Các nhà máy gang thép và luyện kim của Thái Nguyên: “Mạnh tay” cho hoạt động môi trường

Xác định sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, thời gian qua, các nhà máy sản xuất gang thép và luyện kim trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư “mạnh tay” cho công nghệ và hoạt động bảo vệ môi trường.

Xác định sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, thời gian qua, các nhà máy sản xuất gang thép và luyện kim trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư “mạnh tay” cho công nghệ và hoạt động bảo vệ môi trường.

CôngThương - Những năm trước, hầu hết các nhà máy sản xuất gang thép và luyện kim của Thái Nguyên đều bị liệt vào danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thậm chí, một số nhà máy đã phải dừng sản xuất giữa chừng vì gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều tiêu chuẩn ô nhiễm vượt quá mức cho phép.

Nhận thấy vấn đề bức thiết gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, các nhà máy luyện kim đã bắt tay vào đầu tư công nghệ làm sạch môi trường hiện đại với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Đến nay, Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên đã thay đổi bộ mặt mới. Các nhà máy với những dây chuyền sản xuất khép kín từ luyện cốc, luyện fero đến nấu gang, luyện thép, rồi cán thép đã cải thiệt môi trường một cách đáng kể. Ông Vũ Tiến Bộ - Phó trưởng phòng Kỹ thuật cơ điện (Nhà máy Cán thép Lưu Xá) - cho biết: Nhà máy đã đưa vấn đề quản lý, xử lý môi trường vào bài kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần đối với cán bộ, công nhân. Bất kể ai vi phạm cũng đều bị xử lý nghiêm… Về xử lý nước thải, từ tháng 10/2010, nhà máy đưa vào vận hành bể nước tuần hoàn dung tích 1.200m3, giá trị đầu tư 2,5 tỷ đồng, thay thế cho bể nước dung tích nhỏ, hệ thống lắng, lọc chưa thật sự đảm bảo trước đây.

Hướng tới phát triển bền vững gắn liền với văn hóa bảo vệ môi trường, nhiều năm qua, Xí nghiệp Luyện kim màu 2 Thái Nguyên (thành viên của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên) chuyên sản xuất bột ô xít kẽm 60% (4.600 tấn/năm) đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thiết thực, như: Cải thiện điều kiện làm việc; thay đổi công nghệ thu hồi sản phẩm; xây dựng hệ thống có mái che cho những vùng quản lý nhiên liệu... Đáng kể nhất là từ khi tham gia trình diễn các dự án của Hợp phần Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI), hiệu quả của việc bảo vệ môi trường đã đem lại lợi ích kép không những về giá trị kinh tế mà còn đảm bảo môi trường trong sạch cho người lao động.

Đặc biệt, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên đã thực hiện hiệu quả việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, như: Tập trung cải thiện điều kiện làm việc; thay đổi công nghệ thu hồi sản phẩm; xây dựng hệ thống nhà kho có mái che, phân vùng quản lý nguyên liệu... Tổng chi phí cho giải pháp này hơn 1 tỷ đồng. Hàng năm, công ty tiết kiệm được hơn 200 triệu đồng từ việc giảm sử dụng nguyên, nhiên vật liệu. Ngoài ra, công ty còn chủ động thực hiện các giải pháp đầu tư lớn: Cải tạo hệ thống lò quay số 1, tiết kiệm than; nâng cấp dây chuyền lò luyện; đầu tư hệ thống thu hồi, nghiền, trộn và bảo quản sản phẩm chuyên dụng với kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng… Hiện nay, môi trường làm việc tại công ty được cải thiện và tiết kiệm đáng kể nguồn nguyên, nhiên liệu. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhiều nhà máy khác (Cán thép Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Hợp kim sắt, Nhà máy Luyện gang, Công ty Cổ phần Vật liệu chịu lửa…) cũng đang nỗ lực đầu tư dây chuyền xử lý khói, bụi, nước thải. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, mặc dù vấn đề ô nhiễm môi trường ở các cơ sở luyện kim chưa giải quyết được triệt để nhưng đã giảm tối đa tác động của nó ra bên ngoài.

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/p0c232n14400/cac-nha-may-gang-thep-va-luyen-kim-cua-thai-nguyen-manh-tay-cho-hoat-dong-moi-truong.htm