Biển Đông: Hợp tác hay lòng tin chiến lược?

Vấn đề “con gà hay quả trứng” đang nổi lên tại Biển Đông, đó là điều gì cần thực hiện trước giữa hợp tác như một biện pháp xây dựng lòng tin trên biển hay cần lòng tin chiến lược trước rồi mới hợp tác?

Một luồng tư tưởng cho rằng việc thiết lập sự hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực như quản lý tài nguyên, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường trên biển là các biện pháp xây dựng lòng tin trên biển. Một luồng tư tưởng khác lại cho rằng các hợp tác trên không thể thực hiện được nếu thiếu lòng tin chiến lược.

Trung Quốc hiện đang là trung tâm của vấn đề. Một số nhà bình luận cho rằng quan điểm của Trung Quốc là nguyên nhân khiến các biện pháp xây dựng lòng tin không thể thực hiện được nếu không xây dựng lòng tin chiến lược trước. Trung Quốc lo ngại về việc Mỹ đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đông. Nước này cho rằng sự tăng cường quân sự của Mỹ là bằng chứng cho thấy không thể tin bất cứ lời cam đoan nào của Mỹ.

Tàu Hải Tuần 31 của Trung Quốc đi tuần trên Biển Đông

Chính vì vậy mà Thỏa thuận Tư vấn Quân sự trên biển giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa có hiệu lực. Trung Quốc tỏ ý cực kỳ nghi ngại với việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và các hoạt động thu thập thông tin tình báo và giám sát của Mỹ xung quanh bờ biển của mình.

Tuy nhiên, một số nhà bình luận khác lại có quan điểm khác. Họ tin rằng khi Trung Quốc đưa ra các đề xuất như Quỹ ASEAN - Trung Quốc về Hợp tác trên biển cùng với việc thiết lập các ủy ban về các lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường, tìm kiếm cứu hộ và chống tội phạm xuyên quốc gia, thì đây chính là sự đề xuất các biện pháp xây dựng lòng tin trên biển.

Điều này đã chuyển trách nhiệm sang cho các nước tuyên bố chủ quyền tại ASEAN. Những nước này tỏ ra chậm chạp trong việc nắm bắt các đề xuất của Trung Quốc có vẻ với lý do cần có một dạng lòng tin nào đó trước khi có sự hợp tác. Trong hoàn cảnh này, lòng tin ở đây có thể có nghĩa là một số nhượng bộ của Trung Quốc liên quan đến chủ quyền tại Biển Đông hoặc chí ít là một lời giải thích rõ ràng về những tuyên bố chủ quyền trên.

Tính hoán vị giữa hợp tác và lòng tin hiển nhiên đã khiến cho trọng tâm đàm phán về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông luôn thay đổi trong suốt thập kỷ qua. Điều 6 của Tuyên bố Ứng xử trên Biển Đông của ASEAN - Trung Quốc năm 2002 (DOC) xác định các hoạt động hiện thuộc các lĩnh vực mà Trung Quốc đề xuất cộng thêm phần an toàn hàng hải trên biển. Tuyên bố Ứng xử trên đòi hỏi sự hợp tác trong khi chờ đợi một giải pháp toàn diện và lâu dài cho các tranh cãi.

Nhóm Công tác chung ASEAN - Trung Quốc về việc Thực hiện DOC được thành lập năm 2004 có nhiệm vụ đưa ra những kiến nghị cho việc phát triển hợp tác. Tuy nhiên, bản hướng dẫn thực hiện DOC năm 2011 không đề cập cụ thể đến các hợp tác quản lý trên biển mà chỉ xác định các biện pháp xây dựng lòng tin như các hoạt động đầu tiên cần phải được tiến hành theo phạm vi của DOC mà không thực sự nêu rõ các biện pháp trên cần được thực hiện theo phương thức nào.

Hiện quá trình đàm phán của các bên trên Biển Đông đang tập trung vào đàm phán bản Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Theo ghi nhận, bản dự thảo Quy tắc ứng xử trên không đề cập nhiều đến tầm quan trọng của hợp tác và không bao gồm bất kì một biện pháp khả thi nào về việc xây dựng lòng tin.

Khi mà tình trạng con gà và quả trứng tồn tại, hầu như không đạt được gì trong việc bảo vệ khu vực biển nhạy cảm tại Biển Đông, từ việc quản lý nguồn cá, ngăn chặn tội phạm biển xuyên quốc gia cũng như tổ chức nghiên cứu nhằm quản lý hiệu quả biển và nguồn tài nguyên biển. Các nước có đường bờ biển gắn với Biển Đông đều là thành viên của Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS), do vậy các nước này có nghĩa vụ rõ ràng theo phần 9 của Công ước trong việc hợp tác trong các hoạt động trên.

Hợp tác không đơn thuần chỉ là vấn đề lợi ích mà còn là nghĩa vụ và sự cần thiết. Lòng tin không nên được coi là điều kiện tiên quyết của hợp tác. Nếu không có sự hợp tác, sẽ có sự khai thác nguồn cá bừa bãi, môi trường sống trên biển bị phá hủy, nhiều khu vực rộng lớn trên Biển Đông sẽ không được khảo sát và các nước ven Biển Đông sẽ thiếu những kiến thức khoa học cần thiết để hoạt động hiệu quả tại vùng biển thuộc chủ quyền của mình.

Hợp tác trên biển có thể gặp trở ngại nếu thất bại trong việc nhận biết các mối liên kết trong việc khai thác trên biển cũng như khả năng thực hiện pháp lý trên biển. Tại khu vực chồng lấn chủ quyền, biển và tài nguyên biển không thể được quản lý dựa trên quyền lực pháp lý của một quốc gia. Sự hợp tác giữa các nước láng giềng là điều cần thiết cho sự quản lý trên biển một cách hiệu quả và êm đẹp.

Còn cả một quãng đường phía trước để thoát ra khỏi tình trạng này. Có thể rằng tình trạng này đến từ sự khác nhau trong quan điểm và nhận thức, tuy nhiên vẫn cần trở lại với bản chất của vấn đề. Hợp tác trên biển là một biện pháp giúp cho việc xây dựng lòng tin. Hợp tác quản lý Biển Đông và nguồn tài nguyên biển cần phải được tiến hành ngay cả khi các cuộc đàm phán chính trị và các tranh cãi về chủ quyền vẫn chưa được giải quyết.

Những yêu cầu cần thiết cho hợp tác tại Biển Đông và nguồn tài nguyên biển phải được tách khỏi các hoạt động hợp tác quân sự và lòng tin chiến lược. Cần tách gỡ hợp tác khỏi các hoạt động quân sự dạng như Thỏa thuận về Sự cố trên biển (INCSEA).

Tóm lại, hai luồng tư tưởng trên có thể được đưa ra thảo luận tại nhiều diễn đàn khác nhau. Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng thích hợp cho việc phát triển các biện pháp hợp tác trên biển, trong khi Diễn đàn Cuộc họp các BTQP/ASEAN mở rộng có thể bàn về các biện pháp hợp tác xây dựng lòng tin liên quan đến các hoạt động trong lĩnh vực quân sự.

Theo The Nation
Hương Trà (gt)
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Bien-dao/Bien-Dong-Hop-tac-hay-long-tin-chien-luoc/116734.info