Cân đối thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Chiều 11/10, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2012 để thông tin về tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2012 của ngành Tài chính.

Tháo gỡ khó khăn, đảm bảo cân đối ngân sách

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Trần Văn Phu, tổng thu cân đối NSNN 9 tháng đầu năm 2012 ước đạt 498.490 tỷ đồng, bằng 67,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2011; Tổng nợ thuế (loại trừ các khoản nợ do chính sách ưu đãi) của các doanh nghiệp đang chiếm khoảng 6,8% tổng thu nội địa của 9 tháng đầu năm. So với tiến độ thực hiện cùng kỳ một số năm gần đây, số thu NSNN 9 tháng năm nay có chậm hơn, nguyên nhân chủ yếu do tác động không thuận từ những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, hoạt động trầm lắng của thị trường tài chính và bất động sản, kết hợp với việc thực hiện các giải pháp ưu đãi thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường...

Về tổng chi cân đối NSNN ước đạt 643.210 tỷ đồng, bằng 71,2% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2011. Đến hết 9 tháng, vốn đầu tư từ NSNN giải ngân đạt khoảng 71% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt khoảng 67% kế hoạch.

Bộ Tài chính đã tổ chức điều hành NSNN chặt chẽ, hiệu quả và linh hoạt. Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 5/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN những tháng cuối năm 2012, trong đó: tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp lớn, cửa khẩu quan trọng... để đôn đốc thu kịp thời vào NSNN các khoản thu phát sinh, các khoản truy thu, nộp phạt qua kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…

Đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện gia hạn khoảng 11.000 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng các tháng 4, 5 và 6/2012 cho trên 190.280 DN; giải quyết gia hạn 2.933 tỷ đồng nợ thuế thu nhập DN cho khoảng 71.630 DN; giải quyết giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho khoảng 2.425 DN, với số tiền giảm là 250,3 tỷ đồng; giải quyết miễn và hoàn thuế môn bài năm 2012 cho 33.510 hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối, với số tiền khoảng 10 tỷ đồng.

Về các giải pháp giãn - giảm, miễn thuế nhằm kích thích sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, ngành Tài chính vẫn theo dõi sát sao và tham mưu kịp thời cho Chính phủ để có giải pháp phù hợp với diễn biến kinh tế. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống thấp hơn mức 25% hiện hành được Bộ Tài chính đánh giá là cần thiết nhằm thu hút đầu tư, tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Việc điều chỉnh phải thực hiện theo lộ trình. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã thành lập tổ soạn thảo để sửa đổi Luật thuế, dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5/2013.

Xây dựng kịch bản điều hành giá chủ động hơn

Ngoài vấn đề thu chi NSNN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng trả lời báo chí về các vấn đề đang được dư luận quan tâm, như: về cơ chế điều hành giá xăng dầu, gói hỗ trợ giãn giảm thuế thu nhập DN, đề án tái cấu trúc Tập đoàn, Tổng công ty…

Về công tác điều hành giá xăng dầu, trong tháng 9/2012, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương ban hành Công văn số 12287/BTC-QLG ngày 11/9/2012 yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối không tăng giá, giữ ổn định giá bán lẻ tất cả các chủng loại xăng, dầu như hiện hành; đồng thời, để đảm bảo quyền lợi của DN, nhà nước điều chỉnh giảm 2% thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu, cho phép sử dụng Quỹ Bình ổn giá theo mức 500 đồng/lít, kg đối với các mặt hàng xăng dầu và tạm thời chưa tính lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở. Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt các kịch bản điều hành giá một số mặt hàng quan trọng (xăng, dầu, điện, than, một số dịch vụ công...) trong thời gian còn lại của năm 2012 và cả năm 2013 để chủ động trong thực hiện.

Về kết quả tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015, tính đến hết tháng 9/2012 đã có 53 Tập đoàn, Tổng công ty xây dựng Đề án tái cấu trúc DN, trong đó đã có 23 Tập đoàn được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án; các Tập đoàn kinh tế tiếp tục xây dựng kế hoạch thoái vốn tại các DNNN không cần nắm giữ cổ phần chi phối; tăng cường tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, tiết giảm 5-10% chi phí quản lý, tập trung giảm giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp. Cũng đến thời điểm này, đã có 83 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đăng ký thực hiện tiết giảm chi phí với tổng số tiết giảm 12.486,7 tỷ đồng và đã thực hiện sắp xếp được 5.856 DN...

Ngoài ra, nhằm tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB tại các địa phương; phối hợp với KBNN tổ chức họp giao ban với các Bộ, ngành và địa phương tiến độ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, đang khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định về việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ và chế độ, biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện vốn đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn NSNN.

(T.Hương)

Nguồn eFinance: http://www.taichinhdientu.vn/home/can-doi-thu-ngan-sach-nha-nuoc-thuc-day-san-xuat-kinh-doanh/201210/125427.dfis