Chiếc cặp sách màu đỏ

Tôi vào lớp 1, không xúng xính quần quần áo áo như nhiều đứa trong làng, tôi chỉ có niềm hân hoan của đứa trẻ ngày đầu đến lớp, gọi thầy cô xưng em chứ không xưng cháu như ở lớp mẫu giáo nữa. Mấy hôm trước, mẹ ngồi cặm cụi với cuộn dây cước trắng, mẹ bảo đan cặp sách cho tôi. Tối nào tôi cũng ngồi chăm chú với những mắt lưới, với những ngón tay khéo léo của mẹ. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy cái túi nào đẹp như thế cả, những mắt lưới cứ xoe tròn như đôi mắt của tôi.

Tôi tung tăng chân sáo trên suốt quãng đường làng, vênh vang vì chẳng đứa nào có cái túi cước trắng nhỏ xinh như mình. Nhưng rồi tôi gặp rắc rối với “chiếc cặp”, những que tính của tôi mất dần, ngày nào tôi cũng phải chăm chú tìm que kem mà những đứa trẻ con nhà khá giả bỏ lại trên đường để nhặt về vót que tính, tôi không còn thời gian để vênh vang mỗi khi có đứa nhìn chăm chú chiếc cặp sách của mình nữa. Mẹ tôi kiểm tra, bộ que tính đều chằn chặn mẹ đi xin tre về vót, gác gác bếp không còn nữa; mẹ nhìn đám que tính cái tròn, cái vuông, cái dài, cái ngắn của tôi tức giận; tôi cũng không biết que tính của tôi sao lại cứ mất mỗi ngày. Mãi rồi mẹ mới biết cái cặp sách là nguyên nhân, bà không nói gì, lặng lẽ móc lại những mắt lưới bị đinh bàn học trên lớp giật đứt; ngày hôm sau, bộ que tính của tôi được buộc lại, tôi vẫn tung tăng đến lớp nhưng không hiểu sao cái vênh vang chẳng bao giờ trở lại nữa. Lớp 2, tôi quay sang căm thù cái túi. Giờ toán, tôi không thấy hai chiếc bút bi và bút chì đâu cả, cô giáo bước xuống, vở tôi vẫn chưa được chữ nào, tôi ấp úng: “Em, em quên bút ở nhà”; cô giáo cầm thước kẻ gỗ, bắt tôi ngửa hai tay lên bàn vụt: “Đi cày mà lại quên trâu à”. Tôi không khóc, cũng không nhắm mắt mỗi khi cái thước gỗ giơ lên rồi vụt xuống, chỉ trân trân nhìn hai bàn tay bé xíu đỏ nhừ. Tôi nằng nặc đòi mẹ mua cặp sách như bọn bạn cùng lớp, bà bảo thôi để mẹ móc cho cái mới mau hơn, cái này cũng cũ rồi, dễ đứt. Ngày nào cũng thế, tôi phụng phịu đến lớp với cái túi cước, mắt lưới dày hơn, không rơi bất cứ cái gì ra ngoài được nữa nhưng tôi vẫn ghét nó, tôi ước ao có được chiếc cặp sách như của thằng Hà ngồi cạnh. Là trường làng nhưng chất lượng dạy và học tốt nên bọn trẻ con thị trấn đều được bố mẹ gửi xuống làng tôi học, lớp tôi lại là lớp chọn nên phần lớn chúng nó là con nhà giàu, cái gì của chúng nó cũng đẹp; tôi không khen, không tỏ ra thích thú nhưng thực sự tôi tủi thân. Lên lớp 3, tôi học vẫn đứng đầu lớp, bỏ xa chúng nó nên tất cả đều chơi với tôi, thân thiết là khác, nhưng cũng vì thế mà tôi càng tủi thân. Một buổi chiều, mấy đứa bạn mang đến cho tôi chiếc cặp sách, cái Linh bảo đây là cặp cũ của chị nó không dùng nữa. Tôi cũng không hiểu vì sao ngày ấy một đứa trẻ 8 tuổi lại biết rằng không bao giờ được để người khác thương hại, tôi nhất quyết không lấy nhưng bọn nó cứ để lại rồi nháy nhau cùng chạy về. Nhưng đứa trẻ 8 tuổi vẫn chỉ là…8 tuổi. Nhìn cái cặp sách giống hệt cái cặp của thằng Hà, tôi quên luôn lòng tự trọng của con nhà nghèo, cả buổi chiều tôi xoắn lấy chiếc cặp bị hỏng một bên khóa. Ba đi cày về, chưa kịp ra giếng rửa lớp bùn còn ngai ngái đến đầu gối tôi đã ùa ra, xoay ba bốn vòng tíu tít khoe: “Ba ơi đẹp không này! Cặp sách của con đấy”. Tôi kể bọn bạn mang cho con chiếc cặp, cái này mà mới là mười lăm nghìn đấy, trong này có bốn quyển vở ô ly in hình thủy thủ mặt trăng đẹp lắm, còn cả gần mười nghìn nữa ba ạ, chưa bao giờ con có vở đẹp như thế, thấy nhiều tiền như thế; tôi vừa kể vừa lôi vở, lôi tiền ra khoe. Tôi ngẩng lên nhìn thân hình cao cao, gầy guộc của ba, thấy ông đứng im lặng, tôi bắt đầu sờ sợ không dám nói gì nữa; đột ngột ông kéo tôi lại, phát cho tôi mấy cái vào mông: “Con đã hỏi ba chưa mà con dám nhận, ngay ngày mai mang trả nghe chưa”. Tôi ôm khư khư chiếc cặp sách mếu máo: “Con ứ trả, của con, của con...”. Sáng hôm sau, tôi phải đem trả chiếc cặp, cái Linh không hiểu gì, chạy theo nắm tay tôi, tôi nghe rõ tiếng mẹ nó quát: “Linh, quay vào, mặc kệ nó, đã nghèo còn sĩ”, tôi giằng bàn tay bé nhỏ khỏi tay cái Linh, cắm đầu chạy thật nhanh để thoát khỏi cái ngõ có cánh cổng to dưới giàn hoa giấy trắng, hồng; gió cuốn bụi đường làng bay vào mắt, tôi khóc. Tôi về, len lén đứng sau cột nhà nhìn ba lom khom xúc gạo trong chum, tiếng ống bơ sữa bò chạm đáy chum sành nghe sàn sạt. Đợi ba xách túm gạo ra cổng tôi mới bắc ghế đẩu nhảy vào bồ thóc, tôi ngã ngồi, nền đất mát lạnh cả chân, cả mông. Tôi chạy ra vườn hỏi hôm nay nhà mình ăn gì hả mẹ. Mẹ tôi lại lặng im, kéo tôi vào lòng và khóc. Buổi chiều, ba cõng tôi ra chợ, chốc chốc ba phải quay lại kéo tôi rời khỏi hàng bánh kẹo xanh đỏ, hàng đồ chơi sặc sỡ. Ba cho tôi vào cửa hàng bách hóa, tôi hoa mắt trước những chiếc cặp sách còn đẹp hơn cả trong giấc mơ của tôi. Ba bảo con chọn một cái đi! Hình ảnh ba lom khom vét những bơ gạo cuối cùng khiến tôi im lặng một lúc mới lí nhí trả lời cái cặp sách của con vẫn dùng được mà. Ba nhấc bổng tôi lên mặt quầy: Từ ngày đi học con đã có cái cặp sách nào đâu - ông chỉ vào chiếc cặp màu đỏ - cái này nhé... Những năm sau gia đình tôi khá hơn, ba mẹ mua cho hai chị em những chiếc cặp rất đẹp nhưng tôi vẫn dùng cái màu đỏ đến khi hết cấp 2, mỗi lần chơi đùa, co kéo hay đánh nhau, đường may toạc chỉ, tôi lại về đòi mẹ lấy dây dù khâu lại chứ nhất định không chịu đeo cái mới. Đã mười mấy năm trôi qua nhưng hình ảnh chiếc cặp sách màu đỏ giá hai mươi bảy nghìn đồng vẫn in đậm trong tâm trí, trong tuổi thơ thiếu thốn của tôi. Huy Viên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=18330&menu=1434&style=1