Buôn Cơ Tu thay áo mới

GD&TĐ - Các buôn làng của đồng bào Cơ Tu tỉnh Thừa Thiên Huế đang “thay áo mới” từng ngày, điện - đường - trường - trạm - công trình nước sạch đã được kiên cố hóa trên những sườn núi cao và đồng bào Cơ Tu ở các xã trong huyện đã đồng lòng kiến nghị chính quyền làm đơn xin ra khỏi diện “xã 135”...

“Vàng trắng” để thoát nghèo

Ông Nguyễn Thanh Kiếm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nam Đông nhớ lại, cây cao su được đưa vào trồng trên đất Nam Đông vào năm 1992, khoảng 0,5 ha để trồng thử. Nhận thấy cây phát triển tốt, địa phương tiếp tục nhân rộng diện tích hàng năm và đến nay tổng diện tích cao su của toàn huyện đã đạt gần 4.000 ha; trong đó, khoảng 1.000 ha diện tích đã cho thu hoạch mủ. Sản lượng thu hoạch bán cho công ty cao su chế biến mủ cốm đạt gần 900 tấn, doanh thu là 50 tỷ đồng/năm.

Nhờ trồng và bán mủ cao su mà một số trung tâm xã đã trở nên sầm uất không kém gì thị trấn Khe Tre của huyện. Nhiều hộ đồng bào Cơ Tu trước đây thiếu thốn, đói ăn là thế giờ đã làm được nhà kiên cố, sắm được vật dụng gia đình đắt tiền, may được đồng phục đẹp cho con em đến lớp, đó là nhờ phần lớn vào nguồn “vàng trắng” từ cây cao su.

Anh Tấn Duy Hậu, cán bộ khuyến nông xã Thượng Nhật ước lượng: “Ở xã mình, nhiều hộ có diện tích khai thác từ 4 - 5 ha có thể cho thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày; tính ra mỗi năm có hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm...”. Không riêng gì ở Thượng Nhật mà hầu hết các xã của Nam Đông, được sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông, đồng bào Cơ Tu đang từng bước ổn định cuộc sống nhờ vào kinh tế vườn, thả cá nước ngọt, chăn nuôi gia súc... và đặc biệt là trồng cây cao su lấy mủ.

“Ở buôn tôi, một số gia đình nhờ bán mủ cao su mà mua được đến 2 xe máy, lại còn cả tivi, tủ lạnh, đầu video, dàn karaoke... Cây cao su đã giúp người Cơ Tu đổi đời, đã đem áo ấm, cơm no về cho các nhà!” - ông Lê Da ở buôn Asất, xã Hương Phú hồ hởi khoe.

Để Nam Đông có được một bức tranh cuộc sống như hôm nay, không thể không nhắc tới công lao của đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm từ huyện cho đến tận buôn làng. Chính họ là nòng cốt về mặt chuyên môn trong việc tập huấn kỹ thuật chăm sóc và khai thác cho đồng bào.

Anh Nguyễn Cao Vân, cán bộ khuyến nông tăng cường ở xã Hương Sơn kể: “Muốn giúp đồng bào Cơ Tu thoát nghèo, trước hết phải hiểu họ, nắm được đặc điểm cuộc sống ở từng địa bàn để đưa ra được giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, nếu giao cho đồng bào bò, dê để chăn nuôi thì được vì đó là loại vật nuôi thả, ăn cỏ. Nhưng nếu dạy họ cách nuôi heo, gà thì không ổn bởi trước đây nhà nào cũng nghèo, lương thực ăn còn thiếu nói gì đến thức ăn cho vật nuôi. Ngay việc vận động bà con từ bỏ thói quen du canh du cư, chấp nhận trồng và chăm sóc cây cao su để chờ ngày thu hoạch cũng đã khiến chúng tôi nhiều đêm mất ăn, mất ngủ...”.

Buôn làng thay áo mới

Trên con đường trải nhựa phẳng lì, chúng tôi về Hương Sơn, một trong những xã cách đây vài năm đã có đơn xin thôi hưởng chương trình 135. Quả thực, đúng như bà con Cơ Tu tự hào gọi trung tâm xã là “phố núi” bởi sự phát triển của nó không kém gì trung tâm một xã vùng xuôi. Từ huyện lị Nam Đông, những tuyến đường liên xã thênh thang đã vươn dài đến tận những buôn làng vốn một thời nổi tiếng là “thâm sơn cùng cốc”. Không chỉ ở diện mạo bên ngoài mà cuộc sống của đồng bào Cơ Tu ở đây đã chuyển biến từ trong mỗi nhà, mỗi người.

Cán bộ lãnh đạo các xã Hương Sơn, Hương Phú cho biết rằng, thu nhập bình quân của người dân đã tăng rõ rệt nhờ vào kinh tế vườn rừng. Trái cây của đồng bào đã được xuất đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đem về nguồn thu nhập không nhỏ. Nhờ được chuyển giao những kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mà cuộc sống của người dân vùng cao Nam Đông đang từng ngày xích lại gần miền xuôi bằng chính công sức lao động và sự nỗ lực của họ trên mảnh đất của mình.

Xin ra khỏi diện “xã 135” cũng đồng nghĩa với việc mỗi địa phương mất đi khoản đầu tư, hưởng lợi từ nhà nước. Song, cái được nhất của Nam Đông là thoát khỏi tư tưởng ỷ lại, biết tự lực, tự cường để vươn lên, làm giàu bằng chính tiềm năng, đất đai, lao động và tài nguyên sẵn có. Bí thư huyện ủy Nam Đông Trần Xuân Bình cho rằng, Nam Đông không vì lợi riêng, bởi nhiều nơi còn nghèo hơn ở đây, đó chính là phẩm chất anh hùng của người dân nơi đây. Và việc xin ra khỏi “diện 135” tựa như một niềm tự hào...

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi có may mắn là được tham dự một đám cưới văn hóa mới ở buôn Asất, xã Hương Phú. Đời sống của người Cơ Tu khấm khá lên, hủ tục lạc hậu bớt đi, chuyện ăn uống ma chay, cưới hỏi tốn kém đã không còn nữa.

Chỉ hơn chục mâm cỗ cùng bánh kẹo, hoa quả và chỉ diễn ra trong một ngày nhưng đám cưới văn hóa mới vẫn vui, ấm áp và đầy ắp tiếng cười. “Thời tôi lấy vợ, nhà gái thường đòi nhà trai lễ vật là 5 - 7 con heo. Nhiều cặp nghèo quá không có tiền đã phải “cưới chui”. Bây giờ thì chuyện đó không còn, mặc dù nhiều gia đình đã dư sức lo heo cho con lấy vợ. Đám cưới văn hóa mới tiết kiệm để dành vốn cho con trẻ làm ăn...” - ông Tam Lượng, nguyên Bí thư Chi bộ buôn Asất vui vẻ chia sẻ...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/buon-co-tu-thay-ao-moi-1634811-bt.html