Cảng Hòn La – Bước phát triển mới

Giữa tháng 8/2009, Cảng biển Hòn La chính thức được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình chuyển nhượng cho Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam (giai đoạn 1).

CôngThương - Việc chuyển nhượng không những giúp tỉnh giải quyết về mối lo tài chính trong xây dựng đầu tư mà còn nâng cảng Hòn La lên tầm cao mới, phát huy hết công suất, hiệu quả của một Khu kinh tế tổng hợp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2008. Cảng biển Hòn La nằm ở địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, được thành lập theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải. Cảng có địa thế đẹp, nằm trong vịnh Hòn La, kín gió do được các đảo Hòn Cỏ, Hòn La và Mũi Ông che chắn. Về đường bộ cũng rất thuận lợi, gần Quốc lộ 1A, cách cửa khẩu Cha Lo biên giới Việt - Lào 153 km; cách biên giới Lào - Thái (Thà khẹt- NakhonPhanom) 301 km và cách Nhà máy xi măng sông Gianh 40 km. Về đường biển gần tuyến hàng hải ven biển; cách tuyến hàng hải quốc tế trên biển đông 360 hải lý, nằm giữa hai cảng lớn Hải Phòng và Đà Nẵng… Nhìn thấy vai trò trọng yếu của cảng Hòn La trong xây dựng kinh tế, phát triển đối ngoại và an ninh quốc phòng, năm 2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 79/2008/QĐ-TTg xây dựng và phát triển Khu kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình thành khu kinh tế tổng hợp. Theo quyết định, các ngành chủ yếu mà Khu kinh tế Hòn La sẽ phát triển là công nghiệp phụ trợ, sản xuất điện năng, đóng tàu biển, tàu đánh cá, công nghiệp xi măng, dịch vụ cảng biển Hòn La và phát triển du lịch Vũng Chùa - Đảo Yến, khu đô thị và một số ngành kinh tế khác. Chính phủ cũng qui định nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu kinh tế Hòn La như không hạn chế thời gian lưu trữ hàng hóa trong khu phi thuế quan. Tàu nước ngoài được phép trực tiếp vào khu cảng phi thuế quan nhận hàng và giao hàng, không phải làm thủ tục xuất nhập cảnh đối với người, chỉ làm thủ tục xuất nhập cảnh đối với tàu tại phao số 0. Hàng hóa, dịch vụ từ nội địa Việt Nam và khu thuế quan trong Khu kinh tế đưa vào khu phi thuế quan được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0%... cùng nhiều chính sách miễn giảm thuế khác.. Được Chính phủ cho phép nhưng đầu tư cho được cảng chứ chưa nói gì đến cả Khu kinh tế không phải dễ khi nguồn lực Quảng Bình chưa đủ “tự cung tự cấp” mà còn nhờ chi viện của ngân sách trung ương. Con số chí ít phải vài nghìn tỉ đồng nhưng thu ngân sách của cả tỉnh mỗi năm chưa đến nghìn tỉ đồng. Khó khăn đến nỗi, Quảng Bình phải kêu cứu Trung ương chi viện và có lúc (như cuối năm 2007) thủ tướng Chính phủ đã phải kí quyết định cho Quảng Bình tạm ứng 37 tỷ đồng vốn hỗ trợ có mục tiêu của cả 2 năm 2009 và 2010 để đầu tư xây dựng cảng Hòn La… Để giải quyết khó khăn về nguồn vốn, Quảng Bình đã ra sức kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp sức với tỉnh đầu tư xây dựng Khu kinh tế Hòn La. Lời kêu gọi được nhiều doanh nghiệp trong nước hưởng ứng, trong đó có Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam và ngày 16/03/2008 một văn bản thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình được kí kết. Theo đó, hàng loạt dự án được nêu ra về nhiệt điện, thủy điện, khai thác khoáng sản, khu du lịch, thương mại…nhưng trước mắt, Tập đoàn sẽ tập trung khảo sát, nghiên cứu đầu tư xây dựng cụm dự án của Tập đoàn tại khu vực Hòn La (các dự án cảng, đóng tàu, nhà máy sản xuất, hệ thống kho xăng dầu LPG...); Kỳ vọng vào sự hợp tác, phát biểu tại buổi lễ kí thỏa thuận, ông Phan Lâm Phương, Chủ tịch UBND tỉnh đặt hết tin tưởng, ông cho rằng: các dự án của