Bokor - hoang phế sau lưng

Đầu thế kỷ 20, khi người Pháp sang Đông Dương và tìm kiếm những cao nguyên làm chuỗi trạm nghỉ dưỡng, cùng với Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo, Mẫu Sơn, Bà Nàhay Trấn Ninhthì Bokorlà chốn rừng thiêng hoang dã được phát hiện và dệt lên đó giấc mộng của những kẻ chân đi chinh phục nhưng lòng mang đầy nỗi hoài hương. Giữa thế kỷ 20, khi người Pháp rời Đông Dương, Bokor trở thành miền cao nguyên hoang phế...

Nguyễn Vinh

Resort và Casino cổ hoang phế. Ảnh: Nguyễn Vinh

Những người Pháp từng đặt chân đến miền đất này thời đó chắc không thể hình dung rằng, phải đến một thế kỷ sau, trong cõi trời mây và rừng rú thâm u, giấc mộng của họ mới lại được tiếp tục được thêu dệt.

Lần về quá khứ

Từ chợ Kampot, chúng tôi đi về hướng núi. Những cánh đồng tháng Năm trống trơ và chói chang nắng. Nắng phơi bày vẻ phạc phờ trên những bóng thốt nốt khi chiều về. Quang cảnh của miền bán sơn địa ven đường toát lên vẻ rã rời đơn điệu. Xe dừng trạm xăng để khách uống vội ly cà phê, tỉnh ngủ trước khi thẳng tiến về Bokor, tôi gặp một người đàn ông trung niên gốc Việt bán quán nước, hỏi ra mới biết anh là bộ đội từ cuộc chiến biên giới Tây Nam; sau chiến tranh thì ở lại đây lập nghiệp. “Nói đâu xa, chỉ mười năm trước, Khmer đỏ còn lảng vảng trên núi, mấy ổng quậy dữ lắm nhưng nay thì yên bình rồi”, chủ quán nước chỉ vào vách núi có đỉnh hình cái u bò, nói.

Con đường lên núi dài 32 ki lô mét, ngoằn ngoèo, thảo mộc hai bên và sự thay đổi khí hậu từ nóng sang lạnh từ thấp lên cao khiến tôi hình dung đến những cung đường đèo Ngoạn Mục ở Việt Nam. Tôi hình dung đến một thế kỷ trước, khi đây còn là chốn rừng thiêng nước độc, những cuộc du thám của các nhà thám hiểm Pháp hẳn là đầy những cam go. Và điều quan trọng nhất của việc kiếm tìm và thiết lập các khu nghỉ dưỡng trên cao thời điểm đó, chắc chắn không phải chỉ nằm ở niềm hứng thú phiêu lưu, mà còn bởi một nhiệm vụ, áp lực cực kỳ lớn: những viên chức, binh lính Pháp bị đánh bật bởi khí hậu và những căn bệnh của xứ nhiệt đới Đông Dương (như tả lị, viêm gan, sốt rét...) và họ cần tìm ra những chỗ để “hồi sức”.

Có những thời điểm, số người Pháp mắc bệnh “bệnh nhiệt đới”, buộc phải hồi hương và chết trên đường về lớn hơn cả số người được đưa đến Đông Dương. Đến mức, đã có lúc người Pháp nói với nhau rằng, nếu đến Đông Dương, ai sống sót qua hai năm trời thì có thể làm giàu nhưng thường thì chết trong năm đầu tiên.

Hình ảnh những con tàu chở xác người hồi hương gây ám ảnh và buộc chính quyền thuộc địa lúc đó phải tìm kiếm những cao nguyên có điều kiện khí hậu ôn hòa (gần giống với quê nhà nước Pháp) để xây dựng những trạm điều trị, dưỡng bệnh, những khu giải trí để viên chức và binh lính Pháp có thể có sức khỏe thể chất lẫn tinh thần khuây khỏa, phụng sự cho mục tiêu thuộc địa.

