Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau bám dân, giữ biển (Bài 2)

Bài 2: "Điểm tựa" của ngư dân

QĐND - Những cơn áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), bão, lốc xoáy trên vùng biển Cà Mau diễn biến phức tạp, bất thường, làm cho ngư dân lo lắng. Tuy nhiên, nỗi lo ấy vơi nhiều khi bên cạnh họ luôn có các cán bộ, chiến sĩ biên phòng giúp đỡ, sẻ chia... “Sẵn sàng” là tư thế của những người lính biên phòng Cà Mau trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), cứu hộ, cứu nạn (CHCN) trên biển, ven bờ. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, được quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ trên tất cả các đồn biên phòng, nhất là các đồn đóng quân nơi cửa biển. BĐBP luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thực hiện "4 tại chỗ" trong công tác PCTT, CHCN, huy động mọi lực lượng, phương tiện, thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân. Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau xây dựng 8 đội tàu an toàn với gần 700 thuyền viên, là lực lượng chuyên trách phòng, chống lụt bão (PCLB), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và nắm tình hình an ninh, diễn biến thời tiết trên biển. Các đồn duy trì thông suốt hệ thống thông tin liên lạc, đài canh dân sự. Các phương tiện hoạt động ngoài khơi cập nhật thường xuyên mọi diễn biến. Ngoài tuyến khơi, tuyến lộng, hệ thống thông tin ICOM được các đồn biên phòng kết nối 24/24 giờ với các tàu, thuyền, trao đổi thông tin thường xuyên. Trên tuyến bờ, các đồn, hải đội biên phòng hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng tại chỗ, Ban chỉ huy PCLB các địa phương, tuyên truyền, giáo dục nhân dân, thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời có lượng tàu, thuyền ra vào làm ăn tấp nập nhất khu vực Tây Nam bộ. Mùa nước nổi, hàng nghìn tàu, thuyền neo đậu, buôn bán thủy hải sản. Khi có áp thấp nhiệt đới, bão, lốc, số lượng tàu thuyền về đây tăng đột biến. Riêng Đồn Biên phòng 692 quản lý gần 1.300 phương tiện đánh bắt thủy sản (trong đó có 500 tàu, bè ngoại tỉnh thường xuyên hoạt động), nhiệm vụ PCLB, TKCN được đơn vị chú trọng hàng đầu. Thiếu tá Võ Văn Sử, Đồn trưởng cho biết: - Hằng năm, đồn làm thủ tục, hướng dẫn trú, tránh bão an toàn cho hơn 10.000 lượt phương tiện và hàng chục nghìn người; có tin áp thấp hay tin bão, các đài canh duyên hải và máy thông tin liên lạc hoạt động hết công suất 24/24 giờ để kêu gọi tàu, thuyền vào bờ tránh bão. Nhờ chủ động xử lý kịp thời các tình huống, nên khi xảy ra thiên tai, ngư dân rất tin tưởng, phối hợp, chấp hành tốt hiệu lệnh của BĐBP. Khi tiếp nhận thông tin ngư dân gặp nạn, đồn khẩn trương phối hợp với Hải đội 2 tổ chức lực lượng, phương tiện ứng cứu. Đồn Biên phòng 692 duy trì hoạt động hiệu quả 2 đội tàu an toàn. Các tàu có công suất từ 250CV trở lên với đầy đủ trang thiết bị an toàn, phương tiện cứu hộ cứu nạn, sẵn sàng cơ động, ứng phó với các tình huống xấu xảy ra trên biển. Các tàu tuần tra, kiểm soát của Hải đội 2 liên tục tuần tiễu trên biển, trực sẵn sàng cơ động ngay cả khi biển động cấp 7. Trung tá Nguyễn Văn Hận, Hải đội trưởng Hải đội 2, BĐBP Cà Mau cho biết: - Trang thiết bị, phương tiện PCLB, TKCN của đơn vị còn thiếu, tàu cứu hộ chỉ hoạt động được trong điều kiện biển động cấp 6. Hải đội đã đề xuất cơ quan cấp trên tăng cường phương tiện, khí tài phục vụ PCLB, TKCN. Hiện tại, khi làm nhiệm vụ, đơn vị thường dựa vào phương tiện và sự phối hợp của ngư dân. Nhiều khi biển động cấp 6, cấp 7, anh em vẫn quyết tâm ra khơi, cứu bằng được tàu, thuyền bị nạn, đưa ngư dân vào bờ an toàn. Từ năm 2009 đến nay, Đồn Biên phòng 692 và Hải đội 2 đã cứu hộ hàng chục tàu, thuyền, cứu sống 9 người, đưa vào bờ an toàn. Điển hình như vụ chìm tàu cá CM-99234 TS của ông Phan Văn Sơn (ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc) cách đất liền 17 hải lý; sau 1 giờ, BĐBP đã kéo tàu và đưa 8 người bị nạn vào bờ an toàn. Sự dũng cảm và trách nhiệm trong công việc của các chiến sĩ biên phòng càng tạo niềm tin, sự yêu mến trong nhân dân. Anh Nguyễn Văn Nghe nhiều năm làm nghề đi biển, trú ở xã Phú Tân, huyện Phú Tân bộc bạch: - BĐBP coi chúng tôi như người nhà, mỗi khi khó khăn các anh đều giúp đỡ, động viên. Khi đánh bắt thủy sản ngoài khơi, có tin áp thấp hay tin bão, các anh tận tình hướng dẫn tàu thuyền tìm nơi neo đậu, tránh bão an toàn. Khi tàu, thuyền gặp nạn, BĐBP luôn có mặt kịp thời, giúp đỡ hết mình. Ông Trần Văn Kha, ngư dân thị trấn Sông Đốc cũng bày tỏ: - Ở ngoài biển hay trên bờ, có thông tin gì về an ninh trật tự (ANTT), chúng tôi đều thông báo cho Đồn Biên phòng 692 hoặc Hải đội 2. Mỗi khi làm ăn thua lỗ, đánh bắt không được nhiều, các anh thường động viên, chia sẻ với ngư dân, nên bà con càng thêm tin yêu, giúp đỡ BĐBP và chấp hành tốt mọi quy định, không vi phạm đánh bắt thủy sản hoặc xuất cảnh trái phép. Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, Đồn Biên phòng 692 đã rà soát, cập nhật số lượng tàu thuyền, phối hợp với địa phương củng cố, mở rộng khu vực neo đậu với sức chứa hơn 3000 tàu, thuyền và hướng dẫn các phương tiện vào sâu khu vực cảng cá Sông Đốc tránh bão. Đến Đồn Biên phòng 692 và Hải đội 2, chúng tôi cảm nhận tư thế sẵn sàng ở mỗi chòi canh, chốt gác và cả nơi các anh ngả lưng sau những giờ tuần tra. Trên đầu giường của từng cán bộ, chiến sĩ luôn treo sẵn chiếc áo phao và một số dụng cụ cứu hộ, cứu nạn. Đại úy Phạm Xuân Huyền, Phó đồn trưởng về trinh sát khẳng định: "Chúng tôi luôn sẵn sàng ra khơi cứu người, cứu tài sản khi có tình huống. Đó là mệnh lệnh thường trực đối với người chiến sĩ biên phòng nơi cửa biển". Bài và ảnh: Tuấn Nam - Lê Khoa Bài 1: Chặn"sóng ngầm” nơi cửa biển Bài 3: Thiết thực giúp dân xóa nghèo

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/10/92/92/130641/Default.aspx