Chia sẻ đầu xuân của doanh nghiệp KHCN hậu ký kết TPP

Chưa bao giờ vấn đề khoa học công nghệ trong cạnh tranh và phát triển được thảo luận nhiều như trong đàm phán TPP. Và năm mới 2016 đã trở thành dấu mốc quan trọng khi "Hiệp định thế kỷ" được ký kết. Điều này sẽ tạo ra "cú hích" đối với những doanh nghiệp có sự chuẩn bị nghiêm túc. Nhưng cũng dễ tạo thành "lực ma sát" trì kéo sự phát triển khi doanh nghiệp còn loay hoay chuyện đầu tư cho đổi mới...

Ngày 4/2/2016, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết tại Auckland, New Zealand, mở đầu cho một sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của 12 nước thành viên tham gia. Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh triển vọng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp không ít những khó khăn, thách thức khi tham gia sân chơi lớn này. Mở đầu năm mới 2016, Khampha.vn đã phỏng vấn một số doanh nghiệp công nghệ cao để lắng nghe những chia sẻ của họ trước thềm hội nhập.

Ông Đồng Văn Dũng, Giám đốc Công ty CP Giải pháp xây dựng HT

Được chứng nhận là Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ ngày 1/12/2014 với sản phẩm Miệng cống thoát nước có lưới chắn rác cố định và miệng thu nước được chế tạo liền khối, Công ty CP Giải pháp xây dựng HT là doanh nghiệp đi đầu tại TP.HCM trong việc tìm kiếm phương pháp giảm tải ngập lụt, triều cường, vốn là vấn đề nan giải của thành phố trong thời gian qua.

Ông Đồng Văn Dũng, Giám đốc Công ty CP Giải pháp xây dựng HT

Theo ông Dũng, sản phẩm của công ty HT chuyên cung cấp cho các dự án thuộc sự quản lý của Nhà nước. Do đó, sức ép cạnh tranh cũng không quá lớn. Tuy nhiên để phát triển, trong thời gian tới, công ty sẽ xây dựng những giải pháp công nghệ mới, tìm kiếm những loại vật liệu thay thế để đưa vào quy trình sản xuất của mình. Mục tiêu là rút ngắn thời gian sản xuất nhưng sản phẩm đưa ra thị trường vẫn đảm bảo chất lượng.

“Trong giai đoạn còn được bảo hộ, chúng tôi sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất về công nghệ để có thể đón đầu xu hướng mới. Muốn làm được điều đó, không có gì ngoài tiếp tục nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Hiện công ty đã có thêm 3 sản phẩm đang xin bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Khi đăng ký thành công, chắc chắn sẽ tạo bước đột phá trong quá trình phát triển của công ty”, ông Dũng nói.

Bà Phạm Thị Kim Loan, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại – Sản xuất – Xuất nhập khẩu Ngân Hà

Là công ty hoạt động trong lĩnh vực y tế, Công ty TNHH MTV Thương mại – Sản xuất – Xuất nhập khẩu Ngân Hà đã nổi tiếng trên toàn thế giới với các sản phẩm gối cổ, ghế, dép… hỗ trợ các bệnh về cột sống. Hiện công ty đã có hàng trăm sản phẩm được bảo hộ độc quyền trên toàn thế giới, góp phần đưa thương hiệu sản phẩm Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Theo bà Loan, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang tới gần, doanh nghiệp Việt sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Lý do là bởi họ có khả năng quản trị tốt, tiềm lực tài chính cao và kinh nghiệm thương trường quốc tế lớn. Trong khi doanh nghiệp trong nước còn tương đối nhỏ lẻ và khả năng liên kết còn yếu.

Bà Loan cho biết, khác với các doanh nghiệp thường, doanh nghiệp KHCN có một lợi thế rất lớn là được bảo hộ độc quyền sản phẩm trên toàn lãnh thổ Việt Nam. “Khi sản phẩm đã được bảo hộ, dù có hội nhập quốc tế, các thành viên đều phải tôn trọng sự bảo hộ độc quyền của mỗi nước. Điều này sẽ giảm đi rất nhiều sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau, giúp chúng ta có thể tập trung toàn lực để nghiên cứu, đổi mới công nghệ và phát triển”.

Được biết, hiện sản phẩm của công ty đã đăng ký bảo hộ độc quyền không chỉ ở Việt Nam mà cả ở 55 nước trên thế giới.