Trước chuyến đi, tôi đã cố sao lục tư liệu và hy vọng tìm được một dạng “hồi ký A. Yersin của Bokor” nhưng chẳng manh mối nào rõ ràng. Có lẽ phần vì thời điểm đó, trong mắt chính quyền thuộc địa Đông Dương, Bokor vẫn là xứ hẻo lánh, đặc điểm địa lý, địa hình, độ cao (1.080 mét so với mặt nước biển) lúc đó không thể sánh bằng cao nguyên Lang Bian của Việt Nam và từ đó, sự chú trọng xây dựng hình mẫu đô thị nghỉ dưỡng đã không được người Pháp ưu tiên ngay tại đây. Nhưng biết đâu đó lại chính là một may mắn cho miền đất này.

Những năm đầu 1920, Bokor được người Pháp xây dựng, chính thức như một trạm nghỉ dưỡng địa phương quy mô nhỏ.

Du khách đón bình minh ở Bokor trong sương mù. Ảnh: Nguyễn Vinh

Thời gian tìm thấy

Cơn mưa chiều để lại một khoảng trời sương mù đục của buổi nhập nhoạng tối. Cuối cùng thì chiếc xe khách cũng đã bò lên hết những khúc khuỷu để đứng trên “cái u bò” (Bokor, trong tiếng Campuchia có nghĩa là cái u của con bò). Chướng khí núi rừng hãy còn đâu đó trong những đợt gió tỏa mùi thảo mộc ẩm mục của khu rừng trước mặc xộc thẳng vào giác quan tôi khi cửa xe vừa mở toang. Rừng rú như vẫn còn váng vất chút chướng khí hoang vu mà tôi tìm thấy đâu đó khi đọc trong truyện ngắn Thơ núi Tà Lơn (người Việt quen gọi Bokor là Tà Lơn) của nhà văn Sơn Nam.

Nhưng hãy trở về thực tại. Từ sau màn sương đục bỗng hiện ra một khu resort 4 sao có tên Thansur Bokor Highland Resort với không gian tráng lệ rực rỡ của đời sống dịch vụ. Đây là hình ảnh mới mẻ nhất, phát pháo hiệu của một cuộc đổi thay.

Đêm Bokor lồng lộng gió và đặc quánh sương. Không chọn lựa nào khác, nếu không cắm trại ngoài trời thì Thansur Bokor Highland Resort là nơi lưu trú và ăn uống duy nhất ở vùng cao nguyên này. Dịch vụ bên trong ngoài karaoke thì có vài món khác đó là vào sòng bài nướng tiền và hay lắc lư nhún nhảy trong một quầy bar nhỏ với sân khấu vỏn vẹn hai nhạc công, một chơi guitar, một chơi organ và hai cô ca sĩ trẻ một đến từ Philippines và một đến từ Việt Nam.

Đêm ở Bokor chắc chắn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người du lịch theo kiểu thụ hưởng dịch vụ.

Nhưng với du khách ưa tận hưởng thiên nhiên và khí trời trong lành thì Bokor dư sức.

Ngày có nhiều mùa

Buổi sáng, băng qua những đồi hoa sim, hoa mua đẫm sương, tôi đến với ngôi chùa cổ Sampov Pram, còn gọi là chùa Năm Thuyền được xây dựng từ năm 1924, thời vua Monivong. Quanh sân chùa là những tảng đá hình thuyền nhìn ra phía biển. Trong ngày trời trong, từ đây có thể nhìn thấy đảo Phú Quốc của Việt Nam.

Bình minh lên, các đường nét họa tiết trên mái chùa Khmer như những đầu rắn thần Naga quẫy vào không gian đỏ quạch vằn vện mây một điệu luân vũ thanh thoát và huyền bí. Tôi di chuyển đến một điểm ngắm bình minh khác thường được giới phượt balô ưa thích, đó là ngọn đồi phía trước một phế tích khu nghỉ dưỡng và sòng bạc cổ 4 tầng xây từ thời Pháp. Những công trình hoang phế ở Bokor tuy rời rạc nhưng đã gây ít nhiều “dư chấn” với tâm trí một kẻ ưa hoài cổ như tôi. Nhất là khi đứng trước ngôi nhà nguyện cổ kính như một nốt nhạc móc đơn nằm nghiêng trên ngọn đồi và phía sau là vực biển bao la rừng cây và gầm gào sóng gió. Trong buổi chiều mưa sương mù mịt, trong ngôi nhà nguyện với những mảng tường, khung cửa bám đầy rêu, tôi hiểu những người Pháp năm xưa khi đến đất Đông Dương này đã nuôi tham vọng và nỗ lực trong việc tái tạo ký ức về miền quê hương mình như thế nào và họ đã phải đối diện với mất mát ra sao khi buộc phải bỏ lại nơi đây những dấu tích xa lạ, lạc lõng, những lời nguyện không thành.

