Chế độ cho VĐV phải phù hợp với chi trả của Nhà nước

VĐV không được mua BHYT vẫn sẽ được đơn vị sử dụng lao động chi trả các khoản điều trị khi bị chấn thương.

- Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng:

Cựu vô địch thế giới đá cầu Huyền Trang đang vật lộn với căn bệnh ung thư. Ảnh: Lê Nam

Phía sau trường hợp của nhà cựu vô địch thế giới đá cầu Huyền Trang đang hàng ngày vận lộn với căn bệnh ung thư là nỗi buồn của chiếc thẻ bảo hiểm y tế và câu chuyện đầu ra. Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT.

Ông nhìn nhận như thế nào về một thực tế rất đáng suy nghĩ là hàng loạt VĐV, kể cả nhiều tuyển thủ hàng đầu dù muốn cũng không trụ lại được với thể thao lâu dài, nhất là sau khi giải nghệ?

Đặc thù thể thao hoàn toàn khác với các lĩnh vực khác khi có sự đào thải vô cùng khắc nghiệt. Có thể khi còn nhỏ thấy có năng khiếu song tập một vài năm mà VĐV không phát triển được lại phải thay người khác. Ngay cả các tuyển thủ đã đạt tới đỉnh cao cũng tương tự như thế, có nghĩa là sự đào thải này diễn ra liên tục. Hay VĐV đang tập luyện mà bị chấn thương không thể tập luyện thi đấu được nữa là phải nghỉ. Bởi số lượng lên tới hàng nghìn và phải thay thế liên tục nên chúng tôi không thể tuyển dụng vào ngành như các ngành khác.

Đó cũng là một vấn đề mà ngành Thể thao đang rất đau đầu và tìm mọi cách để tháo gỡ, bằng nhiều phương thức khác nhau, với mục tiêu VĐV sau khi giải nghệ được đào tạo và đào tạo lại để có nhiều “đầu ra” chứ không chỉ làm HLV, giáo viên thể chất.

Mới đây là trường hợp của cựu vô địch thế giới đá cầu Huyền Trang gặp bệnh hiểm nghèo mà không hề được đóng bảo hiểm y tế, hay trước đó là cua-rơ Nguyễn Thị Thà phải sớm giải nghệ vì gặp chấn thương thảm khốc tại Đại hội TDTT toàn quốc được bảo hiểm chi trả với mức rất thấp. Họ đã quá thiệt thòi vì mọi chế độ đều chỉ thực hiện đúng theo quy định Nhà nước, thưa ông?

Ngoài dinh dưỡng, tiền công và tiền thưởng, các chế độ khác đối với VĐV cũng được thực hiện giống như người lao động những ngành nghề khác.

Trong trường hợp không may bị chấn thương nặng phải giải nghệ sớm, VĐV chỉ được hưởng mức trợ cấp thương tật hàng tháng theo quy định. Hay VĐV phải nằm trong biên chế mới được đóng bảo hiểm y tế, mà phần lớn lại không thuộc diện này. Đây là điều mà chúng tôi rất trăn trở, song thực sự khi xây dựng chế độ chính sách, các cơ quan quản lý phải vừa đảm bảo sự công bằng với các đối tượng khác nhau, vừa phù hợp với khả năng chi trả của Nhà nước.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng.

Hiện tại, các VĐV không được mua BHYT vẫn sẽ được đơn vị sử dụng lao động chi trả các khoản điều trị khi bị ốm đau, chấn thương, tai nạn trong thời gian tập luyện, thi đấu. Với các VĐV được gọi lên đội tuyển quốc gia, nếu trong thời gian ở đội tuyển mà bị chấn thương, đau ốm, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, Tổng cục TDTT sẽ có trách nhiệm chi trả chi phí điều trị cho VĐV.

Quan điểm của ngành Thể thao là phải chủ động và tích cực vận động thêm sự ủng hộ, giúp đỡ từ xã hội.

Có nghĩa là, cách thức để đột phá chính là việc lập ra những quỹ hỗ trợ để huy động kinh phí. TTVN từng có những quỹ như thế song đều chỉ tồn tại hoạt động trong một thời gian ngắn rồi biến mất, thưa ông?

Thực sự chỉ có mô hình quỹ hỗ trợ như thế mới góp phần giải quyết được tốt những vướng mắc, bất cập trong việc chăm lo, hỗ trợ cho VĐV, đặc biệt những trường hợp gặp chấn thương, hoàn cảnh khó khăn… TTVN từng có hai quỹ như thế nhưng đều không duy trì được lâu, lý do chủ yếu bởi nó phụ thuộc vào đơn vị sáng lập và tổ chức, vào tình hình kinh tế, kinh doanh. Họ cũng có cái khó và mình phải thông cảm.

Tại sao ngành Thể thao hay các tổ chức xã hội, nghề nghiệp thể thao như Ủy ban Olympic Việt Nam không trực tiếp đứng ra xây dựng, thành lập quỹ để đảm bảo tính chính danh và tận dụng được những lợi thế?

Chúng tôi cũng đã nhiều lần tính đến chuyện vận động thành lập quỹ nhưng ở điều kiện kinh tế bây giờ không hề đơn giản chút nào. Tuy nhiên, trước đòi hỏi ngày càng bức bách, ngay tới đây ngành thể thao cũng sẽ phải quyết tâm thực hiện cho bằng được, có lẽ thông qua Ủy ban Olympic Việt Nam là phù hợp và hiệu quả nhất.

Ông có lo ngại nếu cứ duy trì chế độ đãi ngộ, chăm lo như hiện tại, các gia đình sẽ không cho con em mình theo nghiệp thể thao? Và TTVN khó có thể thu hút và giữ chân được những tài năng?

Chúng tôi rất lo và trăn trở. Việc tuyển VĐV ở các thành phố ngày càng khó. Rất nhiều em rất có năng khiếu, thậm chí đã bộc lộ tài năng song bản thân không mặn mà, gia đình cũng không đồng ý cho theo thể thao chuyên nghiệp mà chỉ tập cho vui cho khỏe. So với mặt bằng chung của xã hội, thu nhập của hầu hết VĐV, kể cả tuyển thủ quốc gia mới ở mức trung bình và trung bình thấp, trong khi việc tập luyện thi đấu lại có quá nhiều rủi ro và nguy cơ.

Cùng với việc tiếp tục cố gắng tham mưu để Nhà nước ưu tiên dành cho thể thao một số chế độ chính sách đặc thù, theo tôi, ngành Thể thao, trực tiếp là các tổ chức xã hội nghề nghiệp sẽ phải đẩy mạnh mảng xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư, từng bước thể thao có thể “nuôi” thể thao.

Cảm ơn ông!

Thoa Nhung (Thực hiện)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/che-do-cho-vdv-phai-phu-hop-voi-chi-tra-cua-nha-nuoc-d123444.html