Cẩn thận với bệnh lý vùng hậu môn

Viêm tế bào nặng lan tỏa vùng tầng sinh môn hay nhiễm trùng hoại thư Fournier là bệnh lý vùng hậu môn ít được biết đến ở Việt Nam, nhưng rất nguy hiểm vì cơ chế bệnh sinh chưa rõ, nguy cơ tử vong từ 20-70% do nhiễm trùng, nhiễm độc nặng nếu không xử trí kịp thời và đúng phương pháp. Đây là một loại nhiễm trùng cấp tính có đặc điểm lan tỏa và hoại tử dưới da, phần mềm của tầng sinh môn, bìu và phần dưới của thân, hay gặp ở người có tiền sử đái tháo đường, nghiện rượu, nhiễm HIV. Bệnh có thể xảy ra ở cả hai giới, nhưng chủ yếu gặp ở nam giới trên dưới 50 tuổi.

Tại Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn-Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân Nguyễn Văn H 38 tuổi ở Ngọc Trì, Kim Hoa, Mê Linh-Vĩnh Phúc được đưa vào trong tình trạng vùng tầng sinh môn hoại tử lan lên cả thành bụng đến dưới sườn, vùng bẹn bìu và tinh hoàn 2 bên lộ rõ, nhiều mủ... Anh H đã được bệnh viện tuyến trước trích rạch và điều trị kháng sinh kéo dài, nhưng vết thương ngày càng lan rộng, viêm tấy lan tỏa và hoại tử rộng. Bệnh nhân Lê Văn B 57 tuổi ở Quang Trung, Diên Hồng, Thanh Miện-Hải Dương vào viện với ổ nhiễm độc mủ hôi thối vùng tầng sinh môn, bụng lưng, bẹn bìu, tinh hoàn 2 bên loét rộng, có hơi lép bép dưới da. Tại Bệnh viện Hải Dương, anh B cũng được điều trị rạch tháo mủ vùng bìu ở bệnh viện Hải Dương gần 10 ngày, nhưng vết thương ngày nặng thêm, viêm tấy lan rộng hoại tử vùng tầng sinh môn, bụng, lưng... Đây là hai trong nhiều trường hợp bị biến chứng bệnh lý vùng hậu môn không được điều trị triệt để ở tuyến dưới, phải vào Bệnh viện Việt Đức để xử lý. Vi khuẩn gây bệnh phân lập được ở cả ba bệnh nhân này chủ yếu là proteus, E.coli, escherichia coli, bacteroides, streptococci, trực khuẩn gram âm kỵ khí B.Fragilis, P.Bucale... Đây là những vi khuẩn hay gặp ở phần tiêu hóa thấp và tầng sinh môn có khả năng phá hủy các tổ chức liên kết mô, gây viêm tắc mạch dẫn đến hoại tử nhanh và lan rộng. Với những trường hợp này buộc phải mổ cấp cứu kịp thời nhằm cắt lọc hoại tử, khép vạt da bụng, che tinh hoàn, truyền dịch, truyền máu, dùng kháng sinh tĩnh mạch liều cao, thay băng hàng ngày. Sau 1 tháng điều trị tích cực, sức khỏe các bệnh nhân ổn định, vùng da tầng sinh môn và sinh dục liền sẹo. Bệnh nhân đại tiểu tiện bình thường. Mỗi năm tại Mỹ có 900-1000 trường hợp mắc bệnh lý vùng hậu môn, còn ở Việt Nam không có thống kê cụ thể số người mắc bệnh nay do chưa được nghiên cứu và đề cập tới. Vì thế phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều bị chẩn đoán nhầm sang viêm mào tinh hoàn, xoắn tinh hoàn.... và đều do các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu xử trí và điều trị, nên đã mất cơ hội được cứu sống. Điểm nhiễm trùng khởi phát là các viêm nhiễm của các khu vực hậu môn sinh dục hoặc hậu môn trực tràng. Nguyên nhân của bệnh do tiết niệu (hẹp niệu đạo, sỏi niệu đạo, đặt ống thông tiểu, thủ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt, đặt dụng cụ dương vật) chiếm 45%. Tiếp đến là bệnh lý về hậu môn trực tràng( các ổ áp xe và dò cạnh hậu môn nhất là do điều trị không đúng cách, các thủ thuật sinh thiết hậu môn trực tràng, nong, thắt trĩ...), chiếm 33%. Ngoài ra có 21% do nhiễm trùng từ ngoài da đưa đến như nhọt, loét vùng bìu tầng sinh môn. Bệnh thường gặp ở nữ giới do viêm nhiễm sinh dục như áp xe tuyến bartholin, môi lớn... Đặc điểm dễ nhận thấy ở những bệnh nhân này là nhiễm trùng lan nhanh và rộng, đặc biệt là hoại tử da bìu và vùng dưới thân, tổ chức hoại tử dưới da và phá hủy lớp cân bên dưới. Bệnh nhân đến viện trong tình trạng nhiễm trùng và hoại tử rộng vùng tầng sinh môn, bìu và lên phần thân, hoại tử lan rộng. Có trường hợp hoại tử làm mất hết cả phần da xung quanh dương vật. Về nguyên tắc điều trị là phẫu thuật cắt bỏ hoại tử dưới da, vá hoặc chuyển vạt da che phủ vết thương, thay băng cắt lọc hàng ngày với dung dịch muối hypoclorite, truyền máu, truyền dịch keo, đạm và tiêm kháng sinh phổ rộng, mạnh. Ngoài ra dùng mật ong đổ vào vết thương do trong mật ong chứa nhiều enzym có thể tiêu các tổ chức hoại tử nhanh, kích thích tổ chức hạt mọc nhanh... BS Đức Chính

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?id=18418