Bệnh nhân là ân nhân

Bác sĩ thường cứ tưởng mình là ân nhân của bệnh nhân, bởi vì những lời cảm ơn, xưng tụng, những quà cáp, phong bì, những cử chỉ kính trọng, biết ơn khi họ lành bệnh, những lời tâng bốc, tung hô trong các buổi lễ, những bài báo viết về những thành công trong mổ xẻ, trong điều trị...

Không ai khác, chính bệnh nhân là những vị thầy thầm lặng, ẩn nhẫn và cam chịu để cho chúng ta học, thực hành và tích lũy kinh nghiệm. Chúng ta đã nợ họ, họ là ân nhân của chúng ta. Ảnh: nguồn internet

Tất cả những điều này làm cho một số thầy thuốc ngày càng ngã mạn, cái tôi ngày càng lớn, và nếu như họ còn được đánh bóng thêm bởi những chức danh, sự hào nhoáng của bằng cấp đi kèm với sự thiếu hụt về đạo đức, về rèn luyện nhân cách, về đối nhân xử thế, chỉ chăm chăm đến danh vọng và tiền bạc thì thật là... hỏng bét! Khi ấy, thầy thuốc nhìn bệnh nhân như những đối tượng để thỏa mãn sự cao ngạo, như một phương tiện để kiếm tiền.

Thông thường, một bác sĩ cảm thấy mình có cái quyền đó vì nghĩ rằng ông ta đang nắm trong tay sức khỏe và sinh mệnh của bệnh nhân. Thầy thuốc quên đi “phần người” của bệnh nhân mà chỉ đối xử với “phần con” trong họ. Có nghĩa, thầy thuốc nhìn bệnh nhân như một sinh vật nhỏ bé, tìm đến để nương tựa, dựa dẫm vào ông ta trong cuộc kiếm tìm sức khỏe và duy trì sự sống. Những thầy thuốc như thế thì sẽ biến thành thầy thuốc thú y!

Trên thực tế đã có thầy thuốc bị biến thái, trở thành người man rợ: chữa bệnh cốt lấy nhiều tiền, làm chết bệnh nhân trong khi còn có thể cấp cứu được, rồi ném mất xác bệnh nhân đi. Nói vậy thôi chứ thật ra nhiều thầy thuốc thú y cũng thương con vật, nếu bệnh không cứu nổi, họ cũng sẽ giữ xác con vật và giao lại cho người chủ để nó được chôn cất tử tế!

Còn nhớ khi câu chuyện của vị bác sĩ trên được thông tin, mọi người trong lẫn ngoài ngành y đều giật mình thảng thốt, muốn lên án, muốn phê bình, muốn nguyền rủa... cũng phải nghẹn ngào vì chẳng tìm ra lời lẽ nào phù hợp, tương xứng với mức độ của hành động tàn ác đó. Rồi dường như để chạy trốn thực tế mục ruỗng của y đức, chúng ta đổ lỗi cho nhau!

Tôi xin nói như một người trong ngành y, thật ra, bệnh nhân mới là ân nhân của thầy thuốc, của bác sĩ, của tất cả những người làm trong ngành y, từ cấp lãnh đạo đến y tá, y công.

Ngay từ khi còn là sinh viên y khoa năm thứ nhất, chúng ta đã được học giải phẫu trên những xác người. Những xác người này thường là bệnh nhân của ngành y, nhờ cơ thể của họ mà chúng ta được hiểu biết rõ về từng sợi cơ, sợi thần kinh, từng mạch máu, nội tạng, xương khớp... Rồi nhờ những kiến thức giải phẫu học căn bản đó, sau này ta mới trở thành bác sĩ giỏi.

Từ năm học thứ hai cho tới năm cuối và cả những năm sau đó nữa, chúng ta đi thực tập, ra trường rồi làm việc trong bệnh viện, từ những ngày đầu bỡ ngỡ thực hành trên cơ thể bệnh nhân: xông tiểu, xông hậu môn, chọc dò tủy sống, tiêm chích, truyền dịch cho đến mổ xẻ và nhiều thủ thuật khác, chúng ta từ chưa biết gì được thực hành để biết, từ thực hành vụng về cho đến hành nghề thành thạo. Trong quá trình này, không ít thì nhiều chúng ta cũng có lỗi lầm, chúng ta từng làm cho bệnh nhân đau đớn, làm họ tốn tiền hơn, có khi bệnh nhân gặp biến chứng, có cả những biến chứng chết người! Nhưng thường là bệnh nhân và gia đình họ không biết! Không ai khác, chính bệnh nhân là những vị thầy thầm lặng, ẩn nhẫn và cam chịu để cho chúng ta học, thực hành và tích lũy kinh nghiệm. Chúng ta đã nợ họ, họ là ân nhân của chúng ta.

Khi một người đã trưởng thành với nghề, là những bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư..., cũng không bao giờ có thể tách rời khỏi bệnh nhân (trừ những trường hợp làm công việc quản lý, bỏ luôn chuyên môn). Những công trình nghiên cứu khoa học từ nhỏ đến lớn, những phương thức điều trị, những phương pháp mổ xẻ, những cuốn sách nổi tiếng..., hay nói chung tất cả tiếng tăm, danh vọng mà người ngành y đạt được đều có bóng dáng bệnh nhân. Như vậy, chúng ta đã nợ họ, họ là ân nhân của chúng ta.

Gia đình của các bác sĩ, từ những người âm thầm chưa có tiếng tăm cho đến những người nổi tiếng trong nước, ngoài nước, thường có cuộc sống đầy đủ, hay sung túc, thậm chí là rất giàu có. Tiền tài và vật chất ấy đến từ tiền khám và điều trị của bệnh nhân thông qua các phòng mạch tư nhân, khu dịch vụ ở các bệnh viện công hay qua các phòng khám, các bệnh viện tư nhân... Như vậy, chúng ta đã nợ họ, họ là ân nhân của chúng ta!

Nói hoài nói mãi thì cũng không hết chuyện “chúng ta - những người làm ngành y - nợ bệnh nhân”. Thế nhưng không phải ai cũng biết điều này. Cuộc sống vốn là một chuỗi trùng trùng điệp điệp của nhân - quả. Gieo nhân tốt thì gặt quả tốt. Không ai đối xử tệ bạc với ân nhân của mình mà lại có tương lai tươi sáng và hạnh phúc bền lâu cả!

Từ ngàn xưa, cổ nhân đã luôn dặn dò rằng: ngành y nếu làm tốt, giữ y đạo, y đức thì “hậu thế hữu khanh tướng” (đời sau con cháu sẽ làm quan, hưởng vinh hoa phú quý), còn nếu không giữ được y đạo, y đức, làm nghề mà vô lương tâm thì “tam thế suy” (ba đời con cháu ngày sau sẽ bị suy vong). Không phải dòng sống đã không có những minh chứng cho quan niệm này. Chỉ tại nhiều người trong chúng ta vẫn cứ thấy cái lợi ngắn ngủi trước mắt, không chịu nhìn xa một chút. Nhìn xa để “dọn mình” cho thanh sạch và để đức lại cho con cháu!

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/136725/benh-nhan-la-an-nhan.html/