Cần giải quyết thỏa đáng về thâm niên trong giáo dục

Vừa qua, trong một chương trình thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa tin về chế độ thâm niên trong giáo dục, đó là: Giáo viên nghỉ hưu từ tháng 5.2011 trở đi và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy mới có thâm niên, còn giáo viên nghỉ hưu từ năm 1994 đến tháng 4.2011 là không có chế độ đó.

Tin này đã dấy lên một sự phản cảm trong ngành giáo dục, đặc biệt là đội ngũ thầy - cô giáo nghỉ hưu từ năm 1994 đến tháng 4.2011.

Đội ngũ giáo viên hưu trí từ năm 1994 đến đầu năm 2011 là đội ngũ đã từng giảng dạy trong những năm tháng đất nước cực kỳ khó khăn: Vừa mới trả qua 30 năm chiến tranh khốc liệt, kinh tế kiệt quệ, cơ chế quan liêu bao cấp trói buộc. Hồi đó một tháng lương ít ỏi của giáo viên phải chia ra nhận hai đến ba lần, có tháng lương phải nhận bằng ngô, khoai, sắn. Giáo viên đến trường, ngày hai bữa ăn chủ yếu ngô khoai và mì hạt. Thế mà họ vẫn bám trường bám lớp, tất cả vì học sinh thân yêu, tất cả vì tương lai tươi sáng của dân tộc. Thế mà bây giờ đội ngũ giáo viên cố sống chết với ngành, nghỉ hưu lại không có chế độ thâm niên, đó là một thiệt thòi mà lẽ ra họ rất xứng đáng để được hưởng.

Hơn thế nữa, đội ngũ giáo viên hưu trí từ năm 1993 trở về trước và giáo viên hiện nay đang công tác sau này nghỉ hưu đều có thâm niên, riêng chỉ có đội ngũ giáo viên hưu trí từ năm 1994 đến đầu năm 2011 là không có thâm niên. Như vậy, trước có, sau có còn ở giữa lại không có là thiếu công bằng, là không phù hợp với chủ trương của Đảng “xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đặc biệt hơn, đội ngũ giáo viên hưu trí từ năm 1994 đến đầu năm 2011 phần lớn là bộ đội phục viên, xuất ngũ chuyển ngành, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã từng một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” từ những năm 1960 - 1970 của thế kỷ trước. Kết thúc chiến tranh trở về, nhiều người mang trong mình thương tật, bệnh tật, sức khỏe, tuổi tác và hoàn cảnh gia đình... nên họ không có điều kiện để thi vào các trường đại học, trung học chuyên nghiệp khác, mà phải chọn trường sư phạm vừa “ngắn ngày...” vừa thích ứng với điều kiện của họ. Không lẽ đội ngũ giáo viên ấy nay nghỉ hưu lại không được hưởng thâm niên?

Với tất cả những lẽ nêu trên, đòi hỏi các cấp, các ngành cần lưu tâm xem xét một cách khách quan để đưa ra một quyết sách thỏa đáng, không nên để lớp hưu trí đó phải đi từ thiệt thòi này đến thiệt thòi khác mà lẽ ra sự thiệt thòi đó không phải của họ.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc-viet/can-giai-quyet-thoa-dang-ve-tham-nien-trong-giao-duc/59750.bld