Bà Phạm Thị Kim Loan, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại – Sản xuất – Xuất nhập khẩu Ngân Hà

Cũng theo bà Loan, với những sản phẩm độc quyền, sản phẩm đặc biệt, bên cạnh hỗ trợ những chính sách về tài chính, Bộ KHCN hoặc các cơ quan liên quan cần có thêm sự hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề truyền thông, bởi đây là những kênh chính thống, chắc chắn sẽ tạo được niềm tin đối với cộng đồng. “Hiện nay, doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ không phải là quá nhiều trên thị trường. Do đó, Bộ KHCN hoàn toàn có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phổ biến nó ra. Điều này không những giúp cho sản phẩm đến gần với thị trường hơn mà còn tạo động lực để cho nhiều doanh nghiệp khác tìm tòi, nghiên cứu để đổi mới công nghệ, tìm ra sản phẩm mới”.

Ông Dương Thành Tài, Phó Tổng giám đốc Nghiên Cứu, Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam

Công ty CP Giống cây trồng miền Nam là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng, nông sản, vật tư nông nghiệp. Đồng thời thiết kế, chế tạo, lắp đặt, xuất khẩu các loại máy móc, thiết bị chế biến hạt và nông sản. Được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN năm 2012, công ty đã không ngừng nghiên cứu, lai tạo ra các giống cây trồng mới phục vụ cho nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông Tài, ngành hạt giống từ lâu đã được ưu đãi về thuế và các công ty nước ngoài cũng được nhà nước tạo điều kiện cho phát triển ở Việt Nam. Do đó, “chưa vào TPP thì các công ty trong nước cũng đã phải vất vả chống chọi với công ty nước ngoài trên sân chơi tương đối bình đẳng rồi”. Khi tham gia vào TPP, cơ cấu chủng loại, tỷ lệ sản lượng cũng như chất lượng nông sản thay đổi theo chiều hướng tích cực lên, yêu cầu cao hơn sẽ tạo đầu ra cho các công nghệ mới trong lĩnh vực hạt giống, công nghệ sản xuất và chế biến thực phẩm sạch… “Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho các công ty làm trong lĩnh vực nghiên cứu giống cây trồng như chúng tôi”.

Tuy nhiên, ông Tài cũng thừa nhận, khi tham gia vào TPP, doanh nghiệp sẽ gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Trước đây nhà nước còn có thể bảo hộ các công ty giống nhỏ yếu trong nước bằng nhiều chính sách nông nghiệp, hỗ trợ vốn và tín dụng… thì nay hầu như chỉ còn có thể bảo hộ bằng các rào cản kỹ thuật. Trong khi đó, chúng ta còn khá non yếu trong kỹ năng xây dựng các rào cản kỹ thuật để bảo hộ hàng hóa trong nước.

Giống lúa JASMIN nguyên chủng được Công ty Cổ phần giống cây trồng miền Nam phát triển tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long

Để phát triển hơn nữa trong thời gian tới, công ty sẽ ưu tiên phát triển nguồn nhân lực bằng việc tuyển dụng và đào tạo một đội ngũ có năng lực chuyên môn và quản lý ngang tầm khu vực. Đồng thời, áp dụng hệ thống quản trị kinh doanh hiện đại, tăng tỉ lệ kinh phí nghiên cứu/công nghệ trên doanh thu, xem nghiên cứu sáng tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới là ưu thế cạnh tranh lớn nhất của công ty.

Ông Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Công nghiệp M.T.C

Hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện may, Công ty TNHH Thiết bị Công nghiệp M.T.C được Sở KH-CN TP.HCM chứng nhận là doanh nghiệp KH-CN với sản phẩm Máy ép trục khuỷu sản xuất viên nhiên liệu ngày 1/9/2012. Cho đến nay, sản phẩm của công ty đã và đang được thị trường đón nhận một cách tích cực, có khả năng cạnh tranh tốt với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo ông Văn, các công ty trong nước thường có quy mô nhỏ, vốn ít và nguồn nhân lực còn hạn chế. Với nội lực như vậy, các doanh nghiệp trong nước khó lòng tận dụng được triệt để các cơ hội mà TPP mang tới. Trái lại, còn có nguy cơ bị thua thiệt ngay chính trên sân nhà của mình.

Ông Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Công nghiệp M.T.C

Do đó, thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào hoạt động R&D để đa dạng hóa danh mục sản phẩm kinh doanh của mình. “Trong thời gian đầu hội nhập, chúng tôi sẽ ít gặp phải sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài do đã được sự bảo hộ độc quyền từ Nhà nước. Đây chính là giai đoạn bản lề, quyết định sự phát triển của công ty. Do đó, việc đầu tư nguồn nhân lực, kinh phí cho nghiên cứu chắc chắn sẽ được ưu tiên ở mức cao nhất để đón đầu cơ hội và đối phó với thách thức trong tương lai”.

Thiện An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/chia-se-dau-xuan-cua-doanh-nghiep-khcn-hau-ky-ket-tpp-c7a385248.html