Tập đoàn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình khi đi vào hoạt động sẽ tạo bước đột phá quan trọng có tính quyết định, giúp tỉnh nhà tạo bước phát triển đi lên sớm thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010) mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra, sớm đưa Quảng Bình thoát khỏi tình trạng một tỉnh nghèo. Thỏa thuận được triển khai, ngày 28/11/2008, UBND tỉnh Quảng Bình cùng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PNV) chính thức công bố mở cảng biển Hòn La và ra mắt Chi nhánh Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) tại Quảng Bình. Và mới đây, ngày 10/8/2009, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng chuyển nhượng Cảng Hòn La giai đoạn 1 cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam quản lí vận hành, khai thác và tiếp tục đầu tư… Cảng Hòn La (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 162,7 tỷ đồng với diện tích xây dựng trên 94.000m2, cầu cảng dài 100m, rộng 25,5m dành cho tàu thuyền có trọng tải đến 10.000 DWT cập bến. Dự kiến đến năm 2010, mỗi năm cảng biển Hòn La sẽ tiếp nhận 1,8 triệu tấn hàng hóa và trung chuyển 1,4 triệu tấn xi măng và khoáng sản cho Lào, đồng thời đón nhận khoảng 1,4 triệu tấn hàng hóa từ Trung Quốc. Cảng Hòn La giai đoạn 2 sẽ là một cảng biển có quy mô lớn so với các cảng trong cả nước, đón được tàu trên 10 vạn tấn... dự kiến kinh phí đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Được biết, việc đầu tư xây dựng cảng Hòn La giai đoạn 2 hiện do 3 tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vina Shin), Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BiDV) tập đoàn Trường Thịnh cùng bỏ vốn đầu tư và bây giờ thêm Tập đoàn dầu khí Quốc gia cùng chung sức tham gia nhiều dự án Như vậy, cảng Hòn La khởi đầu khó khăn đã trở nên hết sức thuận lợi, hiệu quả từ Cảng Hòn La đã rõ như Chủ tịch Nguyễn Minh Triết phát biểu trong dịp vào làm việc với Quảng Bình, tháng 4/2009: Tỉnh cần phối hợp với các bộ ngành, tập đoàn dầu khí Quốc gia để thu hút thêm nhiều nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng Hòn La- giai đoạn 2. Dự án này sớm hoàn thành bao nhiêu thì hiệu quả kinh tế càng lớn bấy nhiêu. Những dự án ở Hòn La không chỉ phục vụ cho ngành dầu khí mà còn phục vụ nhiệm vụ quốc tế của đất nước. Cảng Hòn La giai đoạn 1 được đầu tư 162 tỷ đồng và khu công nghiệp cảng biển Hòn La được quy hoạch 228 ha với cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, có quy mô đón được tàu 1 vạn tấn, với chiều dài bến cảng 100m, cao độ đáy bến là -9,2m, luồng tàu có chiều rộng 110m... Cảng Hòn La được khởi công giai đoạn 2 sẽ đưa Hòn La trở thành một cảng biển có quy mô lớn so với các cảng trong cả nước, đón được tàu trên 10 vạn tấn vào cập bến. Cảng Hòn La được phân thành 2 khu vực: khu vực phía Nam Hòn Cỏ và khu vực phía Nam Hòn La, với tổng diện tích 32,2ha, phân cách giữa 2 khu là lạch sâu từ -6 đến -5. Khu vực phía Nam Hòn Cỏ được quy hoạch bốc xếp hàng hóa tổng hợp và tiếp nhận tàu 1 vạn tấn. Tuyến bến được đưa ra cách bờ đảo Hòn Cỏ 450m rất thuận tiện cho tàu ra vào suốt cả 4 mùa. Khu vực phía Nam Hòn La là khu bến tiếp nhận hàng rời và đón tàu 10 vạn tấn. Tuyến bến cũng được đưa ra cách bờ đảo Hòn La 450m, đến độ sâu -10m. Phía tiếp giáp đường sau cảng bố trí 3 kho hàng với diện tích 5.400m2 và xung quanh là bãi hàng có diện tích 16.000m2. Để bảo đảm cho tàu neo đậu an toàn kể cả khi có gió bão cấp 12, khu vực cảng Hòn La được thiết kế đê chắn sóng nối liền Hòn Cỏ và Hòn La chiều dài 330m. Trần Minh Tích

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/kinh-te/cang-hon-la-buoc-phat-trien-moi/32/0/20859.star