Bokor rã rời những phế tích. Màu rêu ở Bokor trên mặt phế tích không có màu xanh, mà là màu đỏ bầm của máu thời gian. Màu rêu đỏ thẫm ấy nổi lên trên những vườn đá tự nhiên, những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp đầy sương giá của miền cao nguyên biên ải u buồn.

Nhà thờ hoang phế. Ảnh: Nguyễn Vinh

Nhưng “u buồn” có khi là cảm giác của một kẻ hoài cổ tự huyễn hoặc. Tôi một lần nữa rơi xuống thực tế, thực sự bàng hoàng khi đứng trước một sa bàn quy hoạch Bokor “toàn diện” cho tương lai. Tập đoàn Sokimex của ông tỉ phú Campuchia gốc Việt Oknha Sokun đang đổ tiền vào khu vực này với một bản đồ án quy hoạch bài bản do các nhà thiết kế Mỹ xây dựng trên tổng diện tích 14.000 héc ta trong đó 2.000 héc ta là nông trại rau sạch, còn lại là khu biệt thự nghỉ dưỡng, sòng bạc và những dịch vụ du lịch cao cấp hứa hẹn vài năm tới. Dự án quyết liệt và bài bản đó rồi đây sẽ đẩy một hình ảnh Bokor hoang phế và hoang dã về quá khứ.

Hiện nay, con đường đổ nhựa dài 200 ki lô mét ngoằn ngoèo trên cao nguyên này đã được xây dựng xong.

Những bước còn lại cho một sự đổi thay hẳn không còn xa nữa.

Mỗi năm Bokor tiếp đón 80.000 du khách đi theo tour, chưa tính khách vãng lai.

Trên đường đi, tôi gặp những nhóm khách ta lẫn Tây cưỡi xe máy phóng vi vu, tôi cũng gặp những nhóm khách vai gùi balô đi cắm trại dã ngoại trong rừng. Mọi người đổ về miền cao nguyên này đều nói với tôi rằng, họ biết đến Bokor qua bộ phim City of Ghosts và R-Point về đến đây để trải nghiệm một “ghost town” huyền bí.

Không lâu nữa, Bokor, từ một thành phố ma sẽ là khu nghỉ dưỡng cao cấp. Và để chuẩn bị cho điều đó, nhà đầu tư đã biết cách đón về những người làm dịch vụ đầu tiên. Tôi sực nhớ đêm ở quầy bar trong Thansur Bokor Highland Resort, sau khi chuốc cạn ly vang đỏ, Bảo Nghi, cô ca sĩ gốc Việt đã hát “Thương về miền đất lạnh”. Tôi lần dò làm quen và được biết Bảo Nghi (tên thật: Ngô Thị Kim Oanh), 25 tuổi, quê Đồng Nai đã từng hát cho một số bar ở Sài Gòn và Phnôm Pênh. Cô được mời về đây hát với thù lao 800 đô la Mỹ/tháng. “Bokor là một cái duyên với em. Không biết sau này thì sao, nhưng hiện tại em cảm giác cuộc sống ở đây bình yên, trong lành, gần chùa chiền, cuộc sống mình cũng tự tại. Mỗi tuần em được nghỉ hát hai đêm để dưỡng giọng và thích về Việt Nam thăm nhà thì về. Thích nhất là khách Việt Nam sang đây ngày càng nhiều, thỉnh thoảng hát ở đây, em gặp được người quen cũ. Bokor ngày trước thật xa, nhưng giờ rất gần”, cô ca sĩ quầy bar nói.

Bokor cho cô ca sĩ trẻ lưu lạc một đoạn kết đẹp sau hành trình phiêu dạt với nghiệp cầm ca và cho khách lãng du chút sương khói bình yên để thầm hẹn ngày trở lại.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/131729/bokor---hoang-phe-sau-lung.html/