Cân nhắc thời điểm thông qua Pháp lệnh Cảnh sát cơ động

Ngày 12-8, tại Hà Nội, Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) Khóa XIII khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Cùng dự, có các Phó Chủ tịch QH; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban TVQH dành một ngày để cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; thảo luận bảy dự án luật, trong đó có bốn dự án luật được Ủy ban TVQH tiếp tục cho ý kiến sau khi QH đã thảo luận và ba dự án luật cho ý kiến lần đầu. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban TVQH thảo luận cho ý kiến về Pháp lệnh Cảnh sát cơ động và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân và một số nội dung quan trọng khác. Thực hiện chức năng giám sát, Ủy ban TVQH nghe Đoàn giám sát của QH báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tại Phiên họp 20, dự kiến Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường sẽ trả lời chất vấn của Ủy ban TVQH về các vấn đề liên quan tới công tác quản lý ngành.

Sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy ban TVQH thảo luận về dự án Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với việc ban hành Pháp lệnh nói trên nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động. Đồng thời cho rằng, Pháp lệnh cần được xây dựng trên cơ sở quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát cơ động nói riêng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, nhất là Luật Công an nhân dân và bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh.

Một số ý kiến cho rằng, Pháp lệnh còn nhiều nội dung chưa phù hợp vì liên quan tới Hiến pháp và các luật khác, cần quy định chặt chẽ hơn. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc thời điểm thông qua Pháp lệnh vì có nhiều quy định liên quan mật thiết với Luật Công an nhân dân, trong khi Luật Công an nhân dân đã được QH quyết định sửa đổi và dự kiến xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2014).

Cũng trong ngày làm việc hôm qua, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/20975202-.html