Cảng Sài Gòn và những sự kiện lịch sử

(PL&XH) - Đúng một thế kỷ trước đây (5-6-1911), người anh hùng vĩ đại của Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Ái Quốc đã rời bến Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước. Thời gian cả trăm năm đã qua nhưng bến Nhà Rồng vẫn còn in đậm những dấu tích năm xưa.

Tìm lại cầu tàu nơi Bác Hồ rời cảng Sài Gòn Để ghi nhớ sự kiện ngày 5-6-1911, Bác Hồ đã xuống tàu từ bến cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, sau ngày miền Nam giải phóng, Nhà Rồng được giữ lại làm Di tích lưu niệm 10 năm ngày mất của Người – nơi đây đã mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày về “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1945)”. Tiếp đến ngày 2-9-1982, UBND TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 236/QĐ-UB thành lập “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Hình ảnh bến cảng Nhà Rồng xưa và nay Từ đó đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Bến Nhà Rồng đã đón tiếp hàng chục triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Không những thế, tại đây còn thường xuyên tổ chức những lễ tổ chức kết nạp Đảng, nghe kể chuyện truyền thống, biểu diễn nghệ thuật, ngày hội vui chơi lớn của TP HCM. Bến Nhà Rồng vốn là trụ sở Cty Tàu biển Năm Sao (còn có tên gọi là Cty Vận tải Hoàng Gia) được xây dựng từ năm 1863 nằm trên ngã ba sông Sài Gòn, đầu tuyến phố Nguyễn Tất Thành ngày nay. Sỡ dĩ người dân Sài Gòn gọi tên là Bến Nhà Rồng bởi vì trên nóc tòa nhà có gắn một đôi rồng lớn bằng đất nung, tráng men xanh quay ra hai bên. Giữa đôi rồng là chiếc phù điêu mang hình “đầu ngựa cùng chiếc mỏ neo” – là biểu tượng của Cty Vận tải Hoàng Gia. Đây là loại kiến trúc kế tiếp giữa kiến trúc truyền thống phương Đông với văn hóa phương Tây lúc đó. Tại đây, sau khi người ta cho xây thêm cột cờ Thủ Ngữ treo cờ hiệu để tàu thuyền ra vào thuận tiện thì Nhà Rồng còn được gọi là Sở Canh tân tàu biển. Cuối năm 1899, bến tàu mới được Pháp xây cất. Năm 1911, khi người thanh niên yêu nước Việt Nam Nguyễn Tất Thành bước chân đến bến Nhà Rồng để lên con tàu Amiral Latouche Tréville làm phụ bếp thì bến này mới chỉ được lót bằng ván dày đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông Sài Gòn. Từ bờ đến bến có cầu rộng khoảng hơn 10m. Cho đến năm 1930, Cty Vận tải Hoàng Gia mới hoàn tất việc bê tông hóa bến cảng. Con đường sát bến cảng được gọi là bến Khánh Hội. Năm 1955, người ta đã cho tu bổ lại mái ngôi nhà và thay thế hai con rồng cũ bằng hai con rồng khác với tư thế quay đầu ra. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (30-4-1975), Nhà Rồng – biểu tượng của cảng Sài Gòn – thuộc Cục đường biển Việt Nam quản lý và toàn bộ kiến trúc cũ xưa của tòa trụ sở thương cảng Nhà Rồng hầu như còn lưu giữ nguyên vẹn cho tới ngày nay. Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, bọn xâm lược Mỹ, bến Nhà Rồng đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử như các cuộc tấn công của bộ đội Việt Nam vào vùng Khánh Hội hay sự kiện đốt cháy tàu Alee của Pháp cập bến Nhà Rồng đêm 15-10-1945 hay các cuộc bãi công, bãi thị của công nhân hãng tàu tại đây… Tất cả những ai đến đây dù là khách thập phương hay du khách nước ngoài đều thấy tự hào và cảm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những dòng nhật ký còn lưu giữ, người ta đã đọc được ở đây rất nhiều cảm xúc thiêng liêng đáng trân trọng – “Bác Hồ không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam mà của cả chúng tôi nữa!” - Đó là những lời cảm nhận sâu sắc của Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khi đến thăm bảo tàng. Nhân cách vĩ đại của Bác Hồ khiến hàng triệu trái tim bạn bè thế giới kính phục. Bởi, suốt hành trình bôn ba khắp các xứ người tìm đường giải phóng dân tộc, cuộc đời Bác Hồ là sự hy sinh vô bờ bến – Như lời ông Richard Dixon (người Anh) đã nói: “Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Những thành tựu Người thực hiện là có một không hai. Muốn hiểu rõ nước Việt Nam hôm nay thế nào thì nhất thiết phải nghiên cứu cuộc đời Hồ Chí Minh”. Một bạn Việt kiều trong đoàn Việt kiều và sinh viên Việt Nam tại Nhật trong những ngày về thăm quê, đã viết: “Dù làm gì, ở đâu tôi cũng không được quên mình là người Việt Nam, là con cháu Bác Hồ. Tôi sẽ cùng bạn bè đem kiến thức góp phần dựng xây quê hương Việt Nam”. Hay trong lần đến bảo tàng, hình ảnh “Viên gạch sưởi ấm” rất đỗi đời thường đã khiến gợi cho bạn Trần Thị Tú Lan (Việt kiều tại Pháp) rất nhiều cảm xúc: “Viên gạch mà Bác Hồ để lại đã dạy tôi bài học về sự cần kiệm, ý chí sáng tạo từ cái nhỏ bé nhất và không bao giờ được xem thường cái gì, bởi nó có thể tạo ra cái bắt đầu thay đổi cho cuộc đời và sự nghiệp của mình! Hình ảnh viên gạch còn giúp tôi hiểu ra rằng, phải sống trọn vẹn với từng ngày, từng tháng, từng năm mình đang có và càng tự hào hơn về dân tộc Việt Nam”. Và, đúng như lời của một người Pháp đã viết nhật ký tại đây là: “Nhân dân Việt Nam phải rất tự hào vì đã có Người”. Trước ngày lên đường cùng đội “trí thức trẻ tình nguyện” về phục vụ ở tỉnh Sóc Trăng, bạn Nguyễn Huỳnh Chín, sinh viên của một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh đã đến đây và tâm niệm: “Thế hệ chúng cháu hôm nay coi Bác là tấm gương vĩ đại để giờ đây sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần”. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, rất nhiều thế hệ, nhiều con người đã nguyện sống xứng đáng, phấn đấu không ngừng để làm theo tấm gương vĩ đại của Người, họ đã đến đây chiêm ngưỡng những gì tại bảo tàng và cũng bày tỏ nguyện vọng của chính họ: Được nhìn tận mắt các tư liệu, hiện vật vô giá của Người, chúng con như đang đi ngược theo chuyến tàu thời gian, như được tiếp thêm động lực học tập, phấn đấu rèn luyện và hành động để xứng đáng là con cháu Bác Hồ… khắc ghi mãi mãi lời Bác dạy: “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!”. Cả dân tộc Việt Nam luôn tâm nguyện cùng Người suốt chiều dài lịch sử hào hùng để trọn niềm vui: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của dân tộc Việt Nam. Trí Hải

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2011060509245152p1001c1015/cang-sai-gon-va-nhung-su-kien-lich-su.htm