo luật của mình và cạnh trạnh với thành phần khác rất yếu thế hơn ngay cả khi họ giỏi giang hơn nhiều về phương diện chuyên môn, tay nghề... như thực tế đã diễn ra trong suốt những năm qua. Trong nền kinh tế thị trường chỉ có các quan hệ giữa cơ quan quản lý bằng pháp luật là Nhà nước với đối tượng bị quản lý bình đẳng, minh bạch là các DN, người sản xuất hàng hóa; Cơ chế để vận hành nền kinh tế là các quy luật thị trường và sự điều tiết của Nhà nước vì mục tiêu dân giàu, nước thịnh trên cơ sở công bằng, dân chủ, văn minh. Đó cũng chính là nội hàm mà bản góp ý này muốn bổ sung vào mục: “đổi mới đồng bộ về kinh tế và chính trị” ghi trong mục 2, nhưng nội hàm trong dự thảo lại giải thích rất chung chung, khó hiểu, thậm chí không rõ thế nào là nhiệm vụ “trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN...” ? Giải bài toán theo mô hình đã đề xuất ở trên có thể tóm gọn lại thành quan điểm là: Nhà nước dẫn dắt thị trường, thị trường dẫn dắt người sản xuất kinh doanh, người sản xuất kinh doanh tạo ra của cải vật chất, lợi nhuận, nuôi chính mình, nộp thuế nuôi Nhà nước và tạo thị trường cạnh tranh trong công bằng. Với mô hình này tự nó sẽ đáp ứng được các quan điểm khác đã nêu trong dự thảo về dân chủ, nhân quyền, thu hút khoa học công nghệ và nhất là tạo dựng được một nền kinh tế độc lập tự chủ, cạnh tranh trong hội nhập. TS Nguyễn Đại Lai - Chuyên gia kinh tế

Nguồn StockBiz: http://stockbiz.vn/news/2010/11/15/159366/chien-luoc-phat-trien-kinh-te-giai-doan-2011-2020-can-tranh-ho-khau-hieu.